Ánh bình minh bao giờ cũng đẹp,mặt trời lên trên mặt biển xa cho ta cảm giác sức sống vừa bừng lên,mặt trời ló dạng ở đồng bằng cho ta sự thân thương của miền quê trù phú,nhưng ở đây, vùng đồi núi tận cùng phía tây của cao nguyên Di Linh lại làm ta tan hòa vào thiên nhiên,tạo nên cảm giác hòa nhập giũa đất trời mênh mông và con người nhỏ bé.
(LĐ online) - Ánh bình minh bao giờ cũng đẹp,mặt trời lên trên mặt biển xa cho ta cảm giác sức sống vừa bừng lên,mặt trời ló dạng ở đồng bằng cho ta sự thân thương của miền quê trù phú,nhưng ở đây, vùng đồi núi tận cùng phía tây của cao nguyên Di Linh lại làm ta tan hòa vào thiên nhiên,tạo nên cảm giác hòa nhập giũa đất trời mênh mông và con người nhỏ bé.
[links(right)]Đó là một dãy đồi cổ, bị bào mòn gần như bằng phẳng, thỉnh thoảng bị chia cắt bởi những khe suối nhỏ, dân bản địa gọi là “ Lò than”. Có lẽ sáu, bảy mươi năm trước, khi rừng còn phủ kín, những người thợ sơn tràng từ miền Bình Thuận lên, đã đắp lò đốt than đem bán cho các đồn điền trà quanh vùng. Lò than của họ là những hố sâu, hình chữ nhật, chất củi cao hơn miệng hố chừng một thước. Thợ rừng đào đất đắp lên như hình mu rùa, chỉ chừa lại hai hàng lỗ thông hơi hai bên và cửa lò là nơi nhóm lửa, củi tươi bắt cháy trong môi trường yếm khí, cháy âm ỉ hàng tuần lễ, xả khói mù mịt qua hàng lỗ thông hơi. Thợ đốt than có kinh nghiệm chỉ nhìn màu khói của từng lỗ thông hơi mà biết than đã chín đến đoạn nào, than chín tới đâu, phải dùng vồ bằng một khúc cây nện kỹ cho mái lò sụp xuống, không để khoảng trống nào trong lò, vì như thế, không khí bên ngoài sẽ lọt vào, than thành tro hết cả. Nghe nói có lúc, trong vùng có đến bốn năm chục lò than như thế, cả ngày, khói lò than bay ra ,lúc nào trời đất cũng mờ sương khói cứ như mặt trời bị che khuất vậy. Mấy chục năm về trước,vùng Lò than là những trảng cỏ có vài lùm bụi lúp xúp, xen lẫn những khoảnh rừng thứ sinh, nhiều nhất là loài cây Dẻ trắng, thân suông thẳng cao gần hai chục mét, nhiều như dựng nến bên rìa các trảng cỏ. Loài cây này khi đốt thành than cho một loại than tốt, khi nhóm lửa, than Dẻ nổ bôm bốp, bắn ra liên tiếp những tàn lửa đẹp mắt. Cây Dẻ có sớ dọc, khi cưa hạ cây, nếu không cưa mạch mồi trước thân cây rất dễ toác dọc từ gốc lên tận ngọn cây, nhiều thợ sơn tràng đã bị thương vì cưa cây Dẻ.
Trên các đồng cỏ, cây Mua rất nhiều, đó là loài cây bụi nhỏ mọc trên đất chua, quả to bằng đầu ngón tay cái phủ đầy lông nhung ngắn, bọn trẻ hái ăn, miệng tím đen như màu mực tím nên còn có tên là cây Mực, có lẽ do bọn trẻ miền sơn cước này đặt. Mùa hoa Mua nở, bông màu tím, sáng màu hơn hoa sim, nhưng to hơn làm các trảng cỏ thành lung linh , huyền ảo trong gió núi.
