Trong hành trình về Tây Nguyên tìm hiểu những tục táng của các tộc người Thượng, chúng tôi luôn mang trong mình tâm niệm đi tìm nét khác biệt văn hóa mà không dám so sánh, không dám bình phẩm. Văn hóa vốn vậy, chỉ có sự khác biệt. Nhưng riêng những trường hợp sắp kể trong bài cuối này có thể xem là những biểu hiện rùng rợn của hủ tục vẫn tồn tại trong không ít buôn làng hẻo lánh nơi rừng núi Tây Nguyên.
Khiếp đảm trước một hủ tục
Rơ Ông Ha Tông và đứa con được “cướp” từ tục chôn sống của người Cill. |
Câu chuyện được kể trong đêm biên cương hun hút gió rừng. Thiếu tá Lê Văn Nhì – Đồn trưởng biên phòng 673 lắc đầu: “Đến nay, anh em chiến sỹ các Đồn biên phòng trên tuyến biên giới, gần vùng cư trú của tộc người thiểu số Giarai vẫn phải thường xuyên canh chừng hủ tục chôn con theo mẹ. Hễ nghe có sản phụ nào không may tử vong sau khi sinh con là chúng tôi lại phải canh chừng và ngay lập tức phải tìm già làng thuyết phục, vận động, thậm chí phải cầu cứu để giành mạng sống cho đứa trẻ. Thật kinh khủng khi chứng kiến hủ tục này!”. Không hiểu có từ bao giờ nhưng với hai tộc người Giarai ở Bắc Tây Nguyên và Cill ở vùng Đam Rông (Lâm Đồng), những sản phụ không may bị tử vong sau khi sinh con thì nhất thiết đứa bé sẽ được làng quyết định chôn sống theo mẹ.
Hỏi chuyện những già làng Giarai, Cill từng tiếp xúc, chúng tôi chỉ nhận được lời giải thích đơn giản: “Tục có từ thời cha ông. Người mẹ nào cũng không muốn xa con thơ, kể cả khi đã chết. Hơn nữa,mẹ nó chết thì ai cho nó bú nên phải chôn theo thôi!”. Tiếng Cill gọi tục lệ đáng sợ này là “chớt briang”, có nghĩa là chết tươi. Dưới chân đỉnh Lơmbur thuộc xã Đạ Tông – huyện Đam Rông, đến đầu thế kỷ 21 người ta vẫn phải chứng kiến những điều đau lòng như thế.
Cho đến nay, khi hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đã tiếp xúc với ánh sáng, tiện nghi văn minh thì hủ tục chôn sống rùng rợn này vẫn đang rình rập, đe dọa. Và sẽ là thảm kịch đau lòng nếu sự bất hạnh của những đứa con thơ không được phát hiện kịp thời.
Và những cuộc giải cứu con thơ từ xác mẹ
Anh Phạm Xuân Bốn – chiến sỹ biên phòng từng trực tiếp tham gia giải cứu hai cháu bé ở làng Phụp và làng Grập thuộc xã Mo Ray vào năm 2006 nhớ lại: “Vùng người Giarai sinh sống vốn lặng lẽ, cái chết của một người phụ nữ cũng không khiến làng của họ ồn ào hơn. Lúc chúng tôi nhận được thông tin từ dân và lao đến làng Grập thì đứa bé đã được thay quần áo mới để chôn sống. Tiếng khóc ngằn ngặt vì đói và sợ hãi của cháu đã khiến anh em chúng tôi run lên vì xúc động. Già làng lúc này là người nắm quyền sinh quyền sát, chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án hành động để cứu đứa bé bằng mọi giá nhưng may mắn là sau nửa giờ thuyết phục ông đã đồng ý chỉ chôn người mẹ đã chết”. Tình huống xảy ra ở làng Phụp cũng nghẹt thở tương tự và rồi cũng chỉ có các chiến sỹ biên phòng mới có khả năng giải cứu thành công những hài nhi suýt bị chôn sống.
Hủ tục chôn sống trong cộng đồng người Cill giống người Giarai ở sự lặng lẽ nhưng khác xa về sự quyết liệt. Suốt hàng trăm năm chưa có ai giải cứu thành công những đứa bé vô tội bị làng bắt chết theo mẹ cho đến ngày thầy giáo Rơ Ông Ha Tông ở làng Mê Ka (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) hành động.
Ha Tông kể lại: Tháng 3/1993, Liêng Hót Ka Pâng, một người phụ nữ cùng buôn Mê Ka hạ sinh đứa con trai. Không may, chị đuối sức và chết sau 3 ngày sinh con. Dòng họ nhà Ka Pâng quyết định tắm rửa cho hài nhi mới chào đời và…úp lên bụng Ka Pâng để chôn sống. Không bàn cãi, luật tục vốn vĩnh viễn khắc nghiệt đã đóng đinh vào tâm thức người Cill như vậy. Lúc này Rơ Ông Ha Tông đang đi công việc xa buôn, vợ anh – chị Kon Sơ Ka Glong hớt hải tìm chồng thông báo gấp gáp: “Thằng nhỏ chết mất! Nhà Ka Pâng đang chuẩn bị cột nó vào bụng mẹ!”. Không chần chừ, Ha Tông cùng vợ vội vàng tìm về buôn và đến thẳng gia đình Ka Pâng! Điều này chưa xảy ra trong tiền lệ vì theo quan niệm của người Cill, những gia đình có sản phụ bị chết sau khi sinh phải tự lo liệu tang ma, bà con trong buôn tuyệt đối không đến gần những nhà gặp nạn như vậy. Theo họ, đó là điều xui xẻo bậc nhất. Nỗi ám ảnh về “kon briang” – con ma hút máu tươi ở các đám ma của người phụ nữ bất hạnh như Ka Pâng vẫn bám riết cho đến tận hôm nay. Nhưng với vợ chồng
Thằng bé được vợ chồng Ha Tông mang về nuôi và đặt tên là Tho My. Trong tiếng Cill, “Tho My” có nghĩa là “cứu sống”. Đứa trẻ may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần về với gia đình Ha Tông khi anh chị đã có tới 6 mặt con. Mười sáu năm sau, khi chúng tôi biết được câu chuyện này và Tho My đã học lên lớp 9, gia đình Ha Tông vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói ăn. Mùa giáp hạt này, trừ Tho My và Ka Huệ còn đi học, những người còn lại trong gia đình vẫn phải vào rừng tìm cây măng, cây rau độn thêm cho những bữa ăn nghèo khổ.
Câu chuyện bị ngắt giữa chừng vì tiếng “me ài” (mẹ ơi) vọng vào từ sân. Rơ Ông Ha Tông dừng lại: “Thằng Tho My đi học về! Tôi chưa nói cho nó biết nó là con nuôi. Để nó biết tội nghiệp lắm!”. Ánh mắt người đàn ông Cill ngước lên nhân từ đón con vào nhà! Chúng tôi chia tay anh và tự tin rằng không có hủ tục đáng sợ nào thắng được lòng nhân ái giữa đại ngàn Tây Nguyên mênh mông./.