''Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'' khúc tráng ca bất tử

12:01, 02/01/2023
Từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của K hông quân Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, lập nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là minh chứng hùng hồn về ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa Việt Nam; góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
 
Tranh cổ động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng
Tranh cổ động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
 
  CHIẾN THẮNG CỦAVIỆT NAM VÀ THẤT BẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
 
Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc, với mật danh “Linebacker II”, hòng đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá”. 10 giờ 30 phút, ngày 17/12/1972, theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, toàn bộ lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân, cùng lực lượng dân quân tự vệ của Hà Nội, Hải Phòng... đã vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Sáng ngày 18/12/1972, Phủ Thủ tướng điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội - Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán Nhân dân của thành phố”; 18 giờ 50 phút, Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1; 19 giờ 10 phút, Đại đội ra đa 16 phát hiện nhiễu B-52; 19 giờ 15 phút, Trung đoàn 291 phát hiện B-52 và báo cáo: “B-52 đang vào miền Bắc”. Từ 19 giờ 25 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm; 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên - cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.388 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Độ tàn bạo của cuộc rải thảm bom hủy diệt này được ví như là một “Hirosima không có bom nguyên tử”. 
 
Trước sức tấn công hủy diệt của Không quân Mỹ, trong suốt 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã kiên cường, mưu trí, dũng cảm đánh trả quyết liệt, bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại; gồm 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111A, 21 chiếc F-4CE, 4 chiếc A-6A, 12 chiếc A-7, 1 chiếc F-105D, 2 chiếc RA-5C, 1 chiếc trực thăng HH-53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch. Chỉ hơn 10 ngày tập kích bằng đường không vào Hà Nội, Không quân Mỹ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao; riêng B-52 tỷ lệ tổn thất lên tới 17% (34/193 chiếc). Tướng Gioóc Ếttơ, Phó chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên Tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Trong hồi ký của mình, Richard Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.
 
Với thất bại hết sức nặng nề, đến 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. Việc quân và dân ta đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
 
 CHIẾN THẮNG CỦA SỨC MẠNH Ý CHÍ, BẢN LĨNH, TRÍ TUỆ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
 
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta, nòng cốt là lực lượng phòng không - không quân đã tiến hành chiến dịch đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của Không quân Mỹ tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng đạt mức tiêu diệt máy bay chiến lược hiện đại của Mỹ cao nhất, oanh liệt nhất và đạt hiệu lực chiến lược lớn nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Đó cũng là chiến dịch tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B52 của Mỹ đầu tiên trên thế giới. Bình luận về cuộc ném bom B52 vào Hà Nội, Báo Tin nhanh Mỹ đã viết: Những trận mưa bom hiện thời có lẽ đã tiêu diệt một dân tộc khác, thì trái lại nó làm cho người Việt Nam đứng vững, đồng thời làm nảy nở những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Cùng với quan điểm như vậy, dư luận thế giới đã coi “Hà Nội là thủ đô của phẩm giá con người”. 
 
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là tổng hợp sức mạnh của ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa Việt Nam, trước hết được bắt đầu từ tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy chính trị, quân sự nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ âm mưu toan tính thâm độc của tập đoàn Nixon. Người thường xuyên chỉ đạo, định hướng tư tưởng, tổ chức động viên quân và dân ta, nhất là lực lượng phòng không - không quân, theo dõi chặt chẽ, nắm chắc hoạt động của máy bay B-52, nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng B-52 của Mỹ. Ngày 22/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 50 thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân. Đầu Xuân 1968, Bác đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Từ dự báo chiến lược thiên tài, chính xác của Bác, ngày 5/4/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”.
 
Thứ hai, sự dự báo chính xác các đường bay mà B52 sử dụng để tấn công Hà Nội, Hải Phòng, nên với số lượng đơn vị tên lửa, pháo phòng không, MIG21 của ta rất có hạn nhưng đã bố trí đủ lực lượng cần thiết trên từng đường bay, tạo được lưới lửa nhiều tầng trên các hướng đường bay chủ yếu. Các lực lượng phòng không tham gia chiến dịch đã đặt ở trạng thái chủ động, sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao nhất; đồng thời có sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều thành phần, tạo ra sự bất ngờ, bị động đối với hệ thống tác chiến của Không quân Mỹ từ chỗ chủ quan coi thường hệ thống phòng không của ta, bắt đầu hoang mang, nghi ngờ, rồi lo sợ, khiếp đảm.
 
Thứ ba, mặc dù những vũ khí của ta như máy bay MiG-21, tên lửa SAM 2, pháo phòng không cỡ 100mm, Ra-đa P35 còn kém hiện đại hơn của Mỹ, nhưng bằng khối óc sáng tạo phi thường, trí thông minh và bản lĩnh con người Việt Nam, nên chúng ta vẫn giương “mắt thần”, vạch nhiễu tìm thù, tung lưới lửa bủa vây vít cổ “thần sấm”, “con ma”, phơi xác “thần tượng Không lực Hoa Kỳ”. Điều độc đáo là quân và dân ta không đơn thuần sử dụng từng loại vũ khí đã có, mà đã phát triển thành nghệ thuật phối hợp các loại vũ khí, tạo ra “lưới lửa” phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, vòng trong, vòng ngoài, khiến cho đối phương bất ngờ, khiếp đảm, phải chịu thất trận. Có thể nói, 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân ta đã đánh địch bằng mưu kế, thắng địch bằng thế thời, một nét độc đáo của của văn hóa quân sự Việt Nam.
 
Thứ tư, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng xuất phát từ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa với khát vọng và mục tiêu cao cả “không có gì quý hơn độc lập tự do”; sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả để chiến thắng”; ý chí quyết tâm, niềm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng... đã tạo nên sức mạnh tổng hợp - đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 
 
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là hành trang của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng âm hưởng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn vang vọng mãi như một khúc tráng ca bất tử của thế kỷ XX, đỉnh cao vinh quang, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng.
 
VĂN NHÂN