Năm nay - 2012 là tròn 100 năm kể từ ngày tù trưởng N’Trang Lơng dấy quân kháng Pháp. Và cũng năm nay - 2012 là “năm chẵn” 75 năm kể từ ngày nữ chúa rừng xanh Ka Nhỗi nối tiếp sự nghiệp của tù trưởng N’Trang Lơng và chủ soái Săm Brăm. Đồng thời, đây cũng là năm “tròn” 75 năm kết thúc phong trào “nước xu đỏ” của Săm Brăm ở miền núi Phú Yên. Với những nhân vật lịch sử đó của Tây Nguyên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu!
LTS: Năm nay - 2012 là tròn 100 năm kể từ ngày tù trưởng N’Trang Lơng dấy quân kháng Pháp. Và cũng năm nay - 2012 là “năm chẵn” 75 năm kể từ ngày nữ chúa rừng xanh Ka Nhỗi nối tiếp sự nghiệp của tù trưởng N’Trang Lơng và chủ soái Săm Brăm. Đồng thời, đây cũng là năm “tròn” 75 năm kết thúc phong trào “nước xu đỏ” của Săm Brăm ở miền núi Phú Yên. Với những nhân vật lịch sử đó của Tây Nguyên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu!
Kỳ I: Khúc bi tráng Tây Nguyên
Trống (sgơr) trong sinh hoạt cộng đồng của người Cơho. |
Trong lịch sử kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên, hai (trong ba, kể cả Săm Brăm) nhân vật người dân tộc thiểu số được nhắc đến nhiều nhất là ông N’Trang Lơng người Mnông và bà Ka Nhỗi người Cơho. Năm nay – 2012, nhân 100 năm ngày thủ lĩnh N’Trang Lơng dấy quân khởi nghĩa kháng Pháp, nhiều hoạt động có ý nghĩa sẽ được tổ chức trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Cũng trong năm nay, người ta lại nhớ đến 75 năm ngày nữ chúa rừng xanh Ka Nhỗi người Cơho dấy quân kháng Pháp, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp của tù trưởng người Mnông N’Trang Lơng.
Đứng lên vì Tây Nguyên bình yên
Xét về tuổi đời, ông N’Trang Lơng lớn hơn bà Ka Nhỗi đến 45 hoặc 47 tuổi. Ông N’Trang Lơng sinh năm 1870 tại buôn Bu Par, dưới chân núi Nam Dron, nay thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông. Đến năm 42 tuổi (1912), N’Trang Lơng dấy nghĩa và kéo dài cuộc kháng chiến của nghĩa quân do ông làm thủ lĩnh đến 25 năm sau - 1937. Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân người thiểu số Tây Nguyên do N’Trang Lơng chấm dứt (1937), một nữ chủ tướng người thiểu số Tây Nguyên khác đã đứng lên tiếp tục sự nghiệp kháng chiến chống pháp của N’Trang Lơng là bà Ka Nhỗi - người được mệnh danh là nữ chúa rừng xanh, người dân tộc Cơho ở thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Cuộc dấy nghĩa của nữ chúa rừng xanh tuy không kéo dài như chủ tướng N’Trang Lơng nhưng đó là đỉnh cao của phong trào phụ nữ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên phản kháng chế độ áp bức của thực dân Pháp tại Tây Nguyên Việt Nam.
Đã có ít nhất một hội thảo khoa học về danh nhân lịch sử N’Trang Lơng được tổ chức; và tại hội thảo đó, các nhà nghiên cứu đều thống nhất lập luận: Thủ lĩnh N’Trang Lơng và cuộc kháng chiến của nghĩa quân N’Trang Lơng là một phần trong lịch sử đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp ở Tây Nguyên từ trước ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nói cách khác, đó là một phong trào tự phát nhưng phát triển theo xu thế tất yếu và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Vậy, thử nhìn lại phong trào này: Những năm 1911 - 1912, người Pháp ráo riết tăng cường lập ra các đồn bốt khắp khu vực Nam Tây Nguyên (Đắc Nông, Lâm Đồng ngày nay) để kiểm soát an ninh trong vùng. Điều đáng nói, quân lính người Pháp và người Việt thân Pháp đã nhân cơ hội này để cướp bóc, hãm hiếp, bắn giết nhiều thường dân vô tội, trong đó có nhiều người thuộc sắc dân thiểu số Tây Nguyên. Bởi vậy, mâu thuẫn giữa các dân tộc thiểu số và người Pháp đại diện cho chế độ đô hộ ở Tây Nguyên ngày một gia tăng. Nhân cơ hội này, N’Trang Lơng đã đứng lên dấy nghĩa kháng Pháp; trước hết là chống lại phong trào lập đồn bốt trong các buôn làng của người thiểu số. Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân N’Trang Lơng, thực dân Pháp đã tăng cường quân đội trấn giữ các đồn bốt vừa thiết lập và “thả cửa” cho đội quân này tha hồ cướp bóc, hãm hiếp, bắn giết thường dân. Trong một trận cướp bóc của binh sỹ Pháp tại làng Bu Rlam, người Pháp đã bắt vợ và con gái của tù trưởng N’Trang Lơng, rồi sau đó chặt đứt chân họ và để vậy cho đến chết. “Nợ nước, thù nhà” đã được xác định, tù trưởng N’Trang Lơng quyết định đẩy mạnh phong trào kháng Pháp của mình lên một bước phát triển mới. Từ đây, phong trào đã lan đến khắp vùng Tây Nguyên, sang tận Campuchia và xuống đến người Kinh ở Phú Yên, Bình Thuận. Và, một kế hoạch tiêu diệt “tham biện hạng nhất” (một chức quan của Pháp lúc bấy giờ) Henri Maitre đã được thủ lĩnh N’Trang Lơng vạch sẵn.
