Kỳ II: Nữ chúa rừng xanh Ka Nhỗi và nước thánh Đạ Dơng

02:05, 16/05/2012

Nếu tù trưởng N’Trang Lơng là người dấy nghĩa tập hợp quân và trang bị mọi thứ vũ khí có thể để đấu tranh trực diện với kẻ thù thì Ka Nhỗi có cách đấu tranh khác, mang màu sắc thần bí hơn: Lấy nước thánh để phân phát cho nghĩa quân nhằm củng cố tinh thần cho họ! Hình thức đấu tranh này của nữ chúa rừng xanh Ka Nhỗi mang màu sắc thần bí giống như phong trào “nước xu đỏ” ở vùng núi Phú Yên nhũng năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước.

[links(right)]Nếu tù trưởng N’Trang Lơng là người dấy nghĩa tập hợp quân và trang bị mọi thứ vũ khí có thể để đấu tranh trực diện với kẻ thù thì Ka Nhỗi có cách đấu tranh khác, mang màu sắc thần bí hơn: Lấy nước thánh để phân phát cho nghĩa quân nhằm củng cố tinh thần cho họ! Hình thức đấu tranh này của nữ chúa rừng xanh Ka Nhỗi mang màu sắc thần bí giống như phong trào “nước xu đỏ” ở vùng núi Phú Yên nhũng năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước.

Ở đầu nguồn nước này là căn cứ địa của nghĩa quân Ka Nhỗi
Ở đầu nguồn nước này là căn cứ địa của nghĩa quân Ka Nhỗi


Người phụ nữ bạch tạng

Bà Ka Nhỗi còn có tên gọi khác là Ka Hoài, gốc người Cơho, được sinh ra ở thôn Đồng Đò, xã Đinh Lạc (nay là xã Tân Nghĩa), huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Bà Ka Nhỗi sinh khoảng năm 1912 - 1914, bởi nước da trắng và mái tóc trắng (bạch tạng) nên người trong vùng gọi bà là Mọ Cộ, có nghĩa là “bà trắng”.

Di Linh (Lâm Đồng) nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong những năm 30 của thế kỷ trước bị người Pháp khai khẩn đất đai rất mạnh mẽ. Cùng với việc mở đường giao thông, người Pháp cũng đã tăng cường tích tụ ruộng đất để lập nên những đồn điền dồn vào tay giới chủ Pháp. Bên cạnh đó, nhiều đồn bốt cũng đã được lập nên với sự lộng hành của quân lính Pháp và cả quân lính người Việt, và cả đội quân thuộc quyền người dân tộc thiểu số được Pháp tuyển mộ. Đồng thời, nhiều hình thức áp bức xã hội khác cũng được người Pháp tăng cường ở khắp vùng Tây Nguyên nên mâu thuẫn giữa đội quân “Pháp trị” với đồng bào thiểu số Tây Nguyên ngày càng trở nên gay gắt. Trước những mâu thuẫn ấy, đồng thời noi gương Ama Trang Lơng (tên gọi khác của N’Trang Lơng) và các tiền bối người Tây Nguyên khác như Ama Keng, Ma Bơi, Ama Lai… và đặc biệt là Săm Brăm trước đó, tại vùng Đồng Đò (Di Linh, Lâm Đồng), nữ thủ lĩnh Ka Nhỗi đã đứng lên dấy nghĩa, hiệu triệu gọi mọi người đánh Tây.

