Trong ngôi nhà của già làng A B’lá, cách xa thành phố Kon Tum gần 100 km giữa rừng, chúng tôi nghe ông kể về tục “Boong plêng” – táng treo của dân tộc mình.
* Có một kiểu chết không về với đất
Già A B’lá lý giải: “gọi là táng treo nhưng không phải người Giẻ treo quan tài người chết bằng dây như người ta hình dung. Thay vì đào huyệt chôn xuống đất, người Dẻ dùng 2 hoặc 4 cọc gỗ nâng quan tài lên cao và để nguyên vĩnh viễn trong rừng nghĩa địa”.
Già làng A B’lá kể chuyện trong rừng ma. |
Ở xã Đăk Nhoong, một vùng quần cư khác của người Giẻ ngay sát biên giới Việt – Lào từng xảy ra chuyện ông chủ tịch xã A Tôi “treo” con gái của mình ngay sát đường đi vì hàng ngày muốn được nhìn thấy cô con gái cưng không may chết trẻ. Đoạn đường ngang qua quan tài cô gái này gần như bị người làng bỏ luôn không qua lại, chính quyền địa phương sau đó phải đền bù 3 triệu đồng gia đình ông A Tôi mới chịu chuyển con lên rừng nghĩa địa để “treo” lại.
Theo tục người Giẻ, khi có người sắp chết và được làng quyết định táng treo, tất cả thanh niên trai tráng trong làng sẽ cùng nhau lên rừng tìm gỗ tốt để làm quan tài. Gỗ được chọn thường là gỗ quý như sao, dổi…Tất cả các công đoạn làm quan tài cho người được kính trọng phải tiến hành hoàn toàn thủ công và sức người, không được dùng trâu hay bò để kéo về. Để thể hiện sự kính trọng đối với người chết, những ngày diễn ra đám tang, tất cả người làng từ già đến trẻ đều tình nguyện đến làm bất cứ việc gì phục vụ gia chủ có tang. Và để đáp lễ dân làng, thân nhân người chết phải mổ trâu, làm tiệc liên tục ít nhất là trong 3 ngày. “Không có trâu thì không táng treo được. Đó cũng là lý do gần chục năm qua làng Vai Trang không có ai được táng treo nữa” – già A B’Lá giải thích.
* Mục kích những quan tài treo
Bên một quan tài treo. |
Cách tuyến đường nhựa dẫn vào Đồn biên phòng 673 chỉ vài chục mét, rừng ma đã không còn lối đi. Lau lách và lồ ô mọc ngang dọc, lá cây mục ngập lút bàn chân. Vượt qua vài ngôi mộ mới theo tục táng hiện đại, lăng xây bằng gạch có mái tôn, cả khu rừng mênh mông gần như tràn nghập âm khí. Chúng tôi nắm lấy áo nhau và nhất nhất đi theo từng bước dò dẫm của già A B’Lá. Xa xa vọng lại tiếng quạ kêu thảng thốt vì bị đánh động và trên lối đi những con vắt rừng hãi hùng không ngừng búng tanh tách rờn rợn. Rừng ma đón bước chân đầu tiên của những người “bạo gan” đến từ xa sau gần mười năm kể từ ngày ông bà A B’rót và Y Bay được “treo” tại đây.
Trước mặt chúng tôi là những cặp quan tài để song song dưới tán rừng le không một chút ánh sáng mặt trời nào lọt xuống. Nhiều quan tài gỗ tròn đã mục nát, rơi xuống chìm khuất trong lau lách và giây leo rừng. Cặp quan tài của vợ chồng cụ A Ỏn, Y Xơu là cặp đặc trưng nhất được làm bằng những thân gỗ tròn, có lẽ nặng tới cả tấn còn nhìn rõ hình hài nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu mục nát. Phía dưới quan tài của cụ ông A Ỏn được kê cao khoảng 90 cm bằng hai trụ gỗ, có một quan tài nhỏ. Già A B’Lá giải thích: “Đó là cháu nội “nó” chết khi 2 tuổi. Không may cháu bị chết, người Giẻ thường treo cháu dưới ông như vậy. Cháu gái chết thì được treo dưới quan tài của bà”.
Cách không xa nơi yên nghỉ của ông bà A Ỏn, Y Xơu là cặp quan tài bằng nhôm sáng bóng ánh kim loại do mưa gió bào mòn của vợ chồng ông A B’rót và Y Bay. Vương vãi quanh những chiếc quan tài có rất nhiều mảnh vỡ của chum, chóe, bát đĩa và cả đồ nhôm. Sự giàu có của chủ nhân trong những chiếc quan tài này còn thể hiện ở cả số của cải mà con cháu đã chia cho họ. Theo già A B’Lá, con cháu của A B’rót và Y Bay là những người thoát ly giàu có và đã đặt làm cặp áo quan này cho bố mẹ tới hàng chục triệu đồng. Treo người chết được “treo” trong quan tài nhôm cũng là điều chưa từng xảy ra trong truyền thống từ xa xưa của người Giẻ.
Bốn chiếc máy ảnh của các đồng nghiệp thi nhau bấm liên tục, ánh đèn plash nháy liên hồi trong khoảng rừng âm u. Già làng A B’lá vẫn nhất quyết không đến gần những chiếc quan tài và không chịu đứng vào khuôn hình. Thiếu tá Hội, người đi cùng chúng tôi cho biết, ngoài già làng A B’lá, chưa một người Giẻ Triêng nào dám bước vào khu rừng này. Kể cả khi trâu, bò đi lạc vào rừng thì họ cũng chỉ dám đứng ngoài chờ. Rừng nghĩa địa là bất khả xâm phạm.
Nửa tiếng đồng hồ trong rừng ma, trên đường trở ra, già A B’Lá đi như chạy. Khi đã ra khỏi rừng, ông than thở: “Không biết lấy lễ đâu mà cúng cho nó đây, không cúng nó theo về là khổ lắm!”. Trong niềm tin hồn nhiên của người Giẻ, có cả niềm tin chắc chắn về sự tồn tại của những linh hồn người chết treo trong cánh rừng bí ẩn này.