3 giờ sáng ngày 3 tháng 4 năm 1975, lực lượng của ta đã tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi: Tiểu đoàn 840 tiến theo đường 21 về thị trấn D’Ran, nhưng bọn địch ở đây đã bỏ chạy...
Quân đội Cộng hòa miền Nam - Việt Nam tháo chạy từ Tây Nguyên. Ảnh tư liệu |
Cũng tại Cầu Cháy, đầu tháng 3 năm 1975, đồng chí Huỳnh Minh Nhựt, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Đức được đồng chí Bí thư Khu ủy giao nhiệm vụ và kế hoạch phối hợp hoạt động. Đối với tỉnh Tuyên Đức, để phối hợp với chiến trường Lâm Đồng, phải tập trung lực lượng giải phóng đoạn đường 21 kéo dài từ Đạ Me đến Phú Sơn, tạo thế bàn đạp cho quân chủ lực chuẩn bị giải phóng Đà Lạt và toàn bộ tỉnh Tuyên Đức. Theo sự chỉ đạo của trên, Tỉnh đội Tuyên Đức có nhiệm vụ cử cán bộ đến bến phà Phi Có bắt liên lạc với bộ phận chuẩn bị chiến trường của Sư đoàn 10, đưa bộ phận này về chuẩn bị mở chiến dịch giải phóng Đà Lạt.
Do tình hình các chiến trường thay đổi quá nhanh, nên Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Đức thay đổi kế hoạch hoạt động. Đại đội 810 không bố trí đứng trên đường 21 kéo dài mà chuyển 2 trung đội (thiếu) sang chiếm lĩnh địa bàn xã Xuân Trường để phá ấp, phá kìm làm chủ đường 11, một trung đội còn lại cùng các đội công tác hoạt động trên địa bàn xã Hiệp Thạnh. Khi nào được tin ta giải phóng thị xã B’Lao thì các đơn vị phải kịp thời chiếm lĩnh và làm chủ xã Hiệp Thạnh, xã Xuân Trường nhằm tạo thế uy hiếp Đà Lạt, buộc địch phải rút lực lượng ở các vùng phụ cận về giữ Đà Lạt, tạo điều kiện cho ta giải phóng toàn bộ vùng nông thôn ở Đức Trọng, Đơn Dương. Thực hiện phương án đó, Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Bộ Chỉ huy Tỉnh đội chuyển ra đứng chân tại hậu cứ tiền phương, sau đó chuyển ra gần Núi Chai (Đức Trọng) để theo dõi tình hình chuyển biến và chỉ đạo kịp thời các mũi công tác. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thị ủy Đà Lạt theo ba tình huống. Chấp hành chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, Thị ủy Đà Lạt chỉ đạo cán bộ, đảng viên và cơ sở bên trong chuẩn bị mọi mặt để phối hợp với lực lượng chủ lực tiến công giải phóng Đà Lạt, phát động quần chúng nổi dậy phá chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng.
Trong khi ta chuẩn bị giải phóng tỉnh Lâm Đồng, ngày 25 tháng 3 năm 1975, bộ đội chủ lực miền giải phóng thị xã Gia Nghĩa và tỉnh Quảng Đức, tàn quân địch ở đây theo đường 8 rút về Lâm Đồng. Bộ đội địa phương huyện và du kích xã 5 kịp thời chặn đánh, tiêu diệt 150 tên, bắt sống 170 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí, xe quân sự. Tình hình đó càng làm cho quân địch ở Lâm Đồng hoang mang lo sợ.