|
Thác Đạm ri ( Bảo Lộc) |
Nơi này từng nhiều lần là nơi dừng chân trên quá trình du cư lâu dài của buôn B’Su Đăng Lú, nghĩa là buôn B’ Su trên núi đá, một bộ tộc Mạ ngăn, Mạ chính dòng của vùng trung lưu sông Đồng Nai. Thỉnh thoảng, khi làm vườn, nông dân trong vùng vẫn nhặt được những công cụ bằng đá, có cái còn thô sơ chỉ có dấu vết ghè đẽo của giai đoạn đồ đá cũ. Có cái được mài nhẵn, cân đối,chế tác công phu, của hậu kỳ đồ đá mới. Có cả những công cụ được khoan lỗ, chẳng biết ngày xưa dùng làm gì. Ngày nay, dấu tích lớn nhất còn lại là khu mộ táng, trước đây gọi là “ đồi ma”. Hồi đó, cây cối um tùm giữa đồng cỏ, ở người Mạ, tập tục chôn người chết mỗi buôn một khác. Ở B’Su Đăng Lú mộ táng là những căn nhà mồ nhỏ, mỗi họ có một ngôi nhà mồ như thế, bên trong có một hố sâu hình chữ nhật . Khi táng , người ta để quan tài xuống hố, chung quanh có các vật dụng gia đình chia của cho người chết, các vật dụng đó phải đập vỡ đáy hay méo đi, có như thế, ở cõi ma mới dùng được, rồi đóng cửa nhà mồ lại. Khi có người khác mất, người ta bỏ quan tài mới ngay cạnh quan tài trước, vì vậy, cốt của những người cùng gia đình đều chung một hố. Mỗi buôn có một khu mộ táng như thế, dù du cư đến nơi nào , khi có người chết, buôn làng đều đưa về chôn ở khu mộ này, chỉ những khi bị tai biến nặng nề hoặc khu mộ không còn chỗ nữa, khi đó buôn làng mới tìm một nơi chôn cất mới, nhưng việc ấy rất ít khi xảy ra.
Ngày nay khu mộ táng này đã thành trơ trụi giữa khu vườn trà, cà phê, cây cối đã bị chặt hết, chỉ còn một khoảnh đất nhỏ, mộ được xây như của người Kinh. Ngày trước, các khu đồi ma đều được mọi người, cả người Kinh, người Mạ tôn trọng, không ai xâm phạm vùng đất linh thiêng của người đã khuất, Chẳng ai lấn đất của người chết mà trồng tỉa làm gì, thậm chí, không ai chặt cây quanh đồi ma cả, vậy mà ngày nay, khu mộ táng chẳng khác của người Kinh là mấy, có lẽ, đấy là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển chăng.
Ngày xưa, gần khu đồi ma có ngôi thảo am của một thiền sư Phật giáo, lũ trẻ chúng tôi hay vào vườn chùa vặt hoa hái trái. Nay chỗ đó đã thành một rừng thông đẹp, như một nét chấm phá giữa thảo nguyên xưa.
Đi một quãng ngắn về phía đông, một con lạch nhỏ xuất phát từ rìa trảng cỏ, gom nước của mấy ngọn đồi thành suối Đạ Đinhđơr, nghĩa là suối tre, con nước xuôi về phía đông nam, xuống một thung lũng hẹp như một lòng máng khổng lồ, có một đoạn, dòng nước bị một khối đá chặn lại, tạo thành một hồ nước thiên nhiên nhỏ , nước trong vắt quanh năm, từ hồ, con suối chảy cắt ngang đồn điền trà Ánh Mai, xuống chân một con dốc dài, cũng gọi là dốc Ánh Mai, rồi vượt đường 20, nhập vào sông Đại Bình.
