Trong nửa đầu thế kỷ XX, Paul Champoudry (Pôn Săm-pu-đry) và các kiến trúc sư Ernest Hébrard (Ẹc-nétx Hê-bra), Pineau (Pi-nô), Mondet (Mong-đê) và Lagisquet (La-gi-xkê) đã thiết lập đồ án quy hoạch đô thị Đà Lạt.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, Paul Champoudry (Pôn Săm-pu-đry) và các kiến trúc sư Ernest Hébrard (Ẹc-nétx Hê-bra), Pineau (Pi-nô), Mondet (Mong-đê) và Lagisquet (La-gi-xkê) đã thiết lập đồ án quy hoạch đô thị Đà Lạt.
Theo Pineau, trong các báo cáo ngày 12-3-1906, Paul Champoudry - Thị trưởng Đà Lạt - đề nghị dành vùng đồi ở phía Bắc cao nguyên Lang Bi-an, phía hữu ngạn suối Cam Ly cho khu vực quân sự và vùng đất phía Nam ở tả ngạn suối Cam Ly cho thành phố trong tương lai.
Ở đây sẽ thiết lập khu công chánh và hành chánh, một trung tâm thương mại bên cạnh chợ và ở khu trung tâm phố, khách sạn và giải trí trường. Nhà ga ở gần vị trí của ga ngày nay và kế bên là nhà bưu điện. Đường sá tương đối rộng: đường chính rộng 20m, đường phụ rộng 16m và 12m. Về sau, đồ án này được thực hiện một phần lớn và tạo cơ sở cho thành phố ngày nay.
Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Tháng 8 năm 1923, công trình này được hoàn thành.
|
ĐỒ ÁN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT CỦA KIẾN TRÚC SƯ ERNEST HÉBRARD |
1. Bể bơi
2. Bệnh viện Việt Nam
3. Bệnh viện Pháp
4. Câu lạc bộ thể thao
5. Chợ
6. Chùa
7. Dinh Thị trưởng
8. Đài vô tuyến điện
9. Khách sạn
10. Ngân hàng
11. Nghĩa địa tạm thời
12. Nhà nghỉ mát
13. Nhà thờ
14. Phủ Cao ủy
15. Phủ Toàn quyền
16. Phủ Thủ hiến Nam Kỳ
17. Sân cù
18. Sân quần vợt
19. Suối cải tạo
20. Thủy tạ
21. Tòa Thị chính
22. Tổng kho tiểu công nghiệp
23. Trại bảo an
24. Trường học
25. Trường nam trung học
26. Trường nữ trung học
27. Văn phòng
28. Nhà bảo tàng
29. Viện điều dưỡng
Tác giả có một tầm nhìn rất lớn, dự kiến xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương.
Theo bản đồ quy hoạch này, trên dòng suối Cam Ly có một chuỗi hồ: ngoài hồ Xuân Hương và hồ Than Thở như hiện nay, còn có 6 hồ nước khác mà hai hồ lớn nhất nằm ở khu vực Học viện lục quân (có nhà thủy tạ) và ở giữa đường Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ trước khi dòng suối chảy đến thác Cam Ly.
