Những cư dân ấp Hà Đông, ấp của những người Hà Nội khai phong mở đất lập làng, tạo nên một vùng rau hoa trù phú đầu tiên trên cao nguyên xanh.
Đà Lạt là vùng trồng hoa lớn nhất Việt Nam là điều ai cũng phải công nhận, và những người đưa nghề trồng hoa đến Đà Lạt, tạo nên cơ sở cho sự phát triển rực rỡ của nghề hoa Đà Lạt cũng được xác định rất rõ ràng. Đó là những cư dân ấp Hà Đông, ấp của những người Hà Nội khai phong mở đất lập làng, tạo nên một vùng rau hoa trù phú đầu tiên trên cao nguyên xanh.
Hoa Hà Đông hôm nay. |
Đà Lạt những năm 30 của thế kỷ trước là một vùng non sông cẩm tú, khí hậu ôn hòa nhưng thưa vắng người cư trú. Lúc ấy, theo lời kêu gọi của ông Quản đạo Trần Văn Lý, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu tổ chức cuộc di dân vào Đà Lạt phát triển nghề trồng rau hoa, mở ra một chương cho lịch sử vùng đất mới. Vào năm 1936, 35 hộ dân thuộc các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo và Vạn Phúc (Hà Nội) trở thành những cư dân đầu tiên của ấp Hà Đông hôm nay. Họ mang theo mình không chỉ gia sản mà còn mang theo những kinh nghiệm gắn bó ngàn đời với đất đai vườn ruộng. Và hơn hết, họ mang theo một khát vọng to lớn được xây dựng quê hương mới cho xứng tầm với quê hương cũ xa ngái. Khu vực phường 8, Đà Lạt hôm nay, bên những sườn đồi thoải là nơi ấp Hà Đông được họ chọn lựa đậu chân.
Theo lời kể của cụ ông Ngô Văn Ngôn, người cuối cùng còn sống trong số 35 gia đình mở đất, khi đó Đà Lạt hoang lạnh ghê người, beo rừng và các loài hoang thú còn về tận sân nhà phá phách. 35 gia đình ở chung với nhau thành những tập đoàn nhỏ, cùng ra sức khai phá đất cho riêng mình. C
Cùng với kinh nghiệm nhiều đời trồng rau trồng hoa, những người ấp Hà Đông còn có tinh thần chịu thương chịu khó, hăng say lao động, khắc phục những khó khăn của vùng đất mới. Họ nhanh chóng khám phá ra những kinh nghiệm ứng phó với khí hậu lạnh giá ảnh hưởng tới vườn rau của họ: Lạnh quá thì họ đốt lửa sưởi cho vườn, sương giá thì tưới nước sớm rửa rau… Sau một thời gian không dài, những người dân mới đã thực sự làm chủ được những mảnh đất trên cao nguyên, cho những sản phẩm không những phục vụ trong gia đình mà cung cấp cho toàn thị xã Đà Lạt lúc ấy. L
Lúc đầu, vì yêu cầu cấp bách của cuộc sống, ấp Hà Đông chỉ trồng thuần rau, cây hoa và dâu tây được trồng trễ hơn và có ghi công của hai người. Đầu tiên là cụ ông Ngô Văn Ngôn, người đã mang từ Hà Nội vào 2 ngàn củ lay ơn, trồng thành vườn hoa đầu tiên của Đà Lạt bán rất được giá, nhất là cho các gia đình công chức Pháp. Từ tấm gương cụ Ngôn, các gia đình khác tiếp tục mang theo giống hoa vào trồng như cúc, huệ… Còn dâu tây lại là thử nghiệm thành công của cụ Nguyễn Phượng Toàn, cụ Toàn mang cây dâu tây từ Hà Nội vào và trồng trên những sườn đồi Đà Lạt, kết quả là giờ đây Đà Lạt là nơi duy nhất trồng ra những trái dâu tây chín mọng với hương thơm nồng nàn cung cấp cho cả Việt Nam. Có thể không ngoa ngôn khi nói rằng, nghề trồng rau hoa Đà Lạt hôm nay bắt đầu từ những ngày của năm 1938 ấy.
Anh Vũ Anh Dũng, cháu nội cụ Vũ Hữu Ngùng người Quảng Bá, là một trong những người đi mở đất năm xưa nay cũng đã trạc tuổi 50. Anh Dũng kể, sau trồng rau, ông nội anh cũng trồng hoa và đến anh là đời thứ 3, con anh là đời thứ 4 gắn bó với nghề tổ truyền. Anh kể lại theo lời ông nội và cha anh, hồi trước đây, chỉ có ấp Hà Đông trồng hoa là nhiều. Trồng hoa cho thu nhập cao, người Hà Đông về quê cũ thuê người vào Đà Lạt làm, rồi người làm thuê ở các nơi khác tới phụ việc. Nhờ vậy, nghề trồng hoa càng ngày càng được mở rộng, lan tới những khu vực khác, tạo thành những làng hoa khác để có được một nghề trồng hoa Đà Lạt sôi động như hôm nay.
Năm 2010 này, Hà Nội và cả nước mừng “Kỷ niệm 1 ngàn năm lập thành Thủ đô văn hiến, thì vùng đất cao nguyên Đà Lạt nghề trồng hoa cũng đã phát triển vượt bậc, với năng xuất hàng triệu cành/năm, suất khẩu khắp các nước Âu Á. Riêng ấp Hà Đông, nghề hoa vẫn còn duy trì dù diện tích không nhiều do quá trình đô thị hóa. Người Hà Đông đã trồng hoa công nghệ cao, trồng hoa trong nhà kính, hoa của người Hà Đông đã tìm được đường xuất khẩu qua liên kết với nhiều đối tác.
Và danh hiệu Làng hoa đầu tiên của Đà Lạt được trao tặng cho dân cư ấp Hà Đông như lời cảm ơn chân thành tới công lao mở đất lập làng, mang lại nghề trồng rau hoa phồn vinh cho quê mới của những tiền nhân đi trước. Và trong tim những con dân của ấp Hà Đông, quê cũ Hà Nội vẫn đằm thắm tin yêu một lòng, họ vẫn hướng về như một niềm thương nhớ xa xôi để tiếp tục sức lực, tinh thần cho lao động, sống và cống hiến trên quê hương mới.
Diệp Quỳnh