Tuổi trẻ Đà Lạt, một thời sáng chói

03:07, 15/07/2012

Giữa những ngày hòa bình đầu tiên, một sinh khí cách mạng mới tinh khôi, một hào khí chiến thắng hừng hực khí thế lan đến mỗi trái tim người thổi bùng lên bầu nhiệt huyệt tuổi trẻ, hàng vạn những bước chân rầm rập trên đường phố tham gia xây dựng cuộc sống mới. Và từng đoàn hàng trăm, hàng ngàn nam nữ thanh niên giã từ Đà Lạt thân yêu lên đường đến các vùng kinh tế mới.

Những năm1965 - 1966, Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, cùng với sự kiện chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ký “Hiến chương Honolulu” bán cảng Cam Ranh cho Mỹ 99 năm đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh ở các đô thị miền nam. Ở Đà Lạt, lực lượng thanh niên, sinh viên và học sinh đã làm được vai trò ngòi pháo phát động và thu hút hàng chục ngàn người tham gia cuộc đấu tranh chính trị kéo dài từ cuối tháng 3 cho đến tháng 6-1966.

Liệt sĩ TNXP Hồ Dư Lợi (trước khi hi sinh) nhận Bằng khen của Bí thư Tỉnh Đoàn
Liệt sĩ TNXP Hồ Dư Lợi (trước khi hi sinh) nhận Bằng khen của Bí thư Tỉnh Đoàn


Những ngày tháng 9 và 10-1971, lực lượng thanh niên và sinh viên, học sinh Đà Lạt tiếp tục dấy lên phong trào đấu tranh mới chống cuộc bầu cử Tổng thống độc diễn, mất dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu. Qua các cuộc đấu tranh công khai đã sàng lọc nhân tố xây dựng lực lượng bí mật trong nội thành ngày càng mạnh và đưa hàng loạt thanh niên ra rừng tham gia cách mạng. Những cuộc đấu tranh đã nói lên tinh thần xả thân, vai trò xung kích xung phong và lan truyền ý thức chính trị rộng, mạnh trong tuổi trẻ. Vì vậy, đã dẫn đến cuộc nổi dậy làm chủ thành phố từ ngày 1-4-1975 và sáng ngày 2-4-1975 thanh niên đã cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN trên nóc rạp Hòa Bình, lập tức cả thành phố rợp bóng cờ, góp phần giải phóng Đà Lạt – Lâm Đồng.

Giữa những ngày hòa bình đầu tiên, một sinh khí cách mạng mới tinh khôi, một hào khí chiến thắng hừng hực khí thế lan đến mỗi trái tim người thổi bùng lên bầu nhiệt huyệt tuổi trẻ, hàng vạn những bước chân rầm rập trên đường phố tham gia xây dựng cuộc sống mới. Và từng đoàn hàng trăm, hàng ngàn nam nữ thanh niên giã từ Đà Lạt thân yêu lên đường đến các vùng kinh tế mới, các công trình thủy lợi, các nông - lâm trường… Rộn ràng những lời ca “Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc đang cần” và “ Như những cánh chim bay khắp bốn phương trời”. Lời hát theo tuổi trẻ suốt dọc đường hành quân và trên các công trường lao động.

Ngày 12/6/1976, tại thao trường Đà Lạt, tiểu đoàn thanh niên xung kích (TNXK) đầu tiên xuất quân trong tiếng kèn đồng rền vang bài hát “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”. 300 nam nữ thanh niên trong đồng phục áo đen, bảng tên trắng, dưới cờ Đoàn tiến về vùng núi R’Chai khai hoang mở đất cho vùng kinh tế mới xã Tân Hội (Đức Trọng) bây giờ. Tôi nhớ mãi hình ảnh bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm xử lý những khó khăn khi đi chuẩn bị địa bàn của người đội trưởng đội tiền trạm Nguyễn Tuân và chính trị viên tiểu đoàn Bùi Thanh Long mới 20 tuổi đầu đã thuyết phục 300 thanh niên đủ thành phần trong xã hội, chưa từng quen lao động, vui vẻ chấp nhận cuộc sống quân sự hóa, xa nhà, ngủ lán trại, làm việc gian khổ nơi núi rừng. Hình ảnh tiểu đoàn trưởng Lê Nam Sơn cũng còn rất trẻ, sung sức, xông xáo chỉ huy cả tiểu đoàn lao động hàng ngày đạt năng suất và đêm đêm cầm súng canh gác, đánh trả bọn Fulro đột nhập quấy rối.

