100 năm đồ án Hébrard (1923 -2023):
Quy hoạch Đà Lạt - thành phố vườn đầu tiên trên thế giới

THƠM QUANG - ÁNH PHƯỢNG 07:43, 15/02/2023

(LĐ online) - Đà Lạt không chỉ được biết đến là thành phố của sương mù, của ngàn thông và ngàn hoa; nơi đây còn nổi tiếng với những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn người Pháp như: Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà ga xe lửa, chợ Đà Lạt, các khách sạn Đà Lạt - Pa-lát, Du-pác… Ngay từ những ngày đầu mới “thai nghén” (1893),  Đà Lạt đã được chính quyền Đông Dương dành sự quan tâm đặc biệt đó là thực hiện nhiều đồ án quy hoạch xây dựng và phát triển biến Đà Lạt thành một nơi nghỉ dưỡng mang kiểu cách châu Âu và là thành phố vườn đầu tiên trên thế giới.

Bản đồ quy hoạch Đà Lạt của Ernest Hébrard, năm 1923 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Bản đồ quy hoạch Đà Lạt của Ernest Hébrard, năm 1923 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

• NGƯỜI PHÁP THÁM HIỂM ĐÀ LẠT

Lần theo nguồn thư tịch cổ, Đà Lạt khi xưa nằm trong khu vực được gọi chung là Lâm Sơn phần - vùng đất hoang vu và kỳ bí. Nơi đây, chỉ có lác đác vài buôn làng của đồng bào Thượng sinh sống. Đến nửa đầu thế kỷ 19, trong quá trình thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhận thấy tiềm năng của vùng đất Đà Lạt, chính quyền Pháp đã thực hiện vài chuyến thám hiểm đầu tiên. Tuy nhiên, các chuyến thám hiểm này chỉ mang ính chất sơ sài, khảo sát mà thôi. Chỉ đến ngày 21/6/1893, khi bác sỹ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Bian. Thời khắc 3h30’ đã trở thành dấu mộc quan trọng, là tiền đề cho sự khai sinh ra thành phố Đà Lạt sau này. Trong báo cáo chuyến thám hiểm của mình, bác sỹ Yersin có viết: “Những đường đất uốn lượn làm ta tin rằng, chúng ta đang đi trên mặt biển dậy sóng lớn. Lang Bian nằm ở giữa như một hòn đảo và cảm giác càng xa dần mỗi khi ta tiến lên... Sự mát lành của khí trời làm tôi quên đi mệt nhọc”.

Hấp dẫn bởi khí hậu trong lành và nét duyên dáng của miền đất lạ, bác sỹ Yersin đã đề nghị Toàn quyền Đông Dương xây dựng tại đây một trạm điều dưỡng trên núi nơi các quan chức và kiều dân Pháp nghỉ dưỡng mà không phải về chính quốc. Ngày 1/11/1899, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng. 

Ngay từ khi mới thành lập, chính quyền thuộc địa đã tiến hành quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố một cách bài bản, khoa học với tham vọng biến nơi đây thành một nước Pháp thu nhỏ miền nhiệt đới. Sau đó, rất nhiều những bản đồ án quy hoạch của các kiến trúc sư nổi tiếng được đưa ra.

• NHỮNG QUY HOẠCH ĐẦU TIÊN

Năm 1900, Paul Champoudry được bổ nhiệm làm Thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt. Ông là người có kinh nghiệm vững chắc trong lĩnh vực quy hoạch đô thị sau nhiều năm làm việc tại Tòa thị chính Paris. Paul Champoudry đã khởi xướng xây dựng đồ án đầu tiên về đô thị hóa Đà Lạt vào năm 1906. Bản đồ án này hướng đến một sự tách biệt kép, trước hết là giữa cực quân sự và dân sự. Theo đó, toàn bộ không gian bên bờ hữu ngạn sông Cam Ly là dành cho quân sự; bên tả ngạn là thành phố hành chính và dân sự. Có nghĩa là phần phía Bắc của cao nguyên cho tới núi Lang Bian là khu vực dành cho quân đội, phần còn lại là dành cho dân sự. Các dinh thự, cơ quan hành chính cũng dự kiến được xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và thiếu sự nhất quán trong chính sách của chính quyền thuộc địa, đồ án này chỉ được thực thi một phần, diện mạo thành phố chưa có nhiều thay đổi.

Đến ngày 6/1/1916, toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập tỉnh Lang Bian và sau đó là thành lập thị tứ Đà Lạt theo Dụ của vua Duy Tân ngày 20/4/1916. Đà Lạt trở thành một xứ thuộc Pháp nằm trong xứ bảo hộ Trung Kỳ và đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. 

Vì giai đoạn này, do một số nguyên nhân đặc biệt khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, nhiều người Pháp đã quyết định ở lại Đông Dương, vì thế họ quan tâm hơn đến trạm nghỉ mát trên cao này. Và sau thời gian “ngủ đông”, thành phố trỗi dậy với rất nhiều công trình, dinh thự được xây dựng.

