Nhật ký chuyến đi Lâm Viên được quan Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt biên soạn sau chuyến công du lên tỉnh Lâm Viên từ ngày mùng 10 tháng 7 đến 26 tháng 7 năm Đinh Tỵ.
Lâm Viên hành trình nhật ký do Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện, biên soạn. Đây là tác phẩm viết về một chuyến đi lên cao nguyên Lâm Viên của ông năm 1917, và là tác phẩm viết về Đà Lạt đầu tiên của người Việt. Đây là một tư liệu quý được đăng trên Nam Phong tạp chí bằng chữ Hán - Nôm, rất có ích để nghiên cứu về một Đà Lạt xưa.
Nhật ký chuyến đi Lâm Viên được quan Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt biên soạn sau chuyến công du lên tỉnh Lâm Viên từ ngày mùng 10 tháng 7 đến 26 tháng 7 năm Đinh Tỵ. Chuyến công cán này nhằm khảo sát nghiên cứu vị trí xây dựng hành cung cho triều Nguyễn. Bằng sự ghi chép tỉ mỉ từ việc mô tả đường sá, khí hậu, nhà cửa, dinh thự… Nội dung bản tấu của ông có đoạn viết: Khi ấy, Ngài Nam tước phụng chỉ đến tỉnh Lâm Viên mới thành lập để quan sát, đồng thời trù liệu xây cất hành cung. Lúc trở về, Ngài ghi chép tình hình các địa phương mà Ngài đã đi ngang qua, lập thành một bản trình tấu dâng lên Hoàng thượng, được Hoàng thượng châu phê: “Việc của cổ nhân, một viên chức há dám cẩu thả mà làm sao.
Với Lâm Viên hành trình nhật ký, Đoàn Đình Duyệt là người Việt đầu tiên ghi chép về một Đà Lạt thơ mộng được miêu tả qua những áng văn chữ Hán xen lẫn chữ Nôm. Tác phẩm này là một sự miêu tả dưới dạng nhật ký hành trình về những gì mà ông bắt gặp trên đường công cán. Như lời ông tấu dâng lên vua Khải Định rằng: Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thủy, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản Lược khảo trong chuyến đi Nam. Còn như tìm hiểu cho tận cùng bờ cõi, khảo đính thư tịch và bản vẽ, do thần học vấn thấp kém, hiểu biết có chỗ không tới nơi, còn mong chờ có người thực hiện.
Đà Lạt được Đoàn Đình Duyệt cảm nhận lần đầu tiên với một cảm giác nhẹ nhàng khác hẳn với cái sôi động của miền trung châu, cái khí lạnh của trời đất với những cánh rừng thông rậm rạp, của đồi núi nhấp nhô, của những dòng suối với những con đường uốn khúc quanh co. Ông viết: Lúc đến Đa Lạc (Đà Lạt), viên chức huyện Lâm Viên dẫn dân trong hạt, độ một nửa là người Hán và người Thượng, ra đón mời vào huyện nha nghỉ ngơi. Đến 5 giờ chiều, trở về huyện lỵ nghỉ ngơi. Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thấy giống như đầu xuân. Theo lời quý quan trú ở đây thì vùng đất này tới mùa đông hàn thử biểu có lúc xuống một, hai độ, giống như khí hậu miền Nam châu Âu. Đôi khi cũng có mưa tuyết. Quả là điều kỳ lạ trên đất nước Lĩnh Nam vậy. Người của quý quốc thích khí hậu ôn hòa nên mùa hè thường đưa gia quyến lên đây nghỉ mát. Chiều ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân, thảy đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.
Quả thật dưới sự miêu tả chi tiết của quan thượng thư về khí hậu của Đà Lạt những năm 1917, với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, trời Đà Lạt lúc nào cũng giống như đầu mùa xuân. Phong cảnh kì vĩ núi non bao bọc, rừng rậm bao quanh thành phố, quả thật vẻ đẹp như một bức tranh.
Về kiến trúc của Đà Lạt theo lời ông viết thì: Kiến trúc hiện đang có là Tòa Công sứ, Nha Lục lộ, Nha Kiểm lâm, Nha Ngân khố, Phòng Điện báo, bệnh viện và cư xá cho binh lính đồn trú. Ngoài ra còn có những khách sạn xây cất theo kiểu phương Tây. Huyện nha của Lâm Viên cũng đặt ở đây. Vua Cao Man có xây cất một nhà khách, mùa hè có khi đến đây nghỉ mát, lại còn mua một khu đất, định xây dựng một hai tòa lâu đài, trang trí rất lộng lẫy. Đó là nghe quý Khâm sứ thuật lại và còn hướng dẫn đi xem khu đất ấy nữa. Quý quan đại thần của Nhà nước bảo hộ cũng trù tính xây thêm Phủ Toàn quyền và Tòa Khâm sứ ở đây. Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn.
Dưới sự đánh giá bước đầu của quan thượng thư, Đà Lạt trong tương lai sẽ là điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng và cũng là nơi đô hội lớn của đất nước. Với những đường sá dọc ngang quanh phố thị, chạy dài đan xen nhau dưới những mái nhà len lỏi trong những viền đồi thông xanh bạt ngàn chạy dài vô tận. Đà Lạt quả là một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ mà ở đó con người thanh thản với cuộc sống mát mẻ của một châu Âu với những cơn mưa tuyết. Thật sự mà nói, với những lớp sương phủ dày trên những ngọn thông giăng đầy mỗi sớm mai, thì Đà Lạt hiện lên thật huyền ảo.
Cảnh tượng này cũng đã được bác sĩ A.Yersin viết trước đó hơn 20 năm khi vừa đặt chân lên đất này: vừa ra khỏi rừng thông, ấn tượng của tôi thật sâu sắc khi đứng trước một vùng cao nguyên mênh mông hoang vắng và trơ trụi gợi nhớ lại cảnh biển động vì một đợt sóng khổng lồ màu xanh dâng lên. Núi Lang Bian sừng sững ở chân trời phía tây bắc cao nguyên làm tăng thêmver đạp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ.
Quả thật với sự ưu đãi về thiên nhiên, với những cơ sở hạ tầng hợp lý, Đà Lạt năm 1917 đã được đánh giá là thành phố phù hợp với việc du lịch và nghỉ ngơi. Thành phố được kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và những kiến trúc được quy hoạch hợp lý. Bên cạnh đó, những không gianh cảnh quan xung quanh Đà Lạt như những dòng thác, những con đèo, những hồ nước cũng là một điều kiện để làm nên một Đà Lạt nên thơ như lời tâu của quan thượng thư. Với những đánh giá bước đầu của ông về Đà Lạt năm 1917, quả thật so với ngày nay đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng những ghi chép của ông vẫn còn nguyên giá trị để tìm hiểu về một Đà Lạt xưa, một Đà Lạt thơ mộng hiền hòa lãng mạn mến khách và không ngừng phát triển.
NGUYỄN HUY KHUYẾN