Trường Nguyễn Văn Trỗi thời kháng chiến ở Lâm Đồng

03:11, 16/11/2011

Một lần, đi thăm phụ huynh, tôi gặp một thầy giáo đã về hưu, được cụ kể cho nghe về việc đi dạy học ngày trước...

Một lần, đi thăm phụ huynh, tôi gặp một thầy giáo đã về hưu, được cụ kể cho nghe về việc đi dạy học ngày trước. Chuyện rằng: thời kháng chiến, cụ đã dạy học tại Trường Văn hóa tập trung Nguyễn Văn Trỗi ở vùng III hồi ấy, bây giờ là huyện Đạ Tẻh. Tôi bán tín bán nghi, vì từ trước đến nay, chưa được nghe nói về ngôi trường ấy bao giờ.
 
Khát vọng vùng sâu.  Ảnh Bình Nguyên
Khát vọng vùng sâu. Ảnh Bình Nguyên

Về nhà, tìm được cuốn Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lộc (1930-1975) của Đảng bộ huyện Bảo Lộc in năm 1993, trang 72 có một đoạn ghi: “Phong trào học tập văn hóa được duy trì và phát triển rộng. Trong các buôn làng đã mở thêm gần 100 lớp học cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị và con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học…”.  Như vậy có một trường học ở vùng căn cứ kháng chiến nhưng tổ chức ra sao, học như thế nào, ở đâu thì còn phải tìm hiểu thêm.
  
Tình cờ tôi gặp thầy K’Vinh, cán bộ phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đạ Tẻh, được nghe thầy kể về vùng căn cứ kháng chiến ở phía nam Bảo Lộc, tại đó, có một ngôi trường tên là Trường Văn hóa tập trung E 300.   
 
LỚP ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

Khoảng cuối năm 1963 đầu năm 1964, căn cứ cách mạng phía bắc đường 20 của tỉnh Lâm Đồng hồi ấy có khoảng 5.000 dân, toàn người Mạ, mà chẳng mấy ai biết chữ vì “Giàng không muốn cho người Mạ biết cái chữ”. Gần hai chục buôn vùng căn cứ kháng chiến, chẳng mấy ai đi học, số người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả vùng III chỉ có K’Muôi học lớp đệ thất, ở Buôn B’Lang có K’Tiêng, ở Đạ Nua có K’Hau học lớp tư.

Trước thực trạng ấy, để làm tốt công tác vận động quần chúng, Ban Tuyên huấn tỉnh Lâm Đồng thấy cần mở một lớp học, xóa nạn mù chữ cho cán bộ chủ chốt và thanh niên các xã vùng III, K1 tại vàm suối Đạ Rơmít buôn Dor Blàng, ở xã Xi Nhen. Tháng 10 năm 1963, lớp đào tạo giáo viên cho vùng căn cứ kháng chiến, tập trung ngắn hạn 3 tháng ở buôn Bi Kốt, trong vùng III đã được khai giảng. Lớp chỉ có 30 học viên, giáo viên có thầy Lê Thanh Hà và thầy K’Hành. Học viên ở tại chỗ, tự tổ chức hái rau, câu cá, nấu ăn lấy. Một thời gian dài, phải đốt than gốc cỏ tranh, hòa nước cho lắng cặn, lấy nước trong có vị chát chát thay muối. Nhiều khi phải ăn khoai mì, măng tre vì hậu cần chưa có lương thực cấp phát. Ban ngày học trên lớp, buổi tối học viên đốt đống lửa lên, học theo nhóm hoặc tập văn nghệ, rồi một đội văn nghệ được lập ra, phong trào vừa học vừa hát làm học viên hứng thú, đua nhau học tập.