Năm 1919, O’Neill đã đề xuất một đồ án mới có tên gọi “Thành phố Đà Lạt - Bản sơ đồ chu vi đô thị với những chỉ dẫn về khu đất nhượng” hướng đến sự cân bằng lại về lãnh thổ nghiêng về khối dân sự. O’Neill dự kiến xây dựng Đà Lạt thành một thành phố vui chơi, giải trí.

• QUY HOẠCH THÀNH PHỐ VƯỜN ĐẦU TIÊN

Từ chương trình phát triển năm 1900 của Toàn quyền Paul Doumer, Đồ án quy hoạch đầu tiên năm 1906 của Thị trưởng Champourdy áp dụng phương pháp phân khu chức năng, Đồ án quy hoạch năm 1919 của O’Neill; cho đến đồ án quy hoạch thành phố cảnh quan bài bản của KTS Hébrard năm 1923 làm rõ nét dấu ấn của Thành phố vườn. Dựa trên nền tảng đó, những công trình kiến tạo có ý tứ, hòa nhập vào khung cảnh tự nhiên, đã tạo nên cảnh quan đô thị Đà Lạt giàu có phong phú với những di sản quý báu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc.

KTS Hébrard nổi tiếng với công tác trùng tu Salonique tại Hy Lạp (1918), bắt đầu lập đồ án cho Đà Lạt đồng thời với đồ án của các thành phố: Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng và PnômPênh.

Đến năm 1923, KTS Hébrard hoàn tất công tác, đồ án được Toàn quyền phê duyệt và ban hành áp dụng vào tháng 8/1923, theo đó Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao kiểu mẫu; thành phố được thiết kế theo quan điểm của các nguyên tắc về: “Quy hoạch thành phố vườn”. Lần đầu tiên các vấn đề phức tạp của đô thị Đà Lạt đã được nghiên cứu một cách tổng hợp và nhiều giải pháp có ý nghĩa định hướng phát triển thành phố đã được đề xuất. Phân tích đồ án và chương trình xây dựng ta thấy:

Vấn đề bảo vệ, tôn tạo cảnh quan và bố cục không gian mỹ cảm cho thành phố, đã được tác giả quan tâm đặc biệt. Ý tưởng chính xuyên suốt là xây dựng một “Thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố”, với các mục tiêu tập trung bảo vệ thiên nhiên thông qua mở rộng mặt nước, thiết lập không gian xanh, khu bảo tồn rừng và xây dựng với mật độ thấp. Trên một vùng thiên nhiên rộng lớn của cao nguyên Lâm Viên, KTS Hébrard bố trí thành phố trong một không gian vừa phải, khoảng 30 ngàn hecta. Đây là một diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000 đến 50.000 dân (lúc đó dân số Đà Lạt khoảng 1.500 người).

Nét nổi bật của đồ án là cách giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị. Dòng suối Cam Ly được chú ý tôn tạo một cách tích cực để trở thành một trục cảnh quan mặt nước hấp dẫn cho thành phố, với hệ thống các hồ nhân tạo lớn nhỏ có các tuyến đường dạo quanh, men theo sườn dốc nối kết liền lạc với nhau. Bố cục chính của thành phố nghỉ mát và thủ đô tương lai, được tổ chức quanh trục cảnh quan này, mỗi hồ là nhân của một phân khu chức năng. Là người ủng hộ nhiệt thành cho nguyên lý chia khu mà mình là người tham gia xây dựng ý tưởng, Hébrard đi tới xác định ba “thành phố” trong một: Một khu người Việt thực thụ, một thành phố dành cho người Âu, một trung tâm hành chính. Mỗi khu phố lại được chia thành những không gian chuyên biệt.

Trong đồ án, ý tưởng xuyên suốt mà ta nhìn thấy của Hébrard là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố”, Đà Lạt sẽ là một đô thị sinh thái vắng bóng các ống khói công nghiệp.

Mặc dù được thông qua, nhưng đồ án tỏ ra quá tham vọng vào thời điểm đó, nhất là hệ thống đường sá nên gây ra sự phản ứng. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 và việc giảm ngân sách một cách mạnh mẽ làm cho đồ án thất bại, chỉ có một trong ba sự phân lô và con đường dạo quanh hồ trở thành hiện thực.
Thập niên sau đó là thời gian của mọi tham vọng. Năm 1933, ông Pineau đưa ra đồ án quy hoạch mới đưa Đà Lạt hướng tới một dự án quy hoạch đô thị thực thụ, hòa nhập với môi trường. Đến năm 1943, Lagisquet tiếp tục đưa ra kế hoạch mở rộng vùng đô thị đề xuất cải thiện, phát triển và làm đẹp thành phố để xây dựng một “thành phố vườn” trong tương lai.

Có thể nói, từ chương trình phát triển năm 1900 của Toàn quyền Paul Doumer, Đồ án quy hoạch đầu tiên năm 1906 của Thị trưởng Champourdy, Đồ án quy hoạch năm 1919 của O’Neill; cho đến đồ án quy hoạch thành phố cảnh quan bài bản của KTS Hébrard năm 1923 làm rõ nét dấu ấn của Thành phố vườn. Dựa trên nền tảng đó, những công trình kiến tạo có ý tứ, hòa nhập vào khung cảnh tự nhiên, đã tạo nên cảnh quan đô thị Đà Lạt giàu có phong phú với những di sản quý báu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc.