Tìm hiểu Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX

03:08, 11/08/2011

(LĐ online) - Ngày 5 – 8 – 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 của 4 địa bàn trọng điểm, động lực trong tỉnh. Đó là các địa phương: TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và huyện Bảo Lâm. Từ số báo này, Báo Lâm Đồng sẽ mở chuyên mục giới thiệu những nội dung chủ yếu của Nghị quyết về phát triển kinh tế đối với các địa bàn trọng điểm của Lâm Đồng.

 
LTS: Ngày 5 – 8 – 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 của 4 địa bàn trọng điểm, động lực trong tỉnh. Đó là các địa phương: TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và huyện Bảo Lâm. Từ số báo này, Báo Lâm Đồng sẽ mở chuyên mục giới thiệu những nội dung chủ yếu của Nghị quyết về phát triển kinh tế đối với các địa bàn trọng điểm của Lâm Đồng.
 
 
Đà Lạt làm gì để phát triển nhanh và bền vững
 
(LĐ online) - Đà Lạt là thành phố loại I trực thuộc tỉnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Không dừng ở đó, Đà Lạt đang hướng tới phát triển nhanh, bền vững giai đoạn 2011 – 2015 và hướng đến thành phố văn minh, thân thiện.
 
Hồ Xuân Hương - Đà Lạt. Ảnh Intenet
Hồ Xuân Hương - Đà Lạt. Ảnh Internet
MỤC TIÊU VÀ NHỮNG CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế- xã hội thành phố Đà Lạt giai đoạn 2006- 2010, thành phố đã hoàn thành 15/17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội, thể hiện rõ nét vai trò là địa bàn trọng điểm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thật sự tạo bước đột phá, tăng tốc cho cả nền kinh tế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Do vậy giai đọan 2011 – 2015, Đà Lạt cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch chất lượng cao và tạo tiền đề trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo lớn của cả nước và khu vực.

Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch; đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ tốt cảnh quan, môi trường. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị; quy hoạch mở rộng và xây dựng thành phố Đà Lạt đủ điều kiện để trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Theo đó, Đà Lạt cần phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chủ yếu vào năm 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá 1994) bình quân hàng năm 17- 18%; trong đó, nông, lâm nghiệp- thuỷ sản tăng 9- 10%, công nghiệp- xây dựng tăng 16- 17%, dịch vụ tăng 19- 20%. Cơ cấu GDP năm 2015: nông, lâm nghiệp- thuỷ sản 7- 8%, công nghiệp-xây dựng 16- 17%, dịch vụ 75- 76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 260 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm 15.135 tỷ đồng; trong đó thu từ thuế, phí chiếm tỷ trọng 46,25%; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm 20- 22%. Thu hút từ 3,7 đến 4,2 triệu lượt khách du lịch. GDP bình quân đầu người trên 50 triệu đồng...

NHỮNG MŨI NHỌN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Làm gì để thực hiện mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu trên? Trước hết về phát triển kinh tế, Đà Lạt cần quan tâm khuyến khích đầu tư xây dựng đồng bộ và từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển đa dạng các loại hình du lịch có lợi thế, các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Mở rộng không gian du lịch đến các vùng phụ cận thành phố, tạo sự liên kết giữa khu vực trung tâm và vùng ven, phục vụ cho các đối tượng khách du lịch. Khẩn trương chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh bị xuống cấp. Tạo lập môi trường xã hội thân thiện, môi trường kinh doanh lành mạnh. Giữ gìn môi trường tự nhiên trong lành, kiến trúc độc đáo; thực hiện tốt chương trình "nhãn hiệu xanh", phấn đấu đến năm 2015 có 60% cơ sở đạt "nhãn hiệu xanh".
 
Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang phát triển mạnh tại Đà Lạt. Ảnh Internet
Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang phát triển mạnh tại Đà Lạt. Ảnh Internet
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh doanh du lịch. Tập trung đầu tư phát triển các loại sản phẩm có lợi thế như rau an toàn, hoa cắt cành, dâu tây, atisô, chè cao cấp, hạt giống rau, hoa. Đến năm 2015, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất canh tác đạt trên 200 triệu đồng; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 65% giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Phát Chi- Trạm Hành để thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội ô thành phố. Phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Đà Lạt và xây dựng một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn kết với các hoạt động du lịch.

HOÀN THIỆN KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ BẢO VỆ CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG

Đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị là vấn đề đang đặt ra, do vậy Đà Lạt phải tiếp tục chỉnh trang xây dựng, phát triển thành phố, hoàn thiện các tiêu chí về kết cấu hạ tầng của đô thị loại I trong năm 2012; quy hoạch mở rộng thành phố hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương. Đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị, tập trung đầu tư hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, điện chiếu sáng, thu gom và xử lý chất thải; các trung tâm thương mại, trường học, khu công viên; các công trình phục vụ phát triển văn hóa, thể thao ở phường, xã; nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp... chuẩn bị và thực hiện đề án mở rộng, thành lập thành phố Đà Lạt trực thuộc Trung ương.
 
