Về bài thơ ngự chế đề quạt của Lê Thánh Tông trên bức bình phong tại Dinh II Đà Lạt

02:10, 26/10/2011

Tại Lâm Đồng - Đà Lạt, còn bảo quản bức thư pháp xưa đặt tại Dinh Toàn quyền trước đây. Đó là tấm bình phong cổ, kê tại phòng khách Dinh II...

Tại Lâm Đồng - Đà Lạt, còn bảo quản bức thư pháp xưa đặt tại Dinh Toàn quyền trước đây. Đó là tấm bình phong cổ, kê tại phòng khách Dinh II. Bức bình phong này theo nhiều học giả cho rằng nó được vua Bảo Đại mang từ Đại nội Huế về tặng cho toàn quyền Đông Dương nhân dịp khánh thành Dinh II. Theo nhiều người khác, chính Ngô Đình Nhu lúc đương quyền và lưu trú ở Dinh II, đã cho lấy bức bình phong từ Huế vào để trang trí theo truyền thống văn hóa đông phương. Nhưng dù là ai mang vào Đà Lạt đi chăng nữa thì với sự hiện diện của cổ vật này tại Dinh II cũng làm nên nhiều giá trị về mặt lịch sử cũng như ý nghĩa của nó trong hệ thống di vật của chốn cung đình tại Đà Lạt.
 

Tấm Bình phong cổ được chế tác từ nhiều loại danh mộc quý hiếm, ghép lại với nhau. Bức bình phong ghép lại với nhau bởi 10 tấm ván, mỗi tấm rộng 45cm, chiều cao 3m, đây là loại bình phong theo dạng hình chữ nhật. Loại này thuộc loại bình phong nhiều tấm rời ghép thành thường có hình chữ nhật hoặc vuông, do 6,8 hay10 tấm gỗ hình chữ nhật ghép lại với nhau bằng bản lề. Loại này có chân, khi di chuyển có thể di chuyển cục bộ từng phần hoặc có thể tháo rời ra để tiện vận chuyển. Kiểu bình phong này hiện còn khá phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bức bình phong được trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ và tinh xảo ẩn chứa diện mạo nghệ thuật cung đình Việt Nam. Đây là bức thư pháp quý hiếm chạm 22 bài thơ khắc bằng đủ thể loại chữ Hán: chân, hành, thảo, lệ, triện, trong đó có 12 bài thơ ngự chế của vua Tự Đức được trích từ (Tự Đức Ngự chế thi) và 2 bài của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm trích từ (Thương Sơn thi tập). Tùng Thiện công là con thứ 10 của hoàng đế Minh Mệnh ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Thương sơn thi tập, Thương Sơn tập từ, Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn Văn di…, 3 bài Tuy Lý Vương Miên Trinh hay còn gọi là Nguyễn Phúc Miên Trinh là con thứ 11 của hoàng đế Minh Mệnh ông đã để lại toàn bộ những sáng tác của mình qua bộ thơ Vĩ Dã hợp, bài thơ khắc trên bức bình phong cổ ở Đà Lạt cũng được trích từ (Vĩ Dã hợp tập), 1 bài khác trích từ (Hoàng Việt thi). 3 bài của Bùi Văn Mạc, 1 bài của vua Lê Thánh Tông trích từ (Ngự chế thi). 

Theo TS. Nguyễn Văn Hoa nhà nghiên cứu văn hóa, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, bình phong thường được sử dụng trong việc tính phong thủy cho gia trạch cũng như một phần để trang trí cho những ngôi nhà cổ. Việc bố trí bình phong tại các ngôi nhà của người Việt vốn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của văn minh Trung Hoa và các học thuyết Phong thủy nên cũng từ rất sớm, chiếc bình phong đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà của họ. Còn hơn cả người Hán, người Việt đã phát triển quan niệm về chiếc bình phong trở nên phong phú, đa dạng lên nhiều. Nói chung bình phong cốt để che kín ngôi nhà cho ấm cúng và ngăn chặn gió độc, hay để ngăn chặn những thứ khí chẳng lành phát ra từ những vật lạ phía trước nhà, nên việc dựng bình phong không theo quy chuẩn và kích thước cố định. Về tấm bình phong đặt tại dinh II Đà Lạt chắc chắn là bảo vật của cung đình Huế, thời vua Tự Đức, được trang trí cầu kỳ, tinh xảo, đây là loại bình phong đặt trong thư phòng, có nhiều giá trị cho việc nghiên cứu văn hóa cũng như thơ văn của vua Tự Đức và một số văn nhân nổi tiếng như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương…
   
