Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

10:01, 01/01/2023
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) là chủ trương chiến lược, xuyên suốt được tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện. Sự đồng tâm, hợp lực của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền QPTD vững mạnh tạo nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Hàng trăm thanh niên ưu tú của tỉnh Lâm Đồng lên đường nhập ngũ mỗi năm
Hàng trăm thanh niên ưu tú của tỉnh Lâm Đồng lên đường nhập ngũ mỗi năm
 
XÂY DỰNG TIỀM LỰC TOÀN DIỆN
 
Việc xây dựng nền QPTD được tỉnh Lâm Đồng triển khai toàn diện trên tất cả các mặt. Trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Bộ Quốc phòng và của tỉnh… đã được triển khai sâu rộng trong toàn lực lượng. Trong năm, đã có 5 căn “Nhà đồng đội”; 27 căn nhà “Tình nghĩa quân - dân” được xây dựng trong toàn tỉnh, góp phần thắt chặt hơn nữa sự gắn kết quân - dân. Các cơ quan, tổ chức, địa phương thường xuyên chú trọng làm tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội. Việc đấu tranh trên không gian mạng cũng được đẩy mạnh triển khai có hiệu quả.
 
Năm 2022, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 75,3 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 14,2%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 13.000 tỷ đồng; an sinh xã hội được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện… Tiềm lực kinh tế - xã hội vững mạnh đó đã góp phần tạo nền tảng quan trọng trong xây dựng nền QPTD.
 
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nền QPTD, lực lượng vũ trang Nhân dân, công nghiệp quốc phòng - an ninh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, chú trọng nâng cao trình độ, năng lực khoa học, công nghệ cho các lực lượng trong khu vực phòng thủ.
 
Đại tá Vy Thanh Minh - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, khẳng định: “Lực lượng vũ trang tỉnh luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Tỉnh ủy; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo không ngừng phát triển khả năng và trình độ sẵn sàng chiến đấu; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Coi trọng tính toàn diện, tập trung xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là thế trận lòng dân vững chắc”.
 
Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức rộng khắp ở các thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức với tỷ lệ đạt 1,18% so với dân số. Toàn tỉnh xây dựng được 1.000 Tổ an ninh nhân dân, 476 Tổ bảo vệ dân phố, 379 Đội dân phòng, 984 Tổ tuần tra “Dân cử, dân nuôi” và 134 Mô hình Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có Mô hình “Tổ liên hộ tự quản về an ninh chính trị” trên địa bàn huyện Cát Tiên đã được Bộ Công an ghi nhận và đánh giá cao; Mô hình Dân vận khéo “Đổi gạo lấy vũ khí” tại huyện Đức Trọng đã được Cục V05 ghi nhận. Hiện, toàn tỉnh có 1.551 Tổ hòa giải với gần 8.000 thành viên, số cán bộ Mặt trận cơ sở là hoà giải viên 1.376 người.
 
Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thực hiện tốt quy trình, các khâu, các bước trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng giao 1.150 thanh niên, đạt 100% chỉ tiêu, tỷ lệ đảng viên vượt 0,57%...
 
Trong năm, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, các đơn vị đã tiến hành huấn luyện cho các đối tượng đúng, đủ nội dung, chương trình, thời gian theo quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Tổ chức hội thi, hội thao từ tỉnh đến cơ sở đạt mục đích, yêu cầu đề ra và tham gia hội thi, hội thao do Quân khu 7 đạt thành tích tốt. Chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập theo các loại hình, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. 
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong năm 2022, tỉnh đã huy động tốt mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Có nhiều giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ toàn diện cả về chính trị - tinh thần, kinh tế, xã hội, quân sự, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang… Tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh. Kết quả trên đã củng cố, tăng cường tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ tỉnh.
 
Làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
Làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
 
SẴN SÀNG CHO NĂM “BẢN LỀ”
 
Năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm nhiệm kỳ 2021-2025. Đặc biệt, ngày 20/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hoà - Bền vững”; điều này đặt ra nhiều nhiệm vụ trong phát triển địa phương nói chung và việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh nói riêng.
 
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng vũ trang tỉnh và các địa phương tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm.
 
Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết 28 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và các dịch bệnh mới phát sinh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục, liên kết giáo dục, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, học sinh, sinh viên phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 
 
Tăng cường chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự. Nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương. Chủ động dự báo tình hình, tham mưu xử lý kịp thời các tình huống xảy ra ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, phát sinh thành điểm nóng; giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường ổn định để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội... tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần vững chắc trong khu vực phòng thủ.
 
Trước tình hình thế giới, khu vực, trong nước có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, việc xây dựng nền QPTD vững mạnh càng trở nên cấp thiết, bởi đó là nền tảng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Chính vì vậy, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân với nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn để xây dựng nền QPTD vững mạnh, thế trận phòng thủ quân khu vững chắc góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
NGỌC NGÀ