Từ kinh nghiệm tổ chức và chỉ huy của tiểu đoàn TNXK đầu tiên ở núi R’Chai, Thành Đoàn lại thành lập hàng chục những đơn vị TNXK khác từ xã, phường đến các trường học (vào mùa hè) tham gia đi xây dựng nhiều vùng kinh tế mới và các nông, lâm, công trường theo yêu cầu của tỉnh và thành phố. Thời gian hoạt động của TNXK mỗi đợt từ một tháng đến hai tháng, có lúc một đơn vị TNXK lên đến trên 1.000 đội viên lao động ở các nông trường chè và các công trình thủy lợi.

Đầu năm 1977, tỉnh chủ trương cho Đoàn đưa lao động trẻ đến sản xuất ở nông trường Hà Giang, Thành Đoàn Đà Lạt với kinh nghiệm tổ chức TNXK và sẵn lực lượng đã quen chỉ huy từ cấp tiểu đội đến cấp liên đội, đã vận động thanh niên đăng ký tham gia TNXP Hà Giang với thời hạn 2 năm. Chỉ trong vòng nửa tháng đã có 180 người tình nguyện được tổ chức thành một liên đội có 2 đại đội do đoàn viên Võ Thanh Tú làm bí thư kiêm chính trị viên liên đội, Nguyễn Văn Hoàn làm liên đội trưởng và Nguyễn Tuân làm liên đội phó. Do yêu cầu công việc, liên đội phải ra quân đúng ngày đưa ông Táo về trời và Tết năm đó cả Thành Đoàn kéo nhau về Hà Giang ăn Tết với anh em. Vùng Đạ Tẻh ngày nay đã in đậm dấu chân và mồ hôi của TNXP Đà Lạt mà năm nào Huyện ủy, UBND huyện Đạ Tẻh cũng tổ chức kỷ niệm và mời TNXP một thời về thăm, gặp mặt trong không khí ấm tình đồng đội… Bí thư Huyện ủy Đỗ Phú Quới ngày nay, nguyên là chính trị viên của một trung đội TNXP ở Hà Giang năm nào. Vợ anh cũng là một đội viên TNXP dưới quyền chỉ huy của anh, mối tình đã gắn chặt với đất Hà Giang nên họ đã ở lại lập nghiệp và thành đạt nơi này.

Tà In năm ấy còn hoang sơ với những rừng cây dầu và đất hoang bạt ngàn, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Thành ủy và UBND thành phố giao cho Thành Đoàn thành lập một đơn vị TNXP mới để đi đầu khai hoang chuẩn bị đón dân Đà Lạt xuống lập nghiệp. Phong trào XP – XK lên cao nên chỉ một thời gian ngắn đã có 550 thanh niên đăng ký lên đường, được biên chế thành liên đội với 5 đại đội. Thành Đoàn đã quyết định điều động Võ Thanh Tú từ Hà Giang về làm chính trị viên liên đội, Ngô Thị Minh Nguyệt - chính trị viên phó, điều động Nguyễn Tuân liên đội phó Hà Giang  về làm liên đội trưởng Tà In, Đặng Văn Thôi và Võ Thời làm liên đội phó. Vì đây là một đơn vị lớn làm nhiệm vụ chính trị do thành phố trực tiếp giao nên Thành Đoàn đã điều những cán bộ có nhiều kinh nghiệm chỉ huy từ liên đội Hà Giang về xây dựng bộ khung từ cấp liên đội đến các đại đội ở Tà In. Những năm 1976 – 1977 trở đi lực lượng Fulro bắt đầu hoạt động mạnh trở lại, khắp tỉnh nơi nào cũng có những vụ đột kích giết người, cướp lương thực, quấy phá, nên hầu hết các đơn vị TNXP đều được trang bị vũ khí để tự bảo vệ và phối hợp với các đơn vị bộ đội tham gia truy quét Fulro. Tà In là vùng mà Fulro hoạt động khá mạnh nên lực lượng TNXP thành lập trung đội vũ trang do Võ Thời trực tiếp chỉ huy. Thành Đội cũng điều một tiểu đội mạnh xuống đứng chân hỗ trợ.

Trước giờ lên đường
Trước giờ lên đường


Ngày 17-10-1977, liên đội làm lễ xuất quân hùng tráng tại giảng đường trường Nguyễn Du. Cùng lúc đó một tiểu đội được phân công đi nhận vũ khí đã bị tai nạn nổ kho đạn làm 4 đồng chí hy sinh được công nhận liệt sĩ, 2 đồng chí bị thương được công nhận thương binh. Chính trị viên Võ Thanh Tú cũng bị thương nặng nên Thành Đoàn quyết định điều Đinh Cẩn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn làm chính trị viên thay Võ Thanh Tú.  