Đồn điền Ánh Mai qua thời gian chiến tranh không còn nữa, nhưng bây giờ, nó là tên Kinh của suối Đạ Đinhdơr và của 3 thôn thuộc Xã Lộc Châu. Hai bên Đạ Đinhdơr, ngày xưa, rừng tre phủ kín, mỗi mùa mưa về, đi bẻ măng ở đây là một thú vui của lũ trẻ, vừa có đồ ăn, vừa được đi rừng, lội suối. Khoảng đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước, con suối là một đoạn của con đường giao liên ban đầu nối liền hai căn cứ kháng chiến Bắc và Nam đường 20 do Ông Tám Cảnh, người chỉ huy nổi tiếng của phân ban tỉnh ủy T14 phía nam Lâm Đồng , lập ra. Từ B’Lá ở căn cứ bắc qua B’su Păng Lê, B’su M’rắc về Lò than, qua chuồng bò của đồn điền Đạ L’Nghịt, rồi theo suối Ánh Mai vượt đường 20 lên đồi trà của đồn điền Tổng Nốt, nằm đối diện với đồn điền Ánh Mai, là qua được sông Đại Bình để vào căn cứ của thị ủy Bảo Lộc T29 vốn đóng quanh quẩn ở vùng núi S’pung, Tà Ngào. Ngay đoạn giáp giới suối Ánh Mai với sông Đại Bình là địa bàn hoạt động của chi bộ bí mật H30 gồm chủ yếu là những người từ miền Trung đổi địa bàn hoạt động, vào làm công nhân của sở trà Đại Lào.
Ngày nay, khu vực Lò Than và suối Ánh Mai đã thành khu dân cư trù phú, không còn bị khô hạn như ngày xưa vì ít năm trước, người ta đã chặn con suối Đạ Brách, làm một hồ chứa nước lớn có tên gọi là hồ Mai Thành, vì hồ có một phần ở trên đất của đồn điền trà Mai Thành trước kia. Có hồ nước, cả vùng thỏa được cơn khát ngàn năm của vùng đất latosol pha cát, giờ đây, trong vùng mọc lên những ngôi nhà kiểu Thái, nhà đúc hai ba tầng bao quanh bởi vườn cà phê, vườn trà cao sản hay những trại chăn nuôi công nghiệp. Dấu tích của con đường giao liên xưa không còn,những người bám trụ ấp Đại Lào của thời chiến tranh cũng chẳng còn mấy ai, lớp trẻ bây giờ lao vào làm ăn, buôn bán tạo nên cảnh trù phú, thanh bình của vùng sơn nguyên bát ngát.
Cách đầu ngọn suối Ánh Mai không xa, có khu đồi đất cao lanh, một con suối nhỏ bắt nguồn từ đây, chảy quanh co về phía đông , giữa vùng trà xanh ngát của phường Lộc Tiến, người Mạ đặt tên là Đạ Mhuốt nghĩa là suối Mây, còn người Kinh gọi là suối Con. Các ngọn đồi quanh suối Con có rất nhiều cát, người dân phường Lộc Tiến khai thác mấy chục năm nay mà giờ vẫn còn. Suối Con gom nước của vài khe nước khác rồi đổ vào suối Lớn, dân bản địa gọi là Đạ Làng, Đạ Làng chảy xuyên qua vùng đồi núi của xã Lộc Tân rồi nhập vào sông Đạ M’ri, ở đầu nguồn có thác Đạ M’ri nổi tiếng. Suối Đạ Làng cũng nổi tiếng không kém với khu mộ táng của cư dân bản địa hồi thế kỷ XIII- XIV , giới học thuật gọi là di chỉ Đạ Làng, dấu tích của nền văn hóa miền trung sông Đồng Nai, trước đây, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cho là của vương quốc Mạ hồi đó.
Phải chăng vùng sơn nguyên Lò Than, nơi chia nước của hai con sông Ñại Bình và Đạ M’ri chính là một trong những nơi cư trú của một nhóm người Việt cổ, cư dân vùng trung tâm Đông Dương mà những tộc người vùng nam Tây Nguyên này là hậu duệ.
Suối Lớn, suối Con và sông Đạ M’ri giới hạn một vùng rừng núi hình tam giác, trong đó có di chỉ Đạ Làng, đến đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước còn thuộc chủ quyền của buôn B’su Mrắc nhưng chắc rằng tổ tiên của buôn này không phải chủ nhân của di chỉ, vì họ mới đến đó khoảng hai trăm năm trước. Mạn đông suối Lớn là đất của buôn Konhin, mạn tây suối Con của buôn B’su Đăng Lú, vùng bắc Đạ M’ri thuộc B’su Păng Lê. B’su Mrắc có nghĩa là vùng Giàng cho người B’su.