Trong cuốn “Vấn đề dân  tộc ở Lâm Đồng” do GS Mạc Đường chủ biên và Sở VHTT Lâm Đồng xuất bản năm 1983 có viết: “Với nội dung là đoàn kết, đấu tranh chống ngoại xâm, phong trào Mọ Cộ ở Lâm Đồng lúc bấy giờ đã tập hợp được 10.000 đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia chống Pháp… Cùng với sự chuẩn bị về tài chính, vũ khí, họ cũng đã bắt đầu chú ý về mặt tổ chức. Phong trào có tính chất tự quản đối với bộ máy của bọn thực dân trong vùng đồng bào dân tộc ít người…”. Hiện có quá ít thông tin lịch sử về người đàn bà “da trắng tóc trắng” Ka Nhỗi này nên chúng tôi đã phải huy động khá nhiều tư liệu điền dã của cá nhân để góp phần làm sáng tỏ tính chất của cuộc kháng chiến chống Pháp có tên là Mọ Cộ ở cao nguyên Djring những năm cuối 30 của thế kỷ trước. Về tên gọi của phong trào, theo xác nhận của ông K’Sen (một trong những cận thần của bà Ka Nhỗi), thì “Mọ Cộ” là chính xác - bởi bà Ka Nhỗi có da trắng và tóc trắng và thường được gọi là “bà trắng” (nghĩa là Mọ Cộ), nên phong trào “nước thánh” của bà được gọi tên là “Mọ Cộ”. Tiếp đến, về hình thức đấu tranh, tuy ảnh hưởng bởi phong trào Ama Trang Lơng nhưng Ka Nhỗi chọn thêm cách “phân phát nước thánh” để dễ dàng hơn trong việc chiêu mộ binh sỹ và chế tạo vũ khí để đánh Tây. Cách làm này ít nhiều ảnh hưởng từ một phong trào có tên gọi là “nước xu đỏ” của một thủ lĩnh người Chăm ở tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ có tên là Săm Brăm.

Khởi phát vào năm 1937 (ngay sau khi khởi nghĩa Ama Trang Lơng thất bại), phong trào Mọ Cộ của “bà trắng” Ka Nhỗi (Ka Hoài) với hình thức lấy nước thánh Đa Dơng phân phát đến từng binh sỹ đã có ảnh hưởng đến nhiều vùng ở Tây Nguyên; đặc biệt, phong trào còn lan sang đến tận Campuchia.

Nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ

Cuộc kháng chiến chống Pháp của “bà trắng” Ka Nhỗi ở Nam Tây Nguyên kéo dài khoảng 3 năm, từ 1937 - 1940. Sau báo cáo “Cuộc bạo loạn của người Thượng tại Đồng Nai Thượng” (Đồng Đò, Di Linh - nơi nổ ra phong trào Mọ Cộ - thuộc đất Đồng Nai Thượng ngày trước), quân Pháp đã tổ chức bao vây căn cứ Đồng Đò nhiều ngày đêm liền và toàn bộ ban tham mưu của nghĩa quân Mọ Cộ đã bị bắt. Bà Ka Nhỗi và nhiều người khác (trong đó có cận thần K’Sen) bị Khâm sứ Trung kỳ kết án 20 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Mặc dầu mang tính huyền bí bằng cách phân phát “nước thánh” nhưng phong trào Mọ Cộ có mục đích đặt ra khá rõ ràng là đánh đuổi ngoại bang Pháp xâm lược Tây Nguyên, giành quyền tự do cho Tây Nguyên và Việt Nam. Điều này được thể hiện khá rõ trong “lời sấm” của thủ lĩnh Ka Nhỗi: “Rạp nen an se… Bo Krong… Chau go! Chau lec mu, lec mac, hat mong, dhau yô, choujoh…”, có nghĩa là “Trâu đã giết! Hỡi thần linh, đến uống đi! Đến uống nào! Hãy đến đây tất cả… Hỡi các thần! Hãy giết hết bọn thực dân Pháp xâm lược! Để cho người Thượng, người Chăm, người Việt Nam cùng nhau chung sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc!”. Lời “sấm” này đã được ông K’Sen ghi lại (thông qua anh K’Nhẽo - cháu gọi Ka Nhỗi là dì ruột - viết) trên một mảnh giấy (có lẽ hiện vẫn đang còn lưu giữ tại dòng họ ông K’Sen cận thần Ka Nhỗi). Cũng trong những chuyến điền dã tại làng Đồng Đò và qua nhiều lần trò chuyện với vị cận thần của bà Ka Nhỗi là ông K’Sen, chúng tôi nhận ra phía sau cuộc kháng chiến chống Pháp có tên là Mọ Cộ này có “bóng dáng” của ít nhất một người Kinh; nhưng đến nay, vị trí, vai trò của người Kinh này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Theo lời ông K’Sen thì thỉnh thoảng người Kinh này có đến đại bản doanh của nghĩa quân để hội ý với thủ lĩnh Ka Nhỗi. Người Kinh đó thường xuyên mặc khố và vác xà gạt như người thiểu số mỗi khi đến gặp Ka Nhỗi. Nhưng cuộc hội ý giữa thủ lĩnh Ka Nhỗi với người Kinh mặc khố này thường diễn ra tại đại bản doanh Đồng Đò và chỉ có hai người với nhau mà thôi. Ông K’Sen xác nhận: “Ngay như mình là cận thần đặc biệt của chị Ka Nhỗi (K’Sen là em ruột của Ka Nhỗi) nhưng chỉ được đứng vòng ngoài để canh gác mà thôi!”. Trong một lần điền dã gặp và trao đổi với K’Sen, chúng tôi hỏi ông: “Nếu bây giờ, người Kinh ấy xuất hiện, già có thể nhận ra ông ấy không?”, K’Sen trả lời một cách quả quyết: “Mình nhận ra ngay thôi!”. K’Sen còn nói: “Trước khi chị Ka Nhỗi mất (bà mất năm 65 tuổi, sau khi đi tù về), người Kinh mặc khố ấy cũng đã một lần đến nhà chị Ka Nhỗi để nói chuyện”. Vấn đề được đặt ra: Phong trào kháng Pháp của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên nối tiếp phong trào N’Trang Lơng có tên là Mọ Cộ ấy nổ ra từ 1937 và kết thúc vào khoảng 1940, đây là giai đoạn ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã hình thành các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra trong nhiều năm nay chưa nhận được câu trả lời là người Kinh mặc khố nói trên là người của tổ chức nào?