Lớp học thiếu thốn như thế mà suốt 3 tháng, không học viên nào bỏ học, cuối khóa tất cả đều đạt yêu cầu. Sau lễ bế giảng, mọi người ra về với nhiệm vụ công tác “về các đơn vị, buôn làng tổ chức các lớp học, dạy lại cho nam nữ thanh niên, giúp cho họ cũng biết chữ như mình”. Vậy là, phong trào xóa nạn mù chữ lan ra khắp các buôn làng của căn cứ Lâm Đồng, từ B’Lá ở căn cứ Bắc đến Tố La, Măng Tố ở căn cứ Nam và làm tiền đề cho việc mở Trường Văn hóa tập trung  Nguyễn Văn Trỗi sau này.

MỘT NGÔI TRƯỜNG VÙNG CĂN CỨ

 Con em cán bộ công tác ở các ban ngành của tỉnh và của các K - đơn vị hồi kháng chiến, tương đương cấp huyện bây giờ, sống trong các vùng căn cứ không ít, lại còn con em cán bộ các xã, cần phải được giáo dục chu đáo để có đội ngũ kế cận về sau, nên cuối năm 1970 Trường Văn hóa tập trung được thành lập. Lúc đầu mang bí số E 300, sau mới lấy tên chính thức là trường Nguyễn Văn Trỗi.

Phụ trách trường đầu tiên là thầy Ba Bình An, rồi thầy Đức Hải, thầy Tám Hích, từ năm 1973 về sau là thầy Tám Tống. Giáo viên lúc đầu chỉ có ba người sau lên đến 12 người, có thầy là người dân tộc thiểu số, có thầy từ miền Bắc chi viện vào, có đến bốn cán bộ, giáo viên là nữ. Lúc đầu trường ở buôn B’Đưng, năm 1972 chuyển về xã Xi Nhen, sau lại về buôn Tơng Long trong vùng III. Học sinh lúc đầu chỉ độ 20 em sau lên hơn 70, cuối năm 1972 nhận thêm của tỉnh Tuyên Đức gửi, nên trường có gần 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Lớp học, ban ngày còn có ánh sáng lung linh, xuyên qua cành lá cây phủ bên trên mái trường. Ban đêm mà đêm trong rừng tối lắm, các em đốt củi ngo, đèn dầu lấy ánh sáng học bài.

Anh B. H. một học sinh hồi ấy nhớ lại:

- Đi học ngày ấy rất thiếu thốn, sách không có, vở cũng thiếu, nhưng mọi người vẫn thi nhau học, anh chị lớn kèm cặp cho các em bé. Cả ngày trong trường không lúc nào ngưng tiếng hát, ai cũng coi trường là nhà, coi nhau như anh em ruột thịt. Trong hoàn cảnh chiến tranh, cùng sống xa gia đình, cùng thiếu hơi ấm của  cha mẹ, nên thương nhau lắm.

Trường Văn hóa tập trung Nguyễn Văn Trỗi duy trì dạy và học đến ngày giải phóng, mới chuyển  địa điểm về Bảo Lộc và sau đổi thành Trường Bổ túc văn hóa tập trung của tỉnh Lâm Đồng.
   
VÀ GIÁO DỤC Ở ĐẠ TẺH HÔM NAY

Khu vực tên là vùng III thời kháng chiến, nơi có ngôi trường duy nhất trong vùng căn cứ, bây giờ là huyện Đạ Tẻh. Từ một nơi chỉ có chưa đầy 500 dân, bây giờ đã là một vùng cư dân đông đúc, gần 40.000 nhân khẩu trong 11 đơn vị hành chính cấp xã và thị trấn. Năm học 2011-2012, Đạ Tẻh có hơn 9.000 học sinh và 147 cán bộ giáo viên các cấp học với 11 trường mẫu giáo, 12 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở, 1 trường dân tộc nội trú và 1 trường phổ thông trung học, trong đó đã có 4 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.

