(LĐ online) - Trở lại Cát Tiên sau hơn mười năm rong ruổi, điều ngạc nhiên và thích thú nhất đối với tôi có lẽ là con đường liên tỉnh đã được hoàn thành. Những chuyến xe nối liền mọi miền Tổ quốc, những giọng hò phương ngữ nằng nặng chất quê, tiếng nhạc xập xình thời hội nhập đã đi vào thôn vắng, hàng cây bằng lăng trải hoa tim tím đây đó cũng mang lại nhiều cảm giác suy tư…
Toàn cảnh gò 2,3 di tích Cát Tiên. Ảnh: minh họa |
Cát Tiên quả đáng được suy ngẫm, trân trọng.
Leo lên đồi di tích, với một trăm năm mươi lăm bậc thang cao chót vót được bê tông hoá vững chắc, ta sẽ được chiêm ngưỡng một công trình tuyệt tác của người xưa. Tháp cổ giờ đây chỉ còn là những đống đổ nát, hoang tàn nhưng linh hồn của nó vẫn đang còn đấy. Sức sống mảnh liệt của một nền văn hoá cổ đang tiềm ẩn trong từng phiến đá, từng viên gạch đất nung đủ cho ta một cảm giác vừa xa xôi, vừa gần gũi, vừa lạ lẫm khôn cùng. Đó là tháp thờ bộ sinh thực khí Linga Yoni nghiêm thiêng của người Chăm – Bà La môn xưa..
Có những điều mà chúng ta cho là hoang tưởng bởi sự tôn sùng thái quá của người xưa nhưng khi nghiệm lại, cộng với tuổi đời ngày càng chồng chất của mình, người ta mới hiểu ra rằng không phải người xưa đã không có lý khi mà họ đã quả quyết : có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Điều này cũng đã được nhiều người trong chúng ta hiện nay đang chiêm nghiệm.
Thử ngẫm lại khoảng thời gian hơn nghìn năm trước, không gian u uất đất rộng người thưa, núi rừng trùng điệp mà lạnh mình. Con người phải tất bật với miếng cơm manh áo nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng thú dữ vì sự cô lập tự nhiên theo địa hình phân bố dân cư thưa thớt thời đó. Từ chốn rừng thiêng nước độc, chim kêu vượn hú, rắn rít thú dữ con người tự thấy mình bé nhỏ, yếu đuối trước trời đất bao la. Trong khung cảnh quạnh hiu tưởng chừng tuyệt vọng ấy, người ta thường nghĩ đến một đấng quyền năng tối thượng vô hình để van xin, cầu khẩn. Từ sấm sét, lửa, nước cho đến rắn rít, cọp beo, bệnh tật…đều có thể đưa con người tới chỗ diệt vong và điều hiển nhiên mà cũng chẳng thiệt thòi gì người ta phong cho các sự vật ấy là thần thánh và nghiễm nhiên được thành kính tôn thờ. Chẳng phải xa xôi gì cho lắm, khi những lưu dân đi lập nghiệp trong đầu thế kỷ trước ở nước ta cũng vậy, không thể có một ngoại lệ nào ở đây cả, họ cũng yếu đuối cũng nhỏ nhoi đến độ phải kiêng kỵ tên huý của các loài thú dữ. Có nơi người ta còn làm hình tượng thú để phụng thờ, cụ thể nhất là hình tượng con cọp ở các đình miểu nhiều nơi còn lưu giữ tới bây giờ. Ngày ấy thường thì vào những đêm tối trời loài thú ăn thịt thường vào làng bắt trâu bò, gia súc. Ở nơi dân cư thưa thớt chúng càng lộng hành, có khi chẳng cần đến tối, chúng cũng cả gan vào bắt chó, bắt bò ngay trước nhà người ta…
Những lá vàng tìm thấy ở Di tích Cát Tiên. Ảnh: ST |
Bộ Linga - Yoni tại Di tích Cát TIên. Ảnh: ST |
Từ thế kỷ thứ VIII những bức tượng thần đầu tiên trong thần thoại tôn giáo Bà la môn được các nhà điêu khắc dựng xây nơi cung cấm, nơi các tháp thờ nghiêm thiêng. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, các ngẫu tượng Linga Yoni vẫn được lưu giữ trong các ngôi cổ mộ. Bộ sinh thực khí lớn nhất ở nước ta hiện nay là bộ Linga Yoni nằm trên phần địa chí của tỉnh Lâm Đồng được xếp hạng Kỷ lục Việt Nam năm 2004. Bộ Linga Yoni này được tìm thấy ở khu di tích Cát Tiên có niên đại khoảng thế kỷ thứ 8 đến thứ 10 với chiều cao 2m1, đường kính 0,6 m và đáy là hình vuông mỗi cạnh dài 2m3 không tính phần môi. Đây là tác phẩm vật thể tôn giáo dòng Bà la môn có nguồn gốc Ấn nghiêm thiêng bậc nhất, có thể của dân tộc Chăm xưa sở hữu, thờ tự, và đang được chúng ta tôn tạo, bảo tồn nghiêm cẩn tại nơi nó được xây dựng trước đây. Tác phẩm nghệ thuật văn hoá này mang trong lòng nó ngôn ngữ tôn giáo thần bí được sáng tạo bởi một ê kíp thế hệ nghệ nhân xưa tài hoa và đã được một đấng quyền năng chuẩn hoá và cho tôn tạo tại các tháp thờ nghiêm thiêng theo những tỉ lệ to, nhỏ nhất định.
Hiện nay ngành văn hoá đang làm hết sức mình để bảo quản thật tốt di tích, họ đã làm mái che mưa nắng, xây rào bảo vệ đi tích…Hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng thêm một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của người xưa.
Lưu giữ và bảo quản là góp phần làm đẹp hơn tư duy về một nền văn hoá cổ đã dần mai một, để lại cho đời sau những tặng phẩm văn hoá nghệ thuật có giá trị, giúp cho chúng ta có điều kiện để nghiên cứu và thưởng lãm là việc làm đáng trân trọng và đáng phát huy. Chính vì vậy mà những người làm công tác khoa học, khảo cổ hay bảo tồn trong khu di tích này cũng phải có một trình độ nhận thức và tình cảm yêu mến nhất định thì mới mong hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn mà tự hào của Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Tôi nhớ một câu nói rất triết luận của nhà thơ nổi tiếng người Chăm Inrasara : Kẻ sáng tạo chân chính bao giờ cũng là người bảo dưỡng tuyệt vời. Vâng, và tôi cũng xin được nói lại là : Kẻ bảo dưỡng tuyệt vời bao giờ cũng là người có tâm hồn cao thượng và việc làm chân chính.