Tâm thức cổ dân Nam Tây Nguyên qua một cách giải mã

03:03, 08/03/2011

Qua nhiều lần khai quật khảo cổ học vùng rừng núi phía nam Trường Sơn, những bí ẩn trong lòng đất cổ Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – dần được hé lộ. Nhưng cũng từ đây, không ít vấn đề thuộc thế giới tâm linh của cổ dân Nam Tây Nguyên được đặt ra và cần lý giải một cách khoa học.

Qua nhiều lần khai quật khảo cổ học vùng rừng núi phía nam Trường Sơn, những bí ẩn trong lòng đất cổ Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – dần được hé lộ. Nhưng cũng từ đây, không ít vấn đề thuộc thế giới tâm linh của cổ dân Nam Tây Nguyên được đặt ra và cần lý giải một cách khoa học. Trong đó, theo chúng tôi, hai nội dung cần được quan tâm một cách đặc biệt là tượng thần Siva và núi Meenu theo quan niệm của Bàlamôn giáo.

Linga – ngẫu tượng phồn thực được tìm thấy ở Cát Tiên
Linga – ngẫu tượng phồn thực được tìm thấy ở Cát Tiên

Tại một số di chỉ khảo cổ học trên vùng đất Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng, đặc biệt là di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, ngay từ những ngày đầu mới phát hiện, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những ngẫu tượng Linga và tượng nữ thần Siva; và điều đáng quan tâm nữa là tại đây, qua nhiều kỳ khai quật khảo cổ, kiến trúc đền tháp mang nhiều ý nghĩa tôn giáo luôn xuất lộ và gây bất ngờ lớn cho giới nghiên cứu khoa học.

Nói về di tích Cát Tiên, một nhà khảo cổ đưa ra nhận định: “Từ xa xưa, Cát Tiên đã có một cơ tầng văn hoá đủ sức hội nhập với nền văn hoá mới, tạo ra sự tiếp nối liên tục với sự ứng xử đặc biệt khi văn hoá Ấn Độ hội nhập vào vùng biển đông. Toàn bộ kiến trúc các ngôi đền ở Cát Tiên được xây dựng theo chuẩn tắc Bàlamôn giáo (Ấn Độ giáo kết hợp với Phật giáo): Bình độ hình vuông, giật cấp nhiều lần, những cửa tháp, thanh đá ốp cửa, trụ bệ, mi cửa với những ngẫu tượng Linga, Yoni, tượng Ganêsa… Chuẩn tắc đó được thực hiện bởi những bàn tay và khối óc tài hoa của các nhà kiến trúc tôn giáo nhiều thế hệ. 20 ngôi đền tháp và đền mộ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện thế nhau trong kiểu dáng, vươn trong không gian một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ…”.

Một trong những điều làm nên sự “bí ẩn, kỳ vĩ” đó là tượng thần Siva được tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ học tại thánh địa Cát Tiên. Theo quan niệm của cổ dân Nam Tây Nguyên (và nhiều cổ dân khác trên thế giới), thần Siva được tôn thờ với nhiều hình mẫu khác nhau; nhưng trước hết, đó là một trong ba vị thần tối cao có nhiệm vụ trấn giữ đền tháp và giúp người đứng đầu cộng đồng cai quản chúng sinh. Hình ảnh thần Siva được tìm thấy nhiều nhất là hình ảnh thiếu nữ có nhiều cánh tay trong tư thế đứng múa (phổ biến là tượng 8 tay và 6 tay). Đặc biệt, trong các hiện vật được tìm thấy qua các đợt khai quật tại Cát Tiên trong thời gian gần đây, một trong số hơn 300 bức phù điêu bằng vàng gây chú ý cho nhiều người là bức phù điêu có hình ảnh một phụ nữ ngực trần, hai tay cầm một lá sen và một bông sen. “Thần Siva trên đường đi từ biển đông vào đã được “đơn giản hoá” cho phù hợp với cổ dân Nam Tây Nguyên như vậy đấy!” – một nhà khoa học nhận xét. Theo đó, nữ thần Siva của văn hoá Ấn Độ khi du nhập theo đường biển vào cộng đồng Chăm ở phía bắc và cộng đồng Chân Lạp ở phía nam, khi đến Nam Tây Nguyên đã có sự biến đổi đáng kể: Từ nhiều cánh tay (6 hoặc 8) đã được “đơn giản hoá” còn hai tay; những cánh tay vừa múa vừa ép lên bụng và vừa cầm những vật như đinh ba, dao găm, chén dầu lửa, chiếc lược… đã biến mất, và thay vào đó là hai cánh tay cầm hoa sen và lá sen. Như vậy, cũng có thể nói rằng, yếu tố văn hoá từ bên ngoài, cụ thể là hình tượng văn hoá nữ thần Siva, khi du nhập vào cộng đồng cư dân cổ Nam Tây Nguyên đã được “bản địa hoá”!