Nói về tình hình phát triển giáo dục tại Đạ Tẻh, ông Trần Văn Ký, trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện nhận định:

 - Trong năm học vừa qua, trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỉ lệ duy trì sĩ số ở các cấp học đều tốt, giảm được số học sinh bỏ học, giữ vững được kết quả giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên toàn huyện. Các trường học đã chú ý giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh, phòng chống được bạo lực xâm nhập học đường, trường nào cũng có chương trình hành động để giáo dục đạo đức học sinh nên hầu hết các em chăm ngoan lễ phép, không có trường hợp nào vi phạm pháp luật. Việc dạy học cũng được chú ý, các  trường thực hiện dạy học và kiểm tra theo chuẩn kiến thức kỹ năng và đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện, cả trong dạy và học, vì vậy nhiều năm qua, chất lượng giáo dục của Đạ Tẻh luôn ổn định ở mức cao.

Để đáp ứng yêu cầy dạy học hiện nay, ông chủ trương:

- Thực hiện chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” ở Đạ Tẻh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao hơn hiệu quả khai thác, sử dụng thiết bị dạy học và thực hiện xã hội hóa giáo dục để cải tạo cảnh quan trường học đạt tiêu chuẩn an toàn, xanh- sạch- đẹp.

- Nhưng khắp trong huyện, cơ sở vật chất trường học mới chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu, còn quá xa với yêu cầu về chuẩn hóa, hiện đại hóa trường học, vài trường còn phải đi mượn phòng học.

Ông trưởng phòng thở dài than rằng:

- Chuyện xây dựng trường chuẩn quốc gia, ở tại Đạ Tẻh mới là nan giải, khó khăn nhất vẫn là chuẩn về cơ sở vật chất, nó nằm ngoài khả năng của Phòng Giáo dục - Đào tạo.

Nói thì như vậy, nhưng ở một huyện vùng xa, đạt được những kết quả như thế thì công sức của ngành giáo dục bỏ ra không phải là ít.

Khi được hỏi về trường Văn hóa tập trung Nguyễn Văn Trỗi đã đứng chân trên đất Đạ Tẻh thời kháng chiến, ông Trần Văn Ký bộc bạch:

 - Phòng Giáo dục - Đào tạo cũng biết, thời kỳ kháng chiến có một ngôi trường như thế ở Đạ Tẻh, nhưng không thấy có tư liệu nào ghi lại, nên không mấy ai tường tận, học sinh và giáo viên lại càng ít biết, vì phần lớn là những người sau này mới đến.

Ở thị trấn Đạ Tẻh, có một Trường trung học cơ sở mang tên Nguyễn Văn Trỗi, không biết tại trường đó, có lưu giữ tư liệu nào về Trường Văn hóa tập trung Nguyễn Văn Trỗi để làm tư liệu giáo dục truyền thống cho học sinh hay không, nên tôi tìm gặp cô hiệu trưởng và được cô cho biết:

- Những tư liệu dùng giáo dục truyền thống cho học sinh chủ yếu là về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, còn về ngôi trường thời kỳ kháng chiến mang tên Trường Văn hóa tập trung Nguyễn Văn Trỗi thì nhà trường không có một tư liệu nào cả.

THAY CHO LỜI KẾT

Các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng là vùng đất mới khai phá, hai huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên thành lập từ năm 1986, nhưng thực ra, truyền thống của những nơi ấy không phải chỉ bắt đầu từ ngày có tên trên bản đồ hành chính mà đã có bề dày từ hàng chục năm trước đó. Trong hai cuộc kháng chiến, nơi ấy đã thấm bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của đồng bào các dân tộc, cả người Kinh lẫn đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa, cả người miền xuôi lẫn miền núi… Trong lúc các trường học đang cần những tấm gương để giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, cho thế hệ trẻ hôm nay, thì việc “ôn cố, tri tân” Trường Văn hóa tập trung Nguyễn Văn Trỗi thời kháng chiến là một điều  cấp thiết đối với chính quyền địa phương và ngành giáo dục Lâm Đồng.  

Ghi  chép: NINH THẾ HÙNG