Đi tìm ao vua Bảo Đại tại Đà Lạt

03:04, 06/04/2011

Cũng đã nghe mang máng đến ao vua của Bảo Đại tại Đà Lạt, tuy nhiên sau nhiều lần đi tìm dấu vết của địa danh này chúng tôi cũng đã nhiều lần thất bại. Nhưng thật tình cờ trong một lần lạc lối vào khu vực Hố Tôm tại phường 10 TP Đà Lạt, tôi và đồng nghiệp đã rất vui mừng vì nó lại gần dinh I đến thế.

Cũng đã nghe mang máng đến ao vua của Bảo Đại tại Đà Lạt, tuy nhiên sau nhiều lần đi tìm dấu vết của địa danh này chúng tôi cũng đã nhiều lần thất bại. Nhưng thật tình cờ trong một lần lạc lối vào khu vực Hố Tôm tại phường 10 TP Đà Lạt, tôi và đồng nghiệp đã rất vui mừng vì nó lại gần dinh I đến thế.
 
Một góc ao vua Bảo Đại tại Đà Lạt
Một góc ao vua Bảo Đại hiện nay tại Đà Lạt

Dọc theo đường Hùng Vương, chúng tôi đến khu vực Hố Tôm tại phường 10 thành phố Đà Lạt, hỏi thăm mãi chúng tôi mới tìm được một người dân cũng đã từng sống và từng được nhìn thấy địa danh này, nghe đâu nơi đây ngày trước vua Bảo Đại hay đi săn trên con đường này, đường vào quanh co khúc khuỷ, đá núi lô nhô rất khó đi, cách đường lộ Hùng Vương khoảng hơn 1km nhưng chúng tôi cố gắng lắm mới có thể tìm được cái địa danh có tên là Ao vua này.
   
Ao vua, cái tên mà trong tiềm thức của một số người dân tại khu vực Hố Tôm cho biết, nó là nơi mà vua Bảo Đại thường dừng chân nghỉ ngơi tắm rửa mỗi lần đi săn trở về. Cũng có người nói rằng nơi đây lại là nơi vua Bảo Đại cho ngựa của mình tắm khi đi săn. Vì theo người dân ở đây cho biết, trong khu vực Hố Tôm này trước đây rất nhiều thú, rừng rậm, lại gần với dinh I nên vua đã cho mở đường để đi săn trong này. Còn ngày hôm nay, khu vực này đã trở thành nơi chuyên canh rau củ, nhiều nhất vẫn là cây Atisô. Theo lời kể của chị Nga, người đã từng sinh sống rất lâu tại khu vực này cho biết, trước đây khu vực ao vua đẹp lắm, có nhiều bờ kè đá để bảo vệ ao, nhưng ngày nay nó đã bị lấp đi để mở rộng đường và xây dựng biệt thự của một số hộ dân. Chị còn cho biết thêm, hồi chị về định cư tại đây, khu vực ao vua còn đầy đủ các hạng mục công trình, như nhà nghỉ ngơi cho vua, được xây hai tầng với 10 phòng, còn để phục vụ mục đích gì thì chị cũng không rõ lắm. Nhưng qua lời chị kể chúng tôi có dịp mục sở thị thì quả thật địa danh này giờ đây khác xa quá. Cảnh hoang tàn đổ nát, cây cối mọc um tùm, đất đai sạt lở, nhà dân lấn chiếm không còn nhận ra đây là ao vua hay nhà hoang nữa.
   
Trong khu vực ao vua mà vua Bảo Đại xây dựng thì ao này được bắt nguồn từ một dòng suối nhỏ quanh năm nước chảy từ lòng núi ra, vì vậy mà ao lúc nào cũng có đủ nước, ngay cả ngày nay, khi chúng tôi đến thăm, tuy có bị lấp đi nhiều song vẫn còn có nước rất trong xanh dù đó chỉ là những dòng nhỏ dọt. Đi dạo xung quanh ao, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi đất sụt rất nhiều che lấp hết cả 2/3 ao, vốn tính tò mò theo lời kể của chị Nga, trước đây từ trong suối vua Bảo Đại đã cho xây dựng thêm một đầu cọp phun nước, song nghe đâu đó người dân đã đập đi rồi. Nhà nghỉ cũng bị dân đốn thông làm đổ mất tầng 2 của toà nhà và phần còn lại bị dân đập đi để lấy sắt phế liệu.
   
Cũng theo lời chị Nga thì ao vua trước đây đẹp lắm, có các bậc tam cấp đi xuống ao, xung quanh ao được kè cẩn thận, rồi một đường tam cấp khác lại được xây dựng từ trên núi đi xuống nhưng tất cả các hạng mục này đều đã không còn. Nhìn ao vua lúc này thật thảm hại, khó mà nhận ra được đây lại là địa danh một thời vua Bảo Đại đã từng nghỉ ngơi. Cách đây vài năm ao vua cũng còn rộng rãi và sâu lắm, có nhiều học sinh quanh khu vực còn đưa nhau vào đây tắm và có người đã bị chết đuối nữa. Nhưng giờ đây khi chúng tôi bước xuống tầng 1 của toàn nhà thì chỉ là bùn lầy vào cỏ dại.
   
Tôi cũng không tin lắm vào những điều mình vừa nghe và những điều đang thấy, bởi đây là một địa danh nằm trong hệ thống di tích của dinh I mà lại không được chỉ dẫn và bảo vệ. Nhân tiện, móc điện thoại gọi cho những nhà làm văn hoá hỏi thêm thông tin, nhưng tuyệt nhiên họ cũng không hề hay biết gì về địa danh này.
   
Những năm gần đây, dân thập phương rộ lên thông tin về việc vua đất gần ao vua làm ăn sẽ phát lắm, lại được cái thế nhìn suối dựa núi rất hợp phong thuỷ, chẳng thể mà ngay cạnh ao vua có một biệt thự rất lớn mọc lên rất đẹp, như để minh chứng cho sự kiện này, đường sá đi vào rất khó khăn song đã có rất nhiều ngôi nhà mọc lên san sát, cùng nhiều lời chào mời bán đất hấp dẫn khác mà chúng tôi đã được nhìn và nghe thấy.
   
Từ thực trạng của ao vua như chúng tôi đã nhìn thấy, cũng như qua lời kể của chị Nga về một nhân vật đã từng làm việc tại địa danh này, nhưng cụ tên là gì, ở đâu thì chị cũng không nhớ, và chúng tôi cũng không thể tìm được cụ, thật tiếc vì cụ đang còn giữ nhiều tư liệu quý về ao vua này.
   
Cũng là một địa danh lịch sử, dù nó không mang đậm nét dấu ấn phục vụ lợi ích của quốc gia, song ứng xử thế nào cho có văn hoá với di tích lại là một vấn đề cần được quan tâm xem xét. Có thể đây không phải là di tích hay địa danh quan trọng đối với những người làm văn hoá, nhưng nó lại rất quý bởi nó đã là một phần của lịch sử địa phương, bởi khi chọn địa điểm này chắc hẳn ông vua Bảo Đại sẽ không chọn bừa để xây dựng mà phải là nơi đắc địa, lý tưởng, phong cảnh đẹp thì ông mới cho xây dựng nơi đây. Vấn đề cần quan tâm lúc này là cần tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu để lại mau chóng tìm ra sự thật về ao vua này, kẻo chỉ một vài năm nữa, cái tên ao vua sẽ bị xoá sổ.
Thanh Lâm