Trọng dụng người tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo

02:12, 08/12/2022
Ngày 5/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp truyền đạt chuyên đề Nghị quyết 28 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
 
Đáng chú ý, đồng chí Trương Thị Mai dành nhiều thời gian nói về công tác cán bộ, coi đây là “then chốt” trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh quan điểm: “Quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng”.
 
Theo đó, Đảng có các chính sách trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… Đồng thời, cũng cương quyết xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp sai phạm, lợi dụng chức vụ, quyền lực để vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
 
Đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, trong nhiệm kỳ 11 của Đảng (2011 - 2016), đã thi hành kỷ luật 56.572 đảng viên; trong đó, khiển trách 36.754, cảnh cáo 15.008, cách chức 2.477, khai trừ 2.333 đảng viên. Sang nhiệm kỳ 12 (2016 - 2021), số đảng viên bị kỷ luật cao hơn. Cụ thể, đã thi hành kỷ luật 93.207 đảng viên; trong đó, khiển trách 65.647, cảnh cáo 17.217, cách chức 2.496, khai trừ 7.847 đảng viên. Còn từ đầu nhiệm kỳ 13 đến nay, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 365 tổ chức Đảng, 56 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 48 tổ chức Đảng, 5.527 đảng viên. Nội dung vi phạm chủ yếu là việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất đạo đức, lối sống; giữ gìn đoàn kết nội bộ; vi phạm những điều đảng viên không được làm; tham nhũng, cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo.
 
Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề cập đến việc thực hiện Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức và Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Qua hơn 2 tháng thực hiện Thông báo 20, có 3 cán bộ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá 13, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác; 2 thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi; 2 phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác.
 
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo. Từ năm 2013 - 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ, 24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ; 22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
 
Như thế, về mặt kỷ luật, Đảng vô cùng nghiêm minh. Đồng thời, theo Nghị quyết 28, Trung ương yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ. Đồng thời, phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
 
Cùng với đó, Trung ương chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, sắp tới sẽ có chính sách riêng để sử dụng, trọng dụng nhân tài tốt hơn, làm sao cán bộ trẻ có năng lực nổi trội có thể đi nhanh hơn, bảo đảm đóng góp cho Đảng, cho đất nước. Đi cùng với trọng dụng nhân tài, Trung ương yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều cùng với phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, uy tín trong tập thể, trong Nhân dân, đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bổ nhiệm một cán bộ mà chỉ dựa trên hồ sơ thì không đánh giá được thực chất.
 
Như thế, Nghị quyết 28 đã đề cập tới những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất trong công tác cán bộ hiện nay, là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cũng có nghĩa là mỗi cán bộ phải luôn tự răn mình, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, bởi Đảng trao quyền lực nhưng gắn liền với trách nhiệm, mọi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh.
 
HÀ THANH