Truyền thuyết kể rằng buôn B’su Brắc gốc ở DiLinh, vùng Kin Đạ. Thưở người Chăm ở ven biển đem quân lên chinh phạt miền núi, chiếm được núi rừng của người K’Ho, từ phía tây sông Đạ Nhim đến phía đông sông Đạ R’Nga, bắt trai tráng các buôn làng về làm nô lệ .Sau nhiều lần chống trả thất bại, không muốn làm trâu ngựa cho kẻ chiến thắng, già làng B’su Mrắc đành bỏ vùng đất của ông bà để lại , chạy đi ăn nhờ rừng núi của các tộc anh em vùng Đại Bình, Đạ M’ri .Kiếp tha phương ăn nhờ ở đậu quả lắm đắng cay, mỗi mùa phát rẫy, phải đem heo, rượu cần đến xin phép tộc chủ đất, phải có gà cúng cho Giàng núi. Có lúa mới, phải đem trả một phần cho buôn chủ . Cực nhất là khi phải chuyển nơi ở của buôn, tập tục không cho ở một nơi, không được ăn nước một con suối quá năm mùa rẫy, phải du cư, mà đi đâu bây giờ? Đất không phải của mình, rừng không phải của mình, con nước nào cũng có chủ, đỉnh núi nào cũng có Giàng. Đã nhiều lần, khi người Chăm mang quân vượt sông Đạ R’gna lũ làng phải mang xà-gạc lên tận B’Đơr cùng với các buôn trong vùng chống trả quân xâm chiếm, nhiều thanh niên đã không còn trở về được nữa, nhưng ngày trở lại đất cũ của ông bà xưa vẫn xa diệu vợi. Hàng trăm mùa rẫy như thế, mấy đời già làng mà kiếp tha phương vẫn không sao cởi bỏ được.
Ngày đó tộc B’su Mrắc đang ăn nhờ rừng rẫy của buôn Konhin B’Lao ven sông Đại Bình, nhờ Giàng thương cho thân phận khốn cùng và lòng chịu thương,chiụ khó của cả tộc, trong lúc các nơi lúa trên rẫy bị con heo rừng, con khỉ, con sâu phá hết, rẫy của người B’su Mrắc lại cứ tốt tươi, quả bí thật to, nhiều không đem về hết nổi, rẫy lúa chỉ đứng một chỗ cũng tuốt được đầy cả Xà bớ, cả tộc phải dựng thêm nhiều chòi lúa mới, mà rẫy lại chỉ là đất rừng cằn của buôn người ta cho mượn, đúng là phải có Giàng thương, giúp đỡ. Ngày cúng Giàng lúa mới, cả buôn tổ chức đâm trâu, mời bà con các buôn quanh vùng đên uống rượu cần, ăn thịt trâu thâu đêm, mỗi nhà lại khui ché rượu cần mới, mỗi đêm một nhà lần lượt, hát đối, hát ru cả đêm trong tiếng trống bập bùng, trong tiếng lửa ngọn reo tí tách. Cả buôn như ngày hội, kéo dài cả con trăng trong niềm vui no đủ của mọi nhà.
Cuộc vui chưa kịp tàn, ông già làng B’su Mrắc đã choáng váng khi già Làng Konhin B’lao gọi ra một chỗ khuất thông báo rằng: - Giàng núi S’pung không bằng lòng cho người xứ lạ ăn nhờ nữa, vì kẻ ăn nhờ đã lấy hết lộc của Giàng cho.
Biết nói làm sao với con cháu khi mọi người còn trong cơn phấn khích, mấy khi cả buôn có được ngày vui thực sự, tộc trưởng nhấc chiếc cần tre cong vút, kéo liền một hơi ché rượu cần vừa khui . Ché rượu cạn dần nhưng lòng ông dần đầy ắp lo âu, rồi ngày mai, rồi mùa phát rẫy mới, con cháu ông biết làm ở đâu, ăn ở đâu? Lòng đố kỵ của con người quả là ghê gớm, giá mà Giàng lúa không chỉ về buôn của ông ba mùa liên tiếp, giá mà Giàng cũng về với dân Konhin, giá mà tổ tiên ông không phải bỏ Giàng núi Xà Lùng mà đi… Ông kéo một hơi, rồi một hơi nữa và ông ngã vật ra sàn nhà đan bằng thân nứa đập dập, miệng sùi bọt mép, người ông co giật từng hồi. Cả buôn xôn xao, ông già làng vừa được Giàng gọi, mọi người dãn ra trở lại bên ché rượu, họ kính cẩn với thời khắc già làng đang tiếp chuyện với Giàng.
