Cuộc sống Đà Lạt xưa qua bộ sưu tập đồ đồng

05:12, 28/12/2011

Thượng tọa Thích Viên Thanh, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt, đã sưu tập hơn 3.000 đồ đồng trong hơn 30 năm, bao gồm những đồ dùng kinh doanh dịch vụ, dụng cụ sinh hoạt văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng từ tầng lớp thường dân, đến tầng lớp quý tộc của Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 về sau.

Thượng tọa Thích Viên Thanh, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt, đã sưu tập hơn 3.000 đồ đồng trong hơn 30 năm, bao gồm những đồ dùng kinh doanh dịch vụ, dụng cụ sinh hoạt văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng từ tầng lớp thường dân, đến tầng lớp quý tộc của Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 về sau.

Chiếc chuông lớn đặt trong đình miễu của cư dân Đà Lạt xưa
Chiếc chuông lớn đặt trong đình miễu của cư dân Đà Lạt xưa

Chỉ với không gian đồ đồng khoảng trăm mét vuông trong Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt có thể đưa người tham quan trở về quá khứ từ 50 năm đến 100 năm. Đó là bộ sưu tập 40 chiếc cồng chiêng bằng đồ đồng đúc và đồ đồng gò bằng tay của người đồng bào thiểu số Lâm Đồng, chiếc có đường kính nhỏ nhất khoảng 0,3mét; chiếc có đường kính lớn nhất từ 0,8 mét đến 0,9 mét, cân nặng từ 20 - 30 ký, nên một nghệ nhân xưa phải là người có sức khỏe tốt mới mang được chiêng trên vai để đánh; hoặc buộc phải có 2 người khiêng chiêng hai bên để một nghệ nhân đi chính giữa đánh. Đặt bên cạnh cồng chiêng là những quả chuông đồng lớn và nhỏ, quả lớn nhất nặng từ 50 - 60 ký, bên trên có chạm trổ hoa văn hình rồng. “Đây là những quả chuông đặt trong những ngôi đình miễu của cư dân Đà Lạt những năm 30, 40 của thế ký trước. Mỗi lần cúng đình miếu, tạ ơn thánh thần độ trì dân chúng bình an, mùa màng tươi tốt, chuông đồng sẽ ngân lên từng hồi tiếng, rung vang xa hàng trăm mét..” - Viện chủ Thích Viên Thanh thuyết minh.

Cũng theo Viện chủ Thích Viên Thanh, cuộc sống cộng đồng dân cư Đà Lạt những năm đầu thế kỷ 20 còn phản ánh qua hiện vật của hàng chục chiếc nồi đồng, bên cạnh những chiếc nồi đồng nhỏ trong từng gia đình, còn có nhiều chiếc nồi đồng lớn, nấu chín đến 20 - 30 ký gạo. Đây là chiếc nồi đồng hình trái bầu, được người dân mang theo trong quá trình di cư từ đồng bằng miền Bắc và miền Trung lên miền núi Đà Lạt - Lâm Đồng, gửi gắm vào đó ước nguyện của sự no đủ vật chất, tràn đầy tinh thần. Nồi đồng ở đồng bằng nấu bằng lửa rơm, lên miền núi nấu bằng lửa củi, hạt cơm ngấm nhiều nước, chín đều và giữ nóng lâu trong những chiếc bao bố dày, cột chặt. Đáng kể còn có hàng chục chiếc nồi đồng dùng để chế biến thức ăn, hàng chục chiếc mâm đồng đúc và gò bằng tay để bày biện trên những bàn cỗ cho ngày giỗ chạp. Đồng thời còn có những chiếc đèn đồng thắp sáng về đêm bằng nhiên liệu dầu lửa; chiếc bi đông, ca uống nước, bộ tách trà bằng đồng; cùng các đồ đồng trong cuộc sống tâm linh như những bộ lư hương, con chim hạc, kỳ lân…

Đặc biệt trong quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân Đà Lạt xưa là những chiếc cân bằng đồng. Thống kê với gần trăm chiếc cân lớn, nhỏ có từ năm, bảy mươi năm về trước, được sưu tập ở đây, chiếc cân nhỏ treo chiếc đĩa nhỏ bên dưới dùng để cân bán từng mớ thịt, cá; cân các loại bánh chế biến từ gạo; chiếc cân lớn có mức vạch đến 100 ký, luồn chiếc cây vào chính giữa, đặt trên vai của 2 người đứng hai bên để vác lên cân. Loại cân này dùng để cân lúa, gạo, heo xuất chuồng bán… Và cũng có những chiếc lò đồng nấu, chế biến bánh thuẫn (bánh phong lan), chế biến bằng 2 tầng lửa than bên trên và bên dưới thân lò. Rồi có những cỗ máy may bằng đồng, dùng chân đạp bàn đạp phía dưới để chạy đường kim chỉ may quần áo ở mặt bên trên.

Nét phân biệt giữa đồ đồng của giới quý tộc và giới bình dân ở Đà Lạt xưa là kiểu dáng và kích cỡ. Nếu bộ khay trầu của giới quý tộc với đường kính 0,3 mét, gắn đế chân có hoa văn, thì của giới bình dân có đường kính từ 0,1 mét trở xuống, không có đế chân hoa văn. Tương tự chiếc mâm đồng của giới quý tộc có đường kính từ 0,5 m trở lên, chính giữa mâm có chạm khắc chữ “phúc”, thì của giới bình dân có đường kính từ 0,3 mét trở xuống, mặt đồng trơn nhẵn. Hoặc chiếc bình uống nước trà của giới quý tộc có chạm khắc hình rồng, phượng bao quanh, còn của giới bình dân thì không chạm khắc một nét gì. Như vậy có lẽ đồ đồng kích cỡ to lớn, chạm khắc nhiều nét vẽ có giá trị bằng tiền gấp chục lần, thậm chí đến trăm lần đồ đồng đúc bình thường, khiến cư dân Đà Lạt xưa ít người có khả năng tài chính mua sắm được…

Viện chủ Thích Viên Thanh ước tính với bộ sưu tập khoảng 3.000 đồ đồng tại Thiền Viện Vạn Hạnh - Đà Lạt, tổng khối lượng trên dưới 2 tấn. Thiền viện xem đây là bộ sưu tập của “dấu ấn thời gian xưa của Đà Lạt” nhân dịp đón chào Festival Hoa Đà Lạt năm 2012, giúp cho người tham quan hình dung một phần của cuộc sống cư dân Đà Lạt xưa.   

VĂN VIỆT