Tư tưởng chủ đạo của Hébrard là tập trung vùng dân cư xung quanh hồ. Ở phía Bắc thành phố là khu quân sự. Khu bệnh viện trải dài từ đường Phạm Ngọc Thạch đến đường Trần Bình Trọng. Khu Toàn quyền nằm ở vị trí Học viện lục quân ngày nay gồm có 7 toà nhà dành cho Phủ Toàn quyền và các bộ: kinh tế, công chánh, tài chánh, nông nghiệp, thuỷ lâm,... Khu hành chánh nằm dọc đường Trần Phú ngày nay với quảng trường, tháp đồng hồ, toà thị chính, kho bạc, nhà bưu điện, sở cảnh sát, thư viện, hội trường, rạp chiếu bóng, sở cứu hoả, bảo tàng dân tộc học, động, thực vật,...Khu vui chơi, giải trí ở khu vực giữa hồ và khách sạn Langbian Palace với hội trường, sòng bạc, quán cà phê, phòng đọc sách, sân quần vợt, vườn hoa,... Khu thể thao gồm có sân vận động, bể bơi nằm ở phía Bắc hồ Xuân Hương. Hai vườn hoa được bố trí ven hồ, trong khu vực Nhà nghỉ công đoàn và gần góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Đinh Tiên Hoàng. Phía Nam hồ Than Thở là khu đất dành cho đồn điền của Ngân hàng kỹ nghệ Trung Hoa. Đường Đà Lạt - Sài Gòn đi qua ngả Khe Sanh.
Mười năm sau, năm 1933, kiến trúc sư Pineau trình bày một công trình nghiên cứu chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt thực tiễn hơn Hébrard. Ông cố gắng duy trì vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt, dành một khu vực rộng lớn hình cánh quạt mà tâm điểm là Đà Lạt và tỏa ra đến tận các đỉnh núi Lang Bi-an cho khu bất kiến tạo (zone non oedificandi) và đề nghị thành lập Vườn quốc gia. Thành phố vây quanh hồ, từ Tây sang Đông Bắc tạo thành một đường vòng cung.
Năm 1940, kiến trúc sư Mondet thiết lập một đồ án quy hoạch và chỉnh trang Đà Lạt. Đồ án của ông trở về với quan niệm cũ của Hébrard là bố trí những vùng dân cư và hành chánh xung quanh hồ. Mặc dù về vài phương diện, nghiên cứu của Mondet rất đầy đủ nhưng đồ án không được duyệt.
*
Một con đường mòn in dấu chân người, một vùng đồi cỏ trải dài đến tận chân núi Lang Bi-an, đây đó vài mái nhà sàn, một sự im lặng ngự trị trên một vùng đất gần như hoang sơ... Đà Lạt như vậy đó vào cuối thế kỷ XIX.
Đến năm 1942, một thành phố xinh đẹp hiện ra với những đường phố rộng rãi, những biệt thự duyên dáng giữa những vườn hoa và thảm cỏ xanh tươi, mặt hồ phẳng lặng. Đà Lạt là một nơi nghỉ mát quan trọng nhất không những của Đông Dương mà cả Viễn Đông.
Rất tiếc, Đà Lạt vượt khỏi giới hạn và phát triển quá mức. Nhiều khu phố được hình thành một cách vội vã và không trật tự. Chánh quyền phải can thiệp. Thành phố cần có quy hoạch và chỉnh trang có uy lực về pháp lý.
Theo Nghị định ngày 2-9-1941, Toàn quyền Decoux (Đơ-cu) giao cho Nha Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương nghiên cứu và hoàn thành đồ án, đồng thời đề ra biện pháp bảo vệ trong thời gian chờ đợi công bố văn bản pháp quy.
Trong tờ trình ngày 8-12-1942, kiến trúc sư J. Lagisquet - Giám đốc Nha Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương đã đánh giá Đà Lạt: “Không ai có thể phủ nhận Đà Lạt chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông, khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho Đà Lạt thành một nơi được ưu đãi, không nơi nào có thể so sánh được. Đà Lạt có thể và phải trở thành một nơi nghỉ mát lớn ở Viễn Đông”.
Dựa theo ý của kiến trúc sư Pineau, Lagisquet thiết lập đồ án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt với những nét chính sau:
- Thành phố không còn giống như một đường thẳng kéo dài từ Đông sang Tây nhưng có chiều sâu hơn và tạo nên một thể thuần nhất.
- Không kéo dài Đà Lạt nhưng tập trung quanh hai trục chính.