Mãi đến chiều hôm sau, già làng mới tỉnh lại, cả buôn xúm lại hỏi thăm, nhưng ông mệt mỏi xua tay bảo mọi người ai về nhà nấy rồi cho người đi mời già làng các buôn lân cận đến. Mấy đêm sau, bên ánh lửa bập bùng và những ché rượu cần nếp mẹ, Già làng B’su Mrắc kể lại cho các già làng có mặt nghe giấc mơ của mình:
Đang uống rượu ngon, ông thầm cám ơn Giàng núi, Giàng rẫy, Giàng lúa và các Giàng đã cho con cháu lão có cơm ăn thì Giàng núi đến dắt ông đi vào chốn thiên đình. Già làng được đưa đi thăm thú các nơi, chỗ nào cũng lâu đài tráng lệ, chỗ nào cũng tiên nữ đẹp tuyệt trần. Ông được cho ăn thịt trâu nhà trời nướng thơm phức, được uống rượu cần trong ché không bao giờ cạn. Trước khi về, Giàng bảo ông đưa con cháu đến một vùng đất rất lạ, nơi đó ba bề có ba con nước quây vòng bên ngoài, bên trong có con cọp trắng ở cạnh cây đa to nhất vùng, canh giữ núi rừng cho Giàng. Xưa nay đất ấy Giàng chưa cho buôn nào, nay cho già làng dẫn cả buôn về đó.
Già làng B’su Mrắc hỏi các già làng xem có vùng nào như ông kể không, còn ông là dân ăn nhờ nên những chỗ ấy chưa từng nghe nói đến. Các Già làng bàn tán rằng đã là rừng Giàng cho thì phải đến mà nhận, nhưng nhận ở đâu bây giờ. Sau già làng B’su Păng Lê nói ở gần rừng buôn ông có một nơi, ba con nước làm thành ba góc, nhưng nơi ấy thiêng lắm vì có đồi ma của ông bà xưa để lại, chẳng biết của buôn nào, người B’su Păng Lê không đến, người Konhin B’Lao, B’su Đăng Lú cũng không phát rẫy bao giờ, nghe đồn ở đó có con cọp trắng nhưng chưa ai nhìn thấy.
Thế là sáng hôm sau, mỗi người mang theo một Bù lơ cơm, các già làng cùng trai tráng buôn B’su Mrắc đi tìm vùng đất Giàng cho. Buôn B’su Mrắc có rừng núi và cũng có tên mới từ đấy. Để cám ơn Giàng họ đã dành ra một khoảnh rừng lớn, toàn cây gỗ quí như Sao xanh, Dã Hương để làm rừng Giàng, nơi cả buôn đến cúng Giàng núi mỗi mùa phát rẫy.
Truyền thuyết là vậy nhưng nay buôn B’su Mrắc đã dời vào thôn 1 Xã Lộc Tân từ hơn bốn mươi năm trước còn đất Giàng cho đã thành vườn trà, vườn cà phê từ lâu. Rừng Giàng rộng hơn một vai xà gạc với cây cối to hai ba người ôm cũng đã bị đốn hạ. Không biết bây giờ Giàng núi của B’su M’rắc ở đâu nữa, cả di chỉ Đạ Làng, người dân cũng đã trồng trà quanh đó. Đứng trên đồi nhìn xuống, giờ chỉ thấy màu xanh ngút tầm mắt, thỉnh thoảng, vài căn nhà lợp tôn của một trang trại nào đó đột ngột nhô lên, mờ ảo trong làn sương buổi sớm.
