(LĐ online) - Từ một khu biệt điện nổi tiếng được cải tạo nâng cấp thành Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, trở thành điểm tham quan, nghiên cứu thú vị của nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước.
Từ “Dinh bà Nhu” tráng lệ
Trước đây người Đà Lạt thường gọi khu biệt điện của bà Trần Lệ Xuân (vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu), số 2 Yết Kiêu Đà Lạt (Lâm Đồng) là “Dinh bà Nhu”. Được xây dựng từ năm 1958, trên ngọn đồi rợp bóng thông xanh rộng khoảng 13 ngàn mét vuông, gồm 3 ngôi biệt thự kiêu sa với những tên gọi mỹ miều. Biệt thự Lam Ngọc với những trang thiết bị đắt tiền được nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Ý về; ngoài chức năng nghỉ ngơi, còn có phòng làm việc, phòng họp, phòng khiêu vũ của bà Nhu. Ngôi biệt thự này có căn hầm trú ẩn, nắp hầm được làm bằng loại thép đạn bắn không thủng. Trên cao một chút là biệt thự Bạch Ngọc, được thiết kế bằng kính xung quanh đế ngắm cảnh, đây là nơi giải trí của gia đình bà Nhu. Cách biệt điện Bạch Ngọc khoảng 100m là Biệt thự Hồng Ngọc, được bà Nhu xây tặng cho thân phụ là ông Trần Văn Chương. Cạnh biệt điện Lam Ngọc có khu vườn Nhật Bản độc đáo, bà Nhu đã thuê các kỹ sư người Nhật đến thiết kế theo phong cách Nhật Bản; giữa khu vườn là một hồ nước hình bản đồ Việt Nam. “Dinh bà Nhu” nổi tiếng vì có một hồ bơi nước nóng độc nhất vô nhị ở Việt Nam lúc đó. Nổi tiếng là vậy, nhưng chẳng mấy ai được bước chân vào “Dinh bà Nhu” ngoại trừ các tướng lĩnh thân tín của ông bà cố vấn. Sau ngày đất nước thống nhất, một thời gian dài “Dinh bà Nhu” bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Chỉ khi được bàn giao cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, được rót kinh phí 73 tỉ đồng để thực hiện dự án TIIB-02 thì “Dinh bà Nhu” mới được tôn tạo, xây thêm toà nhà 5 tầng để trở thành Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (TTLTQGIV) khang trang như hôm nay.
Đến Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia IV
Nghe cụm từ “Lưu trữ Quốc gia”, nhiều người nghĩ đây là “vùng cấm”, là địa chỉ khó thâm nhập. Nhưng ngày công bố thành lập TTLTQGIV, được cầm tập tài liệu giới thiệu một cách khách quan, trung thực và “cởi mở” về khu biệt điện Trần Lệ Xuân- TTLTQGIV; rồi nghe bà Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm nêu dự định “mở cửa” để mời du khách và người dân đến tham quan, nghiên cứu thì ý nghĩ “vùng cấm” mới tan biến trong tôi. Suốt 5 năm qua, TTLTQGIV mở rộng cửa đón du khách tham quan, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận khối tài liệu mộc bản khổng lồ gần 35 ngàn tấm đang được bảo quản và lưu giữ tại đây. Cũng nhờ “mở cửa” mà trong 4 năm (từ 2007-2010) đã có 830 bài viết (nhiều thứ tiếng), 34 phim đề cập đến “Dinh bà Nhu”- TTLTQGIV và tài liệu mộc bản. Qua đó giúp công chúng hiểu rõ về giá trị của tài liệu mộc bản triều Nguyễn và là Di sản tư liệu thế giới, hiểu rõ hơn về các hoạt động lưu trữ, nghiên cứu, dịch thuật…của một TTLTQG. Song song đó công chúng lại mong được đến để xem tận mắt, sờ tận tay những di sản quí báu mà cha ông ta để lại. Đến hết tháng 7.2011, TTLTQGIV đã đón trên 85 ngàn lượt khách tham quan, nghiên cứu.
Và những công việc thầm lặng nhiều ý nghĩa
TTLTQGIV được nhiều người biết đến là nhờ những nghiên cứu về khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn. Năm 2010, TTLTQGIV rất tất bật vì phải thực hiện một loạt công trình để kịp ra mắt công chúng đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tổ Hán Nôm của Trung tâm do Giám đốc Phạm Thị Huệ đứng đầu, cùng với các cử nhân Phạm Thị Yến, Nguyễn Thị Nhật Phương và Bùi Thị Mai hằng ngày xử lý khối lượng công việc rất lớn như chọn lọc mộc bản, đọc, dịch và biên soạn… Họ làm việc cần mẫn, đầy trách nhiệm và rất khoa học, bất kể ngày hay đêm, không nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, TTTLTQGIV lại tìm thấy mộc bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, mộc bản khắc sự kiện vua Minh mạng đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội năm 1831 đã mang lại niềm vui và sự phấn chấn cho đồng bào mọi giới. Mới đây Trung tâm tìm được 14 tài liệu trong khối mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xin nói thêm, từ 2006-2011, Giám đốc Phạm Thị Huệ đã chủ trì và chủ biên 6 cuốn sách để giới thiệu tài liệu mộc bản triều Nguyễn, trong đó có 3 cuốn đã xuất bản, 3 cuốn đã hoàn thành bản thảo, đang chờ xuất bản. Theo TS Trần Hoàng, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước: “Tiến sĩ Phạm Thị Huệ có thể còn được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, nhưng tôi tin rằng sự đền đáp lớn nhất cho những hy sinh thầm lặng, sự cống hiến của chị Huệ và nhiều người khác là việc ngày 30.7.2009 UNESCO công nhận mộc bản triều Nguyễn là “Di sản tư liệu thế giới” và đưa vào chương trình “ký ức nhân loại”. Sau 5 năm thành lập (25.8.2006-25.8.2011), TTLTQGIV IV đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong đời sống văn hoá của thành phố Đà Lạt. Từ nay, du lịch Đà Lạt có thêm một điểm đến thú vị là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
Du khách tìm hiểu về Mộc bản triều Nguyễn |