Bây giờ, người thanh niên xung phong ngày ấy mái đầu đã bạc. Nhưng khi nhắc đến chuyện những ngày đầu đi mở đất, bao nhiêu ký ức bỗng hiện về, nên giọng nói của anh trở nên hào hứng, sôi nổi.
Ngày ấy, gian truân là thế nhưng những người con Hà Nội trên vùng đất mới Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – vẫn bám trụ để làm nên một Lâm Hà hôm nay quả là chuyện kể không bao giờ dứt. Hay nói như anh Phan Hữu Giản, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà, một trong những thanh niên xung phong giờ mái đầu đã bạc, là “Thứ nhất là chống hà bá, thứ nhì khai phá sơn lâm” để thấy phần nào sự gian truân của những người đi mở đất.
Bây giờ thì người thanh niên xung phong ngày ấy
|
Ông Phan Hữu Giản nay mái đầu đã bạc. |
. Nhưng khi nhắc đến chuyện những ngày đầu đi mở đất, bao nhiêu ký ức bỗng hiện về, nên giọng nói của anh trở nên hào hứng, sôi nổi.
Trong câu chuyện giữa chúng tôi và anh Phan Hữu Giản về vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Hà, anh có nhắc đến một nhân vật khiến cho tôi lưu ý: Ông Phạm Doãn Hiền, một trong những hộ nông dân xung phong đi kinh tế mới Lâm Hà ngay trong những ngày đầu, cách nay trên ba mươi năm.
Chuyện của đôi vợ chồng ông Hiền và bà Loan cũng không khác mấy so với những hộ nông dân được trao tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi ở huyện Lâm Hà, nhưng điều khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng ở đôi vợ chồng này là câu chuyện về một dòng chữ ghi trên trần nhà: “Quyết tâm thắng lợi lớn – Kiên trì thành công to”.
Lần ấy, đi tìm gương người tốt việc tốt để viết một bài báo nhỏ, chúng tôi đã “lạc” vào ngôi nhà của ông Hiền và bà Loan và nhìn thấy dòng chữ đó. Lần ấy, chúng tôi đã ngẫm ngợi mãi về cái câu được ghi bằng sơn màu đỏ trên trần nhà của ông Hiền: Hẳn nó không phải là câu khẩu hiệu, càng không phải là thơ, cũng không là một thành ngữ… nhưng được chủ nhân viết lên trần nhà và đóng khung một cách rất trang trọng. “Nhờ cái câu ấy mà chúng tôi bám trụ đến ngày nay!” – ông Hiền đã nói như vậy.
“Năm đó, tôi là cán bộ Đoàn của Trường Đại học Nông nghiệp. Chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng được đặt ra. Và tôi là một trong những cán bộ được trên điều động” – anh Phan Hữu Giản nhớ lại. “Năm đó” mà anh Giản nói là năm cách nay những ba mươi tư năm. Ấy nhưng, trong trí nhớ của người nguyên là Bí thư Huyện ủy Lâm Hà này, ngày tháng ấy như vừa mới đây và vẫn còn nguyên vẹn.
Bây giờ thì trên vùng kinh tế mới Lâm Hà đã “định hình” những tên đất tên làng vốn rất đỗi quen thuộc với người dân Thủ đô: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Từ Liêm, Thanh Trì, Đống Đa, Đông Anh… Trong câu chuyện của anh Giản với chúng tôi vào một đêm ở nhà riêng của anh trên đường Phù Đổng Thiên Vương (Đà Lạt), anh nhắc lại lời của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương: “Việc lãnh đạo xây dựng vùng kinh tế mới khá khó khăn, phức tạp.
Người ta nói là “đi khai sơn phá thạch” mà… Việc quan trọng nhất là ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng có tốt hay không. Ngoài này, Thành ủy có nói hay nói tốt mà trong đó mà không tốt thì mất tín nhiệm, người ta vẫn bỏ về…”. Nhắc lại điều này để thấy rằng “câu khẩu hiệu” ghi trên trần nhà của những người dân đi kinh tế mới như vợ chồng ông Hiền và bà Loan vừa đề cập ở trên là có lý: “Quyết tâm thắng lợi lớn – Kiên trì thành công to”.
Anh Phan Hữu Giản nhận xét: “Sau hơn ba mươi năm, những gì mà Lâm Hà hiện có đã chứng minh được sự đúng đắn của chủ trương đưa dân đi kinh tế mới của Hà Nội ngày ấy. Quả thực, nhìn lại chặng đường dài hơn ba mươi năm, thật khó hình dung một vùng đất hoang vu ngày đó đã có sự thay đổi mạnh mẽ nhường kia. Nhưng, những người con Hà Nội đã làm được; và họ đã thực hiện trọng trách của mình với một quyết tâm rất cao!”.