Tháng 8- 1978, Đà Lạt tiếp tục thành lập tiếp liên đội TNXP đi khai hoang ở Tà Nung lấy tên là liên đội Paven – Tây Đà với 250 quân biên chế trong 2 đại đội, do Nguyễn Văn Đậu làm chính trị viên, Võ Thanh Tùng liên đội trưởng, Thái Ngô Bính và Dương Ngọc Đức làm liên đội phó. Trước đó, vào tháng 11-1977, Tỉnh Đoàn thành lập đoàn TNXP Lâm Đồng bao gồm lực lượng của Đà Lạt, một số huyện và liên đội Santamaria thời hạn công tác 3 năm.

Năm 1986, Thành Đoàn tiếp tục huy động thêm 400 quân chia một nửa bổ sung cho Nông trường cà phê Tà Nung và một nửa xuống Di Linh xây dựng Nông trường cà phê 3 tháng 2 trực thuộc Tỉnh Đoàn, biên chế trong 2 đại đội do Trần Duy Việt làm giám đốc kiêm chỉ huy trưởng liên đội, Nguyễn Tuân và Hoàng Công Bá làm phó giám đốc.

Song song với việc tổ chức chỉ đạo các đơn vị TNXP đi lao động sản xuất và chiến đấu ở khắp các nông, lâm, công trường và các vùng kinh tế mới thì bên cạnh đó các đơn vị TNXK với thời gian lao động từ một đến hai tháng vẫn liên tục ra quân trên nhiều địa bàn của tỉnh. Hai mô hình này hỗ trợ nhau trong lao động và cả trong xây dựng tổ chức. Trong đó mỗi mùa hè, lực lượng học sinh cấp 3 tham gia phong trào xung kích được xem như một học kỳ 3 của Đoàn. Toàn thành phố vào năm 1975 thống kê có 15.000 thanh niên thì năm 1978 đã có 16.000 lượt thanh niên tham gia phong trào TNXP, TNXK. Lực lượng này bao gồm cả thanh niên là sinh viên – học sinh, lao động thành thị, một số tu sĩ, con em gia đình cách mạng, con em nhà giàu, nhà nghèo, binh lính sĩ quan chế độ cũ và cả những người một thời lầm lỡ cũng hăng hái xung phong lên đường. Mọi người sống với nhau bình đẳng, đoàn kết, chan hòa trong tình yêu thương đồng đội và để lại cho nhau những kỷ niệm đẹp nhớ mãi.

Với khẩu hiệu “Thế hệ trước đã không hề tiếc máu, thế hệ sau sao dám tiếc mồ hôi”,  TNXP Đà Lạt – Lâm Đồng một thời đã hăng say vượt qua rất nhiều gian khó góp phần đáng kể vào công cuộc  xây dựng địa phương trong những năm đầu đất nước thống nhất còn lắm khó khăn, thiếu thốn. Những dấu chân họ đi qua đã để lại cho ngày nay những đồi trà xanh mát, những con mương thủy lợi dẫn nước về tưới cho hàng trăm ha và hầu hết những vùng kinh tế mới trù phú trong tỉnh. Và với khẩu hiệu “Được người, được việc, được tổ chức” qua lao động, chiến đấu đã xuất hiện những tấm gương điển hình được truyền mãi cho đến tận bây giờ. Hàng ngàn thanh niên được kết nạp đoàn, nhiều trường hợp phải dựng cờ trên cán cuốc làm lễ kết nạp ngay trên hiện trường lao động với không khí đầy xúc động. Hàng trăm thanh niên xung phong được Đoàn cử đi học và giới thiệu vào các cơ quan nhà nước; tổ chức đoàn các xã phường, trường học được bổ sung lực lượng. Ngày nay đã có nhiều cựu TNXP thành đạt giữ những cương vị quan trọng trong xã hội… Thế nhưng, bên cạnh đó cũng còn nhiều lắm những cựu đội viên có đời sống khó khăn, vất vả. Nhiều người ốm đau bệnh tật do những gian khổ, thiếu thốn hoặc tai nạn trong những năm tháng tham gia TNXP; thậm chí có người còn chưa có nhà ở! Chúng ta hy vọng sẽ có những chính sách thỏa đáng của Nhà nước và sự chia sẻ của xã hội để niềm tự hào được trọn vẹn cho những người đã một thời dám dấn thân vào nơi gian khổ nhất.

NGUYỄN TRỌNG HOÀNG