Phong trào đấu tranh của nhân dân và sinh viên, học sinh Đà Lạt năm 1966. Ảnh :TL |
Khi được tin quân ta đã giải phóng thị xã Bảo Lộc thì bọn địch ở Di Linh vô cùng hoang mang, dao động, Đại hội 5 trinh sát của Quân khu chớp thời cơ đánh chiếm chi khu và quận lỵ Di Linh, đồi Pasteur. Bọn địch ở đây tan rã nhanh chóng và rút chạy theo đường 20 lên Tam Bố - Đại Ninh. Nhưng ngày 29 tháng 3, địch thấy lực lượng ta ở Di Linh quá ít, chúng tập hợp số tàn quân được 1 tiểu đoàn và xin tiểu khu Tuyên Đức chi viện thêm 1 Tiểu đoàn 302, 1 trung đội pháo 150 ly để phản kích chiếm lại thị trấn Di Linh. Khi lực lượng này hành quân đến Đồng Đò (Di Linh) thì bị chủ lực quân Khu 6 chặn đánh, nhiều tên địch bị tiêu diệt, ta phá hủy nhiều xe quân sự, thu được 2 khẩu pháo 105 ly, số địch còn lại hoảng loạn chạy vào rừng và một số chạy về lại Tuyên Đức. 15 giờ ngày 29 tháng 3 một bộ phận của Sư đoàn 7 (quân chủ lực) có cả xe bọc thép đã đến khu vực Liên Đầm, cách thị trấn Di Linh 5km, nhưng vì chưa bắt được liên lạc với lực lượng ta trong thị trấn nên chưa triển khai đánh địch. Mặc dù trong tình thế bị bao vây và quân địch đông gấp nhiều lần, Đại đội 5 trinh sát của ta vẫn ngoan cường chiến đấu, giữ vững các vị trí đã chiếm được. Chiều ngày 30 tháng 3, Tiểu đoàn 840 thuộc Trung đoàn 812 (chủ lực Quân khu 6) hành quân cấp tốc đến khu vực Đăng Rách (cách phía nam thị trấn Di Linh 3km) thì bắt được liên lạc và hiệp đồng với lực lượng ta tại Di Linh phản công địch. Về Sư đoàn 7, do yêu cầu nhiệm vụ mới, đã chuyển hướng hành quân, chỉ để lại một trung đội xe tăng, một trung đội pháo phối hợp với các lực lượng địa phương tiếp tục đánh địch. Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 3, lực lượng của ta liên tục tiến công, đánh tan lực lượng địch, giải phóng hoàn toàn thị trấn Di Linh, sau đó tiếp tục truy kích địch chạy về phía Tuyên Đức.
Tập thể tù Thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy. Ảnh tư liệu |
Trong khi lực lượng vũ trang tiến công giải phóng thị xã B’Lao và thị trấn Di Linh, thì ở các khu tập trung, ấp chiến lược, cơ sở và cốt cán tại chỗ đã phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm. Hàng vạn đồng bào các dân tộc ít người bị bọn địch dồn vào các khu tập trung, ấp chiến lược nhanh chóng phá banh ấp, trở về buôn, làng cũ.
3 giờ sáng ngày 3 tháng 4 năm 1975, lực lượng của ta đã tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi: Tiểu đoàn 840 tiến theo đường 21 về thị trấn D’Ran, nhưng bọn địch ở đây đã bỏ chạy, đơn vị nhanh chóng tiếp quản chi khu, quận lỵ và thành lập Ủy ban Quân quản huyện Đơn Dương. Tiểu đoàn 186 theo đường 20 lên Đà Lạt. Đến 8 giờ sáng ngày 3 tháng 4, đơn vị đã đến ngã tư cây xăng Kim Cúc, cửa ngõ nội ô Đà Lạt thì gặp một số cán bộ cơ sở của ta. Ngay sau đó, một phân đội của tiểu đoàn cùng với số cán bộ, cơ sở Đà Lạt vào chiếm lĩnh tòa hành chính tỉnh của ngụy quyền. 8 giờ 20 phút ngày 3 tháng 4 năm 1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức đã hoàn toàn giải phóng. Tiểu đoàn nhanh chóng triển khai việc chiếm lĩnh tiếp quản, bảo vệ các cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật trong thị xã, tổ chức công tác giữ gìn trật tự, truy quét bọn tàn quân của địch, trừng trị bọn lưu manh côn đồ đang cướp phá, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tỉnh ủy Tuyên Đức và Thị ủy Đà Lạt đã triển khai kế hoạch hoạt động phối hợp theo sự chỉ đạo của Khu ủy, nhưng trong chỉ đạo, công tác nắm tình hình địch và thông tin liên lạc không chặt chẽ trong lúc tình hình diễn biến rất nhanh. Vì vậy, từ đêm 31 tháng 3, bọn địch ở Đà Lạt và Đức Trọng đã rút chạy nhưng các lực lượng của tỉnh, của Đà Lạt và Đức Trọng không nắm được nên không kịp thời vào chiếm lĩnh và tiếp quản. Tuy vậy, khi thấy địch hoang mang, dao động, tháo chạy, thì một số đảng viên, cơ sở cách mạng tại chỗ đã tổ chức quần chúng hành động, thành lập các tổ chức tự quản, giữ gìn trật tự, kêu gọi binh lính, sĩ quan và nhân viên ngụy quyền nộp vũ khí, tổ chức bảo vệ những cơ sở kinh tế, kỹ thuật quan trọng như: Nhà máy điện, Viện Pasteur, Viện Nguyên tử, Nha Địa dư, Ngân hàng, Đài Phát thanh, Nhà máy nước, Bưu điện, Kho bạc, kêu gọi quần chúng không di tản theo địch.