Cuộc gặp với anh Phan Hữu Giản nguyên là Bí thư Huyện ủy Lâm Hà tại nhà riêng của anh hầu như không được chuẩn bị trước, nhưng chúng tôi đã thực sự bị anh thuyết phục bởi anh nhớ hầu như không sót chi tiết nào, con người nào, vùng đất nào… ở “sự kiện” hơn ba mươi năm về trước liên quan đến vùng kinh tế mới Lâm Hà.
Câu chuyện của anh đã giúp chúng tôi hình dung phần nào về dấu chân của một thời đi mở đất của những người con Hà Nội trên vùng đất mới Nam Tây Nguyên.
Ngày ấy, những năm từ 1976 đến 1978, lực lượng thanh niên xung phong đi trước, sau đó đưa dân vào từ từ. Những tổng đội thanh niên xung phong được thành lập, sau đó là thành lập hợp tác xã. Trên vùng đất mới, không chỉ đối mặt với khó khăn về sốt rét, phải đánh vật với đất để giải quyết vấn đề lương thực mà những người con Hà Nội này còn đối mặt với nạn Fulro khá phổ biến lúc bấy giờ.
“Ngày đó, trên vùng đất Lâm Hà, đã xảy ra tình trạng Fulro đốt nhà, giết cán bộ. Bản thân anh em thanh niên xung phong chúng tôi cũng đã từng “lọt” vào đại bản doanh của Fulro giữa rừng sâu. Lần ấy, may mà không xảy ra cuộc chạm trán nên máu đã không đổ” – anh Giản kể.
Rồi nữa, giữa thâm sơn cùng cốc, nỗi nhớ nhà, nhớ quê cứ cồn lên. Nhưng, cán bộ động viên anh em, anh em tự động viên nhau, nhiều hình thức sinh hoạt thanh niên được tổ chức. Cuối cùng, một vùng đất mới Nam Ban rộng khoảng 24.000ha cũng đã được mở ra, những làng xóm được hình thành. “Hà Nội xác định là sẽ xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Hà rộng khoảng 60.000ha.
Như vậy, vấn đề cần làm tiếp theo là khảo sát vùng đất phía Láng Tranh phía bên kia sông Đa Dâng như thế nào cho hợp lý” – anh Giản nói tiếp. Sau nhiều cuộc họp để đưa ra quyết sách, cái “dấu hỏi” bên kia sông ở vùng đất Láng Tranh cũng đã được giải đáp.
Năm 1978, chuyến thăm và làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Lâm Hà là một dấu mốc rất quan trọng cho sự phát triển mọi mặt của địa phương này. Nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Phan Hữu Giản nhớ lại lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Đúng là ở Lâm Đồng có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi bò sữa quy mô lớn.
Các nước, người ta uống 300 lít sữa/người/năm; chúng ta phải phấn đấu để người Việt Nam được dùng 100 lít sữa/người/năm… Trong khi chưa có điều kiện chăn nuôi bò sữa thì ta nuôi con khác, trồng cây khác, thích hợp với từng loại đất…”. Trên cơ sở đó, Lâm Hà đã chọn cho mình con đường tập trung phát triển vùng cây công nghiệp; ưu tiên công nghệ chế biến để phát huy giá trị nông sản… Và sau hơn ba mươi năm đi mở đất, mồ hôi đã đổ xuống, những người con Hà Nội trên vùng kinh tế mới Lâm Hà đã hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử của mình, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ và nhân dân hai địa phương Hà Nội và Lâm Đồng.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VI nhiệm kỳ 2010 – 2015 vừa được tổ chức mới đây, với chủ đề “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Lâm Hà phát triển toàn diện bền vững”, các nhà lãnh đạo địa phương này đã xác định được một số mục tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 – 2015 từ 14% - 15%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 41 triệu đồng (khoảng 2.100USD); tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 – 2015 trên 9.000 tỷ đồng…
Dưới một góc độ nào đó mà nói thì những con số nêu trên như là một cột mốc mới để cho những người con Hà Nội trên vùng kinh tế mới Lâm Hà cùng với toàn thể nhân dân huyện Lâm Hà bước tiếp chặng đường đi mở đất của cha anh ngày trước.
Đêm bắt đầu vào khuya, nhưng câu chuyện của người từng là thanh niên tiên phong của Hà Nội trên vùng kinh tế mới Nam Tây Nguyên và nguyên là Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Phan Hữu Giản dường như vẫn chưa muốn khép lại.
Những thành quả to lớn đã đạt được ở vùng kinh tế mới Lâm Hà là vậy và thật đáng ghi nhận; nhưng cũng ở vùng đất này, tâm tư thì không phải là không tồn tại trong suy nghĩ của người có hơn ba mươi năm gắn bó với vùng đất Lâm Hà – chúng tôi nhận ra điều đó ở người đang ngồi đối diện.
Thi Hoàng