Khúc bi tráng của núi rừng
Trong suốt gần 3 năm từ 1912 đến 1914, đội quân dấy nghĩa của N’Trang Lơng làm cho lính Pháp thất điên bát đảo ở nhiều nơi trên khắp vùng Tây Nguyên. Vị “tham biện hạng nhất” (thuộc hệ thống quan chức hành chính thuộc địa của Pháp) tên là Henri Maitre nhận ra rằng mâu thuẫn giữa cá nhân mình với tù trưởng N’Trang Lơng khó giải quyết được bằng bạo lực. Do đó, ông đã đánh tiếng để vị tù trưởng người Mnông này đồng ý gặp mặt để thương thuyết; trong đó, Henri Maitre hứa sẽ đảm bảo nhiều quyền lợi cho tù trưởng N’Trang Lơng.
Henri Maitre mạnh dạn hứa như trên là bởi đúng vào lúc đó (đầu năm 1914), ông được triệu tâp về Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện Nam Kỳ; và trong cuộc bầu cử ấy, cái tên Henri Maitre với chức vụ “tham biện hạng nhất” vùng Tây Nguyên rất sáng giá. Ba tháng sau, khi cuộc bầu cử Nghị viện Nam Kỳ đã xong, Henri Maitre từ Sài Gòn đã lên Tây Nguyên trở lại, qua ngả cao nguyên Djring (Di Linh, Lâm Đồng), rồi sang Đắc Lắc và được công sứ Pháp tại Đắc Lắc là ông Sabitier đón tiếp rất trọng thị. Tại đây, Henri Maitre nhận được thông tin rằng tù trưởng N’Trang Lơng đã đồng ý gặp mặt vị “tham biện hạng nhất” vùng Tây Nguyên Henri Maitre để “bàn chuyện Tây Nguyên”. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra trong một ngôi nhà sàn ở buôn Bù Sa phía nam Tây Nguyên thuộc đất do tù trưởng N’Trang Lơng cai quản nhưng do binh lính Pháp dưới sự chỉ huy của Henri Maitre nắm giữ. Cuộc gặp gỡ để bàn thuyết về một “đại lễ hòa hợp” ấy diễn ra vào ngày 5/8/1914. Và tại đây, “tham biện hạng nhất” Tây Nguyên Henri Maitre đã bị tù trưởng N’Trang Lơng và hai tù trưởng khác là R’Dinh và R’Ong giết chết bằng ba nhát dao.
Tuy nhiên, cái chết của Henri Maitre và 13 binh lính thuộc quyền ở Tây Nguyên đi theo Henri Maitre không làm cho người Pháp chùn tay mà ngược lại, sau đó, người Pháp đã tăng cường quân đội lên vùng đất này cùng với việc chiêu mộ nhiều binh sỹ người dân tộc thiểu số và cả người Việt để siết chặt vòng vây, đàn áp phong trào. Giữa tháng 5/1935, bằng nhiều hướng (từ Sài Gòn đánh lên, Di Linh đánh qua, Đắc Lắc đánh xuống và từ Campuchia đáng sang), người Pháp đã tiêu diệt được đội quân dấy nghĩa của tù trưởng N’Trang Lơng ở Nam Tây Nguyên (thuộc tỉnh Đắc Nông, gần với huyện Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay). Bản thân tù trưởng N’Trang Lơng bị trọng thương vào đêm 23.5.1935 và vị bắt và xử tử vào ngày 25.6.1935. Sau cái chết của tù trưởng N’Trang Lơng, phong trào dấy nghĩa của nghĩa quân N’Trang Lơng vẫn còn được tiếp tục duy trì nhưng trước sự đàn áp mạnh mẽ của quân Pháp, và nhất là hầu như không có một “ngọn cờ” như N’Trang Lơng, nên phong trào đã thực sự tan rã vào cuối năm 1937.
Điều cần nói thêm, cũng những năm cuối 30 của thế kỷ trước, tại vùng rừng núi Phú Yên, một phong trào kháng chiến chống Pháp của người dân tộc thiểu số khác đã được nổ ra là phong trào “nước xu đỏ” do thầy cúng Săm Brăm (người Chăm) lãnh đạo. Phong trào “nước thánh” (xu đỏ) của thủ lĩnh Săm Brăm có ảnh hưởng lớn đến nhiều vùng khác thuộc vùng núi Bình Định, Quảng Nam… và khắp Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Đặc biệt, ở Lâm Đồng - Đồng Nai Thượng, sự ảnh hưởng của “nước thánh” được thể hiện khá rõ tại phong trào kháng Pháp của người đàn bà có tên là Ka Nhỗi da trắng và tóc trắng trong những năm cuối 30 của thế kỷ trước.
Nói cụ thể hơn, ngay trong lúc phong trào đấu tranh chống Pháp của N’Trang Lơng đi về chặng cuối (sau khi vị thủ lĩnh bị Pháp xử tử) và phong trào “nước xu đỏ” của Săm Brăm thoái trào, ở vùng đất tiếp giáp với đất do tù trưởng N’Trang Lơng cai quản và cũng là nơi tiếp giáp của phong trào “nước xu đỏ” do Săm Brăm cầm chịch là cao nguyên Djring (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ngày nay), một thủ lĩnh mới của các dân tộc Tây Nguyên tiếp bước con đường kháng Pháp tự phát đã đứng lên: Phong trào Mọ Cộ Ka Nhỗi - nữ chúa rừng xanh của người Cơho Lâm Đồng.
(Kỳ II: Nữ chúa rừng xanh Ka Nhỗi và nước thánh Đạ Dơng)
Ghi chép: Khắc Dũng