Vấn đề khác: Nước thánh và lời sấm của Ka Nhỗi! Ngay từ những ngày đầu dấy nghĩa, bà Ka Nhỗi đã chọn hình thức đấu tranh của phong trào là ban phát nước thánh để đổi lấy đồng xu làm mũi tên đồng chống Pháp. Trở lại với lịch sử, giai đoạn này, tại tỉnh Phú Yên đang dấy lên phong trào “nước xu đỏ” do Săm Brăm lãnh đạo và được rất nhiều người dân tộc thiểu số miền Trung và Tây Nguyên hưởng ứng. Săm Brăm là người Chăm, tên thật là Lơ, người làng gọi ông là Ma Chàm; ở suối Ché, nay thuộc xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Trước khi trở thành thủ lĩnh phong trào “nước xu đỏ”, Ma Chàm là một thầy cúng có uy tín trong vùng (Hội Truyền giáo Kon Tum đã viết về Săm Brăm: “Săm Brăm có khả năng làm những điều thần kỳ và nói được mọi thứ tiếng vùng cao”). Cuối năm 1936, Săm Brăm bị lính Pháp vây bắt rồi sau đó (1937) được giao cho Khâm sứ Pleiku (Gia Lai). Phong trào “nước thánh Săm Brăm” chỉ kéo dài một thời gian ngắn sau 1936. Như vậy có thể nói, phong trào “nước xu đỏ” Săm Brăm ở Phú Yên đã kết thúc cùng với sự tan rã của phong trào N’Trang Lơng ở Đắc Nông vào năm 1937 cũng chính là sự khởi đầu cho sự nghiệp dấy nghĩa của nữ chúa rừng xanh Mọ Cộ ở thôn Đồng Đò thuộc vùng rừng núi nằm giữa Phú Yên và Đắc Nông do Ka Nhỗi lãnh đạo. Ở phong trào Mọ Cộ, nữ thủ lĩnh đã rút kinh nghiệm gì từ hai phong trào kháng Pháp trước đó, và liệu có hay không “bàn tay” của các tổ chức xã hội tiên phong lúc bấy giờ (đặc biệt là tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hình thành ở Nam Tây Nguyên những năm đầu 30) tham gia vào phong trào kháng Pháp của “bà trắng”? Câu hỏi này dường như vẫn đang bỏ ngỏ!

Ghi chép: Khắc Dũng