Trong hệ thống dinh thự tại Đà Lạt, Dinh III hiện còn lưu giữ được khá nguyên vẹn những vật dụng của gia đình Bảo Đại, trong đó phải kể đến một tấm bản đồ Việt Nam được làm bằng bạc với những đường nét hết sức tinh vi, tỉ mỉ.
Mặc dù mỗi năm Vua Bảo Đại chỉ đưa gia đình lên Đà Lạt vài lần để nghỉ ngơi, săn bắn, nhưng vốn là một người thích ngao du đây đó, nhất là chơi thể thao và săn bắn dài ngày trong rừng sâu. Năm 1933 Bảo Đại đã bắt đầu cho xây dựng Dinh III trên đỉnh đồi Ái Ân – nơi có địa thế cao, đẹp bậc nhất Đà Lạt, đến năm 1938 thì hoàn thành. Công trình này do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế theo kiến trúc châu Âu, gồm 2 lầu. Lầu trệt dùng làm nơi hội họp, yến tiệc, tiếp khách ngoại quốc và quan chức chính phủ “Hoàng triều cương thổ”. Lầu hai là nơi được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng ngủ của Vua Bảo Đại, của Hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long, các công chúa Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, hoàng tử Bảo Thắng. Phía ngoài phòng ngủ của cựu hoàng là Lầu Vọng nguyệt khá đẹp dùng làm nơi cựu hoàng và hoàng hậu ngắm trăng.
Từ thuở nhỏ, Bảo Đại đã được cha mình là Vua Khải Định đưa sang Pháp sinh sống và học tập nên ông chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nền giáo dục và văn hóa phương Tây. Do vậy, sau khi được cha truyền ngôi, Bảo Đại chấp nhận sự “bảo hộ” của nước Pháp, coi Pháp là “bảo mẫu”, ông cũng là người được nước Pháp nuôi và trả lương. Từ khi Bảo Đại lên nắm quyền, nước ta hoàn toàn phụ thuộc vào Pháp về mọi mặt, Bảo Đại chỉ còn mang tính chất nhà vua tượng trưng cho một nước, hầu hết mọi công việc quan trọng đều do người Pháp quyết định.
Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Bảo Đại lại được người Pháp mời về làm Quốc trưởng. Thấy được vận mệnh của đất nước đang lâm nguy dưới tay Quốc trưởng Bảo Đại, năm 1952, nhân dịp sinh nhật lần thứ 40 của Quốc trưởng, những sinh viên có tấm lòng yêu nước của Việt Nam đang học tập tại Pháp đã cùng nhau đặt thợ làm một bản đồ bằng bạc gửi về Việt Nam tặng Bảo Đại.
Bản đồ được “vẽ” rất công phu, tỉ mỉ, chất liệu hoàn toàn bằng bạc được đặt trong một khung gỗ chắc chắn. Những chỗ có địa hình núi cao như Trung du miền núi phía Bắc, mạn phía Tây nơi có đường biên giới giáp với Lào và Campuchia được dát bạc dày và cao hơn những khu vực đồng bằng. Riêng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long là nơi chuyên canh tác cây lúa có biểu tượng người đang cấy, con trâu đi bừa. Những vùng trồng nhiều dừa như Bình Định, Phú Yên, Bến Tre được khảm bạc hình hai cây dừa song song. Cố đô Huế và Sài Gòn được thể hiện bằng những hình ảnh cụ thể trên bản đồ đó là những tòa nhà, cung đình - là những hình ảnh tiêu biểu của mỗi địa phương. Ngoài ra, trên biển còn được “vẽ” những chiếc thuyền của ngư dân đang đánh bắt cá và thuyền thương lái…
Để hàm ý nhắc nhở Quốc trưởng Bảo Đại không nên quá phụ thuộc vào người Pháp, bên ngoài tấm bản đồ này, những sinh viên Việt Nam tại Pháp còn khắc 4 chữ Độc Lập - Thống Nhất trên nền chữ có 3 sọc màu đỏ (màu cờ dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại). Tấm bản đồ là những đường nét hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ với đầy đủ biểu tượng của mọi vùng miền trên đất nước ta đã tạo thành một bức tranh sống động, rất ấn tượng.