- Đà Lạt được mở rộng về hướng Nam, Tây Bắc. Cảnh quan về hướng núi Lang Bi-an được bảo vệ dành cho khu du lịch, rừng núi, khu bất kiến tạo, những khoảng trống, những khu đất dành cho thể thao và trò chơi.
- Trung tâm thành phố ở phía Nam của Hồ Lớn, gồm có giải trí trường, chợ,...
- Khu nhà ở nằm ở phía Tây và phía Đông thành phố.
- Làng của người Việt được hình thành ở phía Tây Bắc, Đông Nam, trên đường dẫn đến Đrăn. Đà Lạt mang tính chất một thành phố - vườn, chung quanh nhà của nông dân hay thợ thủ công là một mảnh vườn.
- Ở ngoại ô thành phố, một vùng đất sang nhượng trải dài về phía Tây Bắc, Đông Nam thành phố và trong tỉnh Lang Bi-an dành cho các nông trại trồng rau, chăn nuôi và sản xuất sữa.
Ngoài ra, Đà Lạt còn mang tính chất đặc biệt: thành phố giáo dục và trung tâm thanh niên. Vùng dành cho xây dựng các trường học được rải đều khắp thành phố tuỳ thời cơ thuận lợi. Những ngôi trường chính được đầu tư để phát triển. Những khoảng đất trống rộng lớn được dành cho sân vận động, sân cù, các trò chơi thể thao,... Sân bay cũ được dùng để cắm trại.
Lagisquet chia khu du lịch thành hai khu: vùng Tây Bắc là khu bảo tồn thực vật, không được khai thác, để giữ cảnh quan núi Lang Bi-an; vùng lâm nghiệp cho phép chặt gỗ thường xuyên nhưng phải tôn trọng thắng cảnh và khai thác hợp lý. Khu du lịch, lâm nghiệp, thể thao chiếm 3/5 diện tích thành phố Đà Lạt (khoảng 200 km2).
Mặc dù Đà Lạt không phải là một thành phố công nghiệp vì đất đai và khoáng sản nghèo nàn, Lagisquet cũng đề ra một vùng công nghiệp gần đường giao thông và xa vùng trung tâm để tránh ô nhiễm môi trường.
|
ĐỒ ÁN CHỈNH TRANG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÀ LẠT CỦA KIẾN TRÚC SƯ J. LAGISQUET |
1. Nhà liên kế và biệt thự song lập
2. Làng người Việt
3. Biệt thự
4. Toà thị chính
5. Khu khách sạn
6. Ca-si-nô, câu lạc bộ
7. Văn phòng Chính phủ trung ương
8. Dinh Toàn quyền
9. Nhà Quản đạo
10. Khu Thương mại người Âu
11. Khu Thương mại người Việt
12. Chợ mới
13. Sở Địa dư
14. Cư xá Công chánh
15. Cư xá Bưu điện
16. Cư xá người Đông Dương
17. Trường học
18. Khu bệnh viện
19. Khu thể thao – sân vận động
20. Trại thanh niên
21. Trung tâm văn hoá
22. Bảo tàng Dân tộc học
23. Khu bất kiến tạo
24. Khoảng trống
|
TRUNG TÂM ĐÀ LẠT THEO ĐỒ ÁN CỦA KIẾN TRÚC SƯ J. LAGISQUET Tiền cảnh : Giải trí trường, câu lạc bộ, vườn hoa Trung cảnh : Văn phòng Chính phủ trung ương và bến đậu xe Hậu cảnh : Trường trung học Yersin |
|
Tiền cảnh : Văn phòng Chính phủ trung ương Trung cảnh : Giải trí trường và câu lạc bộ; bên trái : dinh Toàn quyền và vườn hoa Hậu cảnh : Khách sạn mới, trung tâm văn hóa, khách sạn Langbian Palace, nhà thờ và chợ mới |
Lagisquet nêu ra cách bố trí cụ thể:
Nước: Một hồ chứa nước ở thượng lưu suối Cam Ly cung cấp nước cho thành phố. Sau đó, nước được gạn sạch, khử trùng và lọc lại rồi bơm vào các bể chuyển tiếp phân phối cho toàn thành phố. Vấn đề cung cấp nước ở Đà Lạt rất phức tạp vì tính chất thành phố - vườn, phạm vi và địa hình của thành phố.