Về lực lượng vũ trang địa phương và các đội công tác của Tuyên Đức, Đà Lạt, trong những ngày 1 và 2 tháng 4 năm 1975 cũng đã đánh địch và hoạt động một số nơi ở vùng ven và ngoại ô Đà Lạt như: Đại đội 810 đánh chiếm làm chủ vùng Xuân Trường, rồi phát triển lên khu vực Sào Nam, Tây Hồ, các đội công tác hoạt động ở một số ấp phía Bắc Đà Lạt...
Trưa ngày 4 tháng 4 năm 1975, các lực lượng tỉnh Tuyên Đức và Thị ủy Đà Lạt vào thị xã, cùng với các lực lượng đã vào tiếp quản trước đó tiếp tục tiến hành công tác ổn định tình hình.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân hai tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức đã kết thúc thắng lợi. Với sự chi viện to lớn của bộ đội chủ lực miền và lực lượng vũ trang Quân khu 6, quân và dân hai tỉnh tiêu diệt và làm tan rã hơn 27.000 tên địch, đánh chiếm 10 tiểu khu, chi khu, quận lỵ và hàng trăm đồn bốt, giải phóng trên 300.000 dân. Sau khi giải phóng, quân và dân 2 tỉnh tiếp tục truy quét bọn tàn quân, kêu gọi 20.757 ngụy quân, ngụy quyền trình diện, truy bắt 1.230 tên, thu 11.355 súng các loại. Chính quyền cách mạng các cấp được thành lập, tổ chức lực lượng tự vệ để ổn định trật tự trị an, đồng bào ở một số nơi như Đà Lạt, Tùng Nghĩa, Thanh Bình... đi "di tản" lần lượt trở về.
Từ những ngày đầu sau giải phóng, khi lực lượng Sư đoàn 10 từ vùng Bác Ái đến D’Ran, nhân dân đã tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm giúp bộ đội; tại Đà Lạt đã cấp hàng ngàn lít xăng cho xe tăng, xe cơ giới, huy động trên 100 xe khách, xe tải làm cầu tạm ở Đại Ninh chở bộ đội qua đường số 8 Gia Nghĩa tập kết với Quân đoàn 3. Hỗ trợ Bộ chỉ huy cánh quân phía đông đi qua Bác Ái lên Đà Lạt sau đó di chuyển xuống Bình Thuận (theo đường số 8) để chuẩn bị giải phóng các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy, Bà Rịa và tiến vào phía Nam.
Tại Nha Địa dư đã khẩn trương in hàng vạn tấm bản đồ thành phố Sài Gòn, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyển cho đại quân ta chuẩn bị mở chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hai tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức được giải phóng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiếp tục tiến công địch, giải phóng các tỉnh còn lại ở Khu 6, mở thông hai quốc lộ 20 và số 1 cho các binh đoàn lớn của ta hành quân đánh chiếm phía đông bắc Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Từ khi Hiệp định Pari được ký kết (ngày 27 tháng 1 năm 1973) đến khi hai tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức được hoàn toàn giải phóng là một giai đoạn đấu tranh gay go quyết liệt giữa ta và địch, nhưng Đảng bộ hai tỉnh đã quán triệt quan điểm bạo lực, tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng nên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ để bám trụ địa bàn, đi sát cơ sở, quần chúng. Vùng căn cứ của tỉnh ngày càng được củng cố và mở rộng đã trở thành hậu phương vững chắc, nơi cung cấp sức người, sức của cho phía trước đánh địch. Trong chỉ đạo đã vận dụng phương châm "hai chân ba mũi" để tấn công địch, bộ đội địa phương, đội công tác, dân quân du kích, du kích mật, tự vệ mật đều đánh địch có kết quả.