Từ thượng nguồn Suối Lớn, về bên trái, là rừng của buôn Konhin B’Lao , tộc Konhin có hai buôn, tuy cùng chung một gốc nhưng người của hai buôn này ít khi giao tiếp với nhau, nghe nói rằng việc ấy có nguyên nhân từ mãi ngày xưa . Khi người Chăm lên chiếm miền núi, đã ổn định vùng K’Dòn, Ta La xong, họ theo đường Kon Tẻ định chinh phục miền đất của người Mạ. Sợ bị bắt về miền biển làm nô lệ, người Mạ đã vót tên nhọn, làm cánh nỏ cứng, mài sắc xà gạc chống lại kẻ xâm chiếm. Đất Kon Hin ở ngay địa đầu, sau mấy trận đánh không cân sức, người trong buôn chết nhiều, lúa bị cướp, buôn bị đốt. Già làng định đầu hàng để chấm dứt cảnh chết chóc, nhưng trai tráng không chịu. Họ bỏ buôn, dẫn vợ con đi sâu vào vùng núi cao. Già làng tức giận, cấm những kẻ bỏ đi không được về lại buôn làng, cấm không cho người ở lại giao tiếp với kẻ ra đi bằng lời nguyền: Khi nào sông Đại Bình hết nước, khi nào núi S’pung sạch cây bấy giờ mới tha cho những kẻ bị nguyền rủa. Lời nguyền ấy được kẻ thống trị biến thành luật tục của buôn Kon Hin. Sau khi người Chăm bỏ miền núi chạy về đồng bằng, lời nguyền ngày trước vẫn đeo đuổi dân Kon Hin, không có người giải vì già làng đưa ra lời nguyền đã bỏ xác trên đường lưu đày ngoài miền biển không còn mà để giải lời nguyền xưa. Vì vậy, những ngừơi ra đi đã lập buôn mới, buôn Kon Hin S’re Rơlong, còn buôn cũ vì vẫn du cư quanh quẩn sông Đại Bình nên gọi là Kon Hin Đạ, lấy Đạ L’iêngcun làm con nước giới hạn vùng phát rẫy.
KonHin B’Lao sau này thành tên làng đầu tiên của người Kinh ở vùng Bảo Lộc khi họ lên lập nghiệp hồi đầu thế kỷ XX. Suối Đạ L’iêngcun thành con suối chảy cắt ngang thành phố Bảo Lộc, một đoạn được ngăn lại thành hồ Đồng Nai. Vùng đất của buôn Kon Hin S’re Rơlong nay đã thành phố xá phường II và phường Lộc Tiến, trên đó đang hình thành một khu công nghiệp lớn ven thành phố. Kon Hin Đạ giờ thuộc phường B’lao, đồng bào vẫn sống ven sông Đại Bình, định cư trên một ngọn đồi nhỏ đã gần nửa thế kỷ nay, đã có vườn trà, cà phê , chấm dứt cuộc sống du canh của cha ông để lại. Sự bất hòa giữa hai buôn Kon Hin cũng không còn mấy ai nhớ, có chăng chỉ là trong các bài ca truyền miệng hiếm hoi hiện nay.
Vùng sơn nguyên xưa nay đã thay da đổi thịt, rừng núi cũ không còn, các buôn làng đã di dời nhiều lần trong thời chiến tranh. Khắp nơi, vườn trà , cà phê phủ kín, đường xá tráng nhựa, đèn điện sáng khắp hang cùng ngõ hẻm. Từ chưa đến chục ngàn người hồi đầu thế kỷ XX, nay có đến hơn một trăm ngàn trên vùng sơn nguyên xưa. Đứng trên đỉnh B’nom Doi ở phía đèo Bảo Lộc nhìn về, cao nguyên như một giải lụa trải ngút tầm mắt, thành phố Bảo Lộc như một chấm phá trong giải sương chiều mờ ảo giữa màu xanh biếc của núi rừng .
Chắc rằng, chẳng bao lâu nữa, những dấu tích của vùng sơn nguyên xưa sẽ chìm vào dòng thời gian bất tận và trên đó thành phố Bảo Lộc non trẻ sẽ không ngừng lớn lên.