Như vậy là ngoài bức bình phong được làm từ những tấm gỗ quý, được trang trí hoa văn họa tiết cầu kì ra còn có sự hiện diện của những bậc văn nhân nổi tiếng hay chữ giỏi thơ văn như vua Tự Đức và 2 vị tôn thất chốn hoàng triều là Miên Thẩm và Miên Trinh, hai nhà thơ được vua Tự Đức đánh giá là: Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường  (Văn như Siêu và Quát, thì đến văn đời tiền Hán cũng không có giá trị gì; Thơ đến Tùng Thiện công và Tuy Lý công thì như bỏ qua cả thời Thịnh Đường). Đặc biệt là còn có cả sự hiện diện của vị vua nổi tiếng triều Lê, giỏi thơ văn và để lại được nhiều thơ nhất trong các vị vua nhà Lê, đó là vua Lê Thánh Tông. Giá trị về mặt nội dung của bức bình phong chính là nằm ở chỗ đó, cái giá trị văn chương mang phong cách chốn cung đình lại được tô điểm qua cách khắc họa các bài thơ lên bức bình phong cũng thật lạ. Nhiều bài thơ được khắc theo hình chiếc quạt giấy và khắc rất tinh xảo bằng các thể loại chữ khác nhau. Từ đó, tạo nên một sự trang trí độc đáo sang trọng cũng như là thể hiện nghệ thuật thư họa độc đáo của chốn cung thất hoàng triều.
   
Thứ nhất là các bài thơ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm gồm các bài: Họa vịnh vũ phiến thi (vịnh về chiếc quạt lông); Ngự Bình sơn (lên núi Ngự Bình). Thứ hai là thơ của Tuy Lý Thân Vương Miên Trinh gồm các bài: Đăng Ngự Bình sơn (Lên chơi núi Ngự Bình); Nguyên nhật đại đình sướng yến, một bài khác trích từ Hoàng Việt thi bài Thuận Hóa thành tức sự (làm thơ ở thành Huế), còn lại là các bài thơ Ngự chế của vua Tự Đức gồm: bài Hoàn phiến (quạt lụa), Cần Chánh điện triêu hạ (Chúc mừng vào buổi thiết triều sớm ở điện Cần Chánh), Vũ phiến (quạt lông), Chiêm bái Thiên Thụ lăng (thăm viếng Lăng Thiên Thọ), Ngự Bình sơn (núi Ngự Bình)… Các bài thơ do vua Tự Đức ngự chế có nhiều chủ đề như vịnh cảnh vật ca ngợi vẻ hùng vĩ của non sông như bài núi Ngự Bình hay những bài thơ cảm tác của mình khi thăm lăng tẩm của các bậc tiền nhân mà ở đây là thăm lăng của vị vua đầu triều Nguyễn Gia Long hoàng đế. Đặc biệt có 1 bài của vua Lê Thánh Tông được trích từ Ngự chế thi với tiêu đề là Đề phiến (đề thơ trên quạt). Còn lại là 3 bài của Bùi Văn Mạc.
   
Các bài thơ này được các thợ điêu khắc nổi tiếng vâng mệnh cung khắc như Hương Nham, Tô Giang, với nhiệm vụ khắc những bài thơ ngự chế cũng như là của các tác giả nổi tiếng trên cổ vật thật sự là một công việc rất vinh hạnh. Các nhà điêu khắc đã khéo léo vận dụng nghệ thuật thư họa để trang trí cho mỗi bài thơ có một vẻ khác nhau, có thần thái linh hồn để tạo nên một bức bình phong vừa mang tính độc đáo, vừa mang tính nhân văn.
   
Trong bài viết này chúng tôi xin đăng tải 1 bài thơ Ngự chế của vua Lê Thánh Tông  được khắc trên bức bình phong này. Bài thơ khắc theo kiểu chữ đại triện được bố trí trên hình cái quạt giấy.
 


Phiên âm: Đề phiến
Nam huân lâu các nhật trường thì
Hoàn phiến huy phong ngọ mộng nghi
Phất phất lương phong nghi ngọ mộng
Hạ huề lao khổ vị tằng tri   

Dịch nghĩa: Đề quạt
Trên tầng gác cao gió nam ấm áp lúc ngày dài
Quạt lụa phe phẩy gió lúc buổi trưa yên giấc
Hiu hiu gió mát giấc ngủ trưa
Nỗi vất vả dưới ruộng trưa hè ta chưa từng biết đến

Dịch thơ: Đề quạt
Nam Huân lầu gác buổi ngày dài
Quạt lụa phất phơ giấc ngủ say
Hiu hiu gió mát người ngon giấc
Khắc khoải nhà nông mấy ai hay

Bức bình phong này có từ niên đại thế kỷ XIX thời vua Tự Đức và theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, bức bình phong này có lẽ là làm tặng cho vua Tự Đức đặt trong hoàng cung hoặc thư phòng làm việc của vua, nhưng có lẽ đây cũng chỉ là giả thuyết. Song với những gì đang hiện hữu trên bức cổ vật này, có thể thấy đây là một cổ vật rất quý mới được vua đề thơ như vậy. Trong lịch sử có thể thấy rằng, những nơi nào nổi tiếng, hay địa danh quan trọng sẽ được các vua lên thăm và đề thơ, chẳng hạn vua Lê Thánh Tông có đề thơ ở Động Hồ Công Thanh Hóa, rồi các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn cũng được khắc những bài thơ để ca ngợi công đức như làm rạng rỡ cơ nghiệp trị vì của mình.

Nguyễn Huy Khuyến
Khoa Đông Phương học – Đại học Đà Lạt