Thác Datanla - Một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh Internet
Thác Datanla - Một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh Internet

Nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, Đà Lạt sẽ trên cơ sở đề án mở rộng, nâng cấp Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và thành lập tỉnh Lâm Đồng mới; rà soát, điều chỉnh quy hoạch kinh tế- xã hội và các quy hoạch ngành, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn 2050; tập trung lập quy hoạch chi tiết, phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch là 80%. Rà soát các dự án đầu tư, có sự điều chỉnh hợp lý, đảm bảo tính khả thi của dự án và ổn định đời sống của người dân. Từ cơ sở quy hoạch, xây dựng chương trình tổng thể và phân kỳ đầu tư, phân định rõ nguồn lực đầu tư để chủ động xây dựng dự án đầu tư hàng năm từ nguồn vốn ngân sách tập trung và nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo việc đầu tư xây dựng các dự án theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tổ chức quản lý quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, tránh lãng phí. Công bố quy hoạch để nhân dân tham gia góp ý, giám sát, thực hiện quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch.

Đối với vấn đề bảo vệ cảnh quan, môi trường, thành phố cần có những giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt rừng cảnh quan và các danh lam thắng cảnh; hàng năm có kế hoạch tôn tạo, nâng cấp phù hợp, không để bị xâm hại hay xuống cấp. Tăng cường đầu tư của Nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực để bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường cảnh quan. Có giải pháp thích hợp để quản lý và kiểm soát chặt chẽ chất thải, nhất là chất thải độc hại. Xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường. Quy hoạch và phát triển các loài hoa, cây xanh phân tán trên khắp địa bàn thành phố.

HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

Thời gian tới, Đà Lạt cần có những cơ chế, chính sách nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Giải pháp đặt ra là: Tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm; ưu tiên xây dựng hạ tầng các khu tái định cư phục vụ triển khai các dự án. Bên cạnh việc để lại các khoản thu vượt ngân sách trên địa bàn cho thành phố như hiện nay, tỉnh nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm, điều kiện của thành phố, tạo nguồn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.Tạo các cơ chế huy động rộng rãi các nguồn vốn trong nhân dân, trong các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển. Chủ động khai thác các phương thức đầu tư BT, BOT để hoàn thành các công trình trọng điểm; dành vốn lập một số dự án đầu tư để tranh thủ các nguồn vốn, nhất là vốn ODA.

Xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là thực hiện tốt các chính sách về xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp xúc với các dự án đầu tư trên địa bàn; chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư để tranh thủ mọi nguồn vốn. Hàng năm tổ chức trao đổi, đối thoại, gặp mặt và giải quyết kịp thời các khó khăn, bức xúc và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện dự án; kiên quyết thu hồi các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và xây dựng bộ máy đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ.
 
Tạo điều kiện tốt nhất về việc cho thuê đất, giao đất, cho thuê nhà, các thủ tục về đăng ký kinh doanh để hình thành doanh nghiệp và hợp tác xã. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công, vốn khoa học công nghệ và các nguồn vốn khác để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng Trung tâm hỗ trợ hoạt động du lịch; tăng cường liên kết giữa các tour du lịch Đà Lạt với các vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Thực hiện tốt đề án đổi mới công tác quản lý thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011- 2015 và các đề án quản lý thu thuế trên các lĩnh vực. Điều hành chi ngân sách hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.

BÁM SÁT 7 CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM, 3 CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM
 
Nhiệm vụ phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững, hướng đến thành phố văn minh, thân thiện được cụ thể hóa bằng các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm sau. Các chương trình trọng tâm:

- Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

- Chương trình phát triển du lịch chất lượng cao gắn với nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ khác.

- Chương trình nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và củng cố thương hiệu, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp.

- Tiếp tục xây dựng văn minh đô thị; thành phố thân thiện cả về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

- Phát triển nguồn nhân lực của thành phố đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới.

- Hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I.

- Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Các công trình trọng điểm:

- Hoàn thành, đưa vào sử dụng những công trình đang xây dựng, như : quảng trường thành phố, cụm công nghiệp Phát Chi- Trạm Hành, công viên Ánh Sáng, khu dân cư 5B và các khu tái định cư, khu C chợ Đà Lạt.

- Xây dựng hệ thống đường vành đai ngoài, trung tâm giao dịch hoa và các chợ dân sinh, nhà máy xử lý chất thải rắn, hệ thống thoát nước kiên cố, công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt, công viên văn hoá Bà Huyện Thanh Quan, trung tâm văn hóa- thể thao Lâm Đồng, khu du lịch Cam Ly- Măng Lin, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch cụm Prenn, ký túc xá sinh viên, trung tâm thương mại Ánh Sáng. Chỉnh trang khu Hòa Bình và khu vực lân cận; hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước thải đô thị, hệ thống điện sinh hoạt.

- Phát triển các làng hoa, nâng chất lượng làng hoa Thái Phiên, Hà Đông để phát huy nghề trồng hoa và tạo điểm đến cho khách du lịch.
 
Ảnh Văn Thương
Ảnh: Văn Thương
 
PV tổng hợp