Điện: Nhà máy nhiệt điện hiện cung cấp điện cho khu dân cư thành phố. Sau khi nghiên cứu, những công trình cho phép sử dụng thủy năng đã được tiến hành ở Ăn Krô-ét. Theo dự đoán, hai nhà máy được kết hợp sẽ cung cấp điện cho thành phố đến năm 1970.
Tận dụng vật tư có trong nước, nhà máy Ăn Krô-ét cho phép trong vòng một năm rưỡi nâng công suất từ 800kW lên 1.500kW. Công suất thặng dư giúp một mặt mở rộng mạng lưới điện và mặt khác thiết lập hệ thống ô tô điện và những trạm bơm nước cho vùng trồng rau trong khi chờ đợi xây dựng đập Đa Nhim.
Đường sá giao thông: Về tổng thể, tôn trọng hệ thống giao thông hiện nay và tuỳ khả năng nâng cấp bằng cách tạo đường dốc thấp hơn, mở rộng đường cho phù hợp với phương tiện giao thông. Do đó, cần nới rộng các đường Bác sĩ Yersin (Y-e-xen), Paul Doumer (Pôn Đu-me), Jean O’Neil (Giăn Ô Nây), Albert Sarraut (An-be Xa-rô), Lamartine (La-mạc-ti-nơ) (nay là đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, Thống Nhất, Bà Huyện Thanh Quan).
Đường lớn nhất ở Đà Lạt là đường Bác sĩ Yersin, có hai mặt đường rộng 9m cho xe ô tô, xen vào giữa là hàng cây rộng 3m, lề đường rộng 4,5m.
Đường Lamartine đi vòng quanh bờ hồ có một đường chính rộng 12m và hai đường phụ dành cho người cưỡi ngựa và đi xe đạp.
3 trục đường chính sau đây được nâng cấp để giúp cho giao thông dễ dàng:
1. Đường Graffeuil (Gráp-phơi), Doumer, Yersin, O’Neil (nay là đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ);
2. Đường Robin (Rô-ben), Albert Sarraut, Cam Ly Hạ (nay là đường Quang Trung, Thống Nhất, Phạm Ngũ Lão);
3. Đường Pasteur (Pa-xtơ) (nay là đường Hai Bà Trưng) dẫn đến ấp Đa Thành và Đăng Kia.
Hầu hết các ngã tư cũng được thay đổi.
Để phục vụ cho các cư xá mới Cam Ly, Jean Decoux (Giăn Đơ-cu), Saint Benoit (Xen Bơ-noa),
Lagisquet dự kiến mở những con đường mới với chiều rộng thay đổi tuỳ theo địa hình.
Lagisquet cũng dự kiến xây dựng những bãi xe ô tô chủ yếu ven hồ, gần giải trí trường và câu lạc bộ, chợ mới và khu thương mại.
Vườn hoa: Trước dinh Toàn quyền, Lagisquet thiết kế một công viên lớn kéo dài đến tận bờ hồ. Trước trung tâm văn hóa và thư viện có một lối đi với nhiều bậc cấp.
Trung tâm hành chính ở gần bờ hồ hướng về vườn hoa trên bờ Bắc.
Giữa khu giải trí trường và câu lạc bộ, phía sau giải trí trường, Lagisquet dự kiến thiết lập một vườn hoa dành cho thiếu nhi.
Vườn hoa cũng được bố trí trước nhà ga và hai bên bờ suối Cam Ly.
Trích Đà Lạt năm xưa của Nguyễn Hữu Tranh