Cũng như vậy, yếu tố văn hoá bản địa từ góc nhìn tâm thức của cổ dân Nam Tây Nguyên còn được thể hiện khá rõ nét qua kiến trúc đền tháp. Như trên chúng tôi vừa nêu, qua nhiều lần khai quật khảo cổ, di chỉ khảo cổ học Cát Tiên được nhiều người biết đến như là di tích kiến trúc đền tháp mang đậm dấu ấn văn hoá tôn giáo.

 

 Sinh hoạt cồng chiêng của cư dân bản địa bên dòng sông Đồng Nai
Sinh hoạt cồng chiêng của cư dân bản địa bên dòng sông Đồng Nai

Theo các nhà khoa học, kiến trúc của di tích Cát Tiên tất nhiên thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo cổ, nhưng có những đặc trưng riêng so với kiến trúc tôn giáo của nhiều di tích mang dáng dấp văn hoá Ấn. Tại một vài đợt khai quật gần đây nhất, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở di tích gò 6A một đền thờ khá hoàn chỉnh với nét đặc thù được thể hiện ở kiến trúc vuông được bẻ góc nhiều lần trước mặt tiền phía đông, và tiền điện được xây theo hình bán nguyệt. Đồng thời, ở trung tâm đền là một trụ gạch vuông rỗng tâm, và đáy của trụ gạch được xây chân đế tam cấp.

Bên cạnh đó, tại gò khai quật số 7, các nhà khoa học còn phát hiện một đền thờ cũng được xây theo dạng hình vuông, nằm cân đối theo trục bắc – nam, và hoàn toàn không có dấu vết bậc cấp và dấu vết cửa. Rõ ràng, kiến trúc tháp và mộ tháp là kiến trúc chủ đạo của thánh địa Cát Tiên, nhưng quan niệm về “tháp” của cổ dân bên dòng sông Đồng Nai này có giống với quan niệm của nhiều cổ dân khác trên lãnh thổ Việt Nam (hoặc rộng hơn) hay không thì lại là một vấn đề khác. Với nhiều cổ dân, “tháp” được gọi là “Sikhara” – dạng kiến trúc tiêu biểu của Bàlamôn giáo. “Sikhara” được hiểu là “đỉnh nhọn”, “đỉnh núi nhọn”; là biểu thị của núi Mênu (hoặc dãy núi Mênu) trong Bàlamôn giáo. Trong Bàlamôn giáo, “Mênu” là dãy núi của các thần linh; và trên dãy núi thần thoại ấy, vị thần tối cao ngự trị ở đỉnh cao nhất. Núi Mênu được biểu hiện thành kiến trúc Sikhara. Sikhara được gọi là “kalan” – đền thờ. Dần dần, “kalan” được đồng nhất với “tháp”. Nói cách khác, gọi là “đền thờ”, “tháp” hay “Sikhara” theo Bàlamôn giáo thì cũng có nghĩa là nhắc đến núi Mênu. Thực ra, Mênu chính là tâm thức núi của nhiều cổ dân trên thế giới. Cũng như vậy, “tháp” hoặc “mộ tháp” – những công trình kiến trúc do bàn tay con người tạo nên (và trong tự nhiên là những “đỉnh núi thiêng”) – của cổ dân bên dòng sông Đồng Nai đều ít nhiều gợi lên hình ảnh Mênu trong Bàlamôn giáo hoặc Sikhara trong Ấn Độ giáo. Nhưng, những đền tháp và mộ tháp ở Cát Tiên đã không còn quá cầu kỳ về kỹ thuật chạm trổ và không quá to lớn về quy mô như những tháp Chăm dọc miền Trung Việt Nam (dọc đơn giản hoá này còn được thể hiện qua các kalan Chăm từ phía bắc đi dần vào hướng nam của Việt Nam). Rồi nữa, nếu các kalan của người Chăm chỉ là nơi thờ phụng và hầu hết được xây dựng trên những đỉnh núi cao xa khu dân cư thì ơ di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, đồng thời với việc phát hiện những nét đặc trưng văn hoá bản địa, các nhà khảo cổ học trong đợt khai quật gần đây nhất cũng đã tìm thấy dấu vết cư trú của cộng đồng dân cư cổ này khá gần với đền tháp về mặt địa lý. Như vậy, rất có thể tâm thức núi của cổ dân Nam Tây Nguyên đã có nét khác biệt so với những cư dân Bàlamôn giáo khác.

Một vài lý giải về tâm thức của cổ dân thánh địa Cát Tiên thông qua tượng thần Siva và kiến trúc đền tháp nằm ở Nam Tây Nguyên như trên xin được nêu ra đây để mọi người cùng tranh luận!

Khắc Dũng