Khoa học khảo cổ trong những năm qua đã phần nào vén dần bức màn bí mật của cổ dân Nam Tây Nguyên thông qua các hoạt động khảo cổ trải dài trên một vùng rừng núi từ cao nguyên Langbian (Đà Lạt) đến Cát Tiên thánh địa – vùng đất cực nam tỉnh Lâm Đồng...
[links()]Khoa học khảo cổ trong những năm qua đã phần nào vén dần bức màn bí mật của cổ dân Nam Tây Nguyên thông qua các hoạt động khảo cổ trải dài trên một vùng rừng núi từ cao nguyên Langbian (Đà Lạt) đến Cát Tiên thánh địa – vùng đất cực nam tỉnh Lâm Đồng. Nếu dòng chảy văn hóa của các cổ dân Nam Tây Nguyên từ cao nguyên Langbian đến vùng tương đối thấp là Di Linh và Bảo Lộc có nét tương đồng khá rõ thì bắt đầu từ Cát Tiên – vùng đất tiếp giáp với các dòng văn hóa Chăm – Chân Lạp – Khơme, dường như đã có một “cát cứ” văn hóa tương đối định hình và không trộn lẫn trong dòng văn hóa chung của Nam Tây Nguyên.
Ngẫu tượng linga tại Cát Tiên |
Thánh địa Cát Tiên thuộc địa phận huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng ngày nay), nằm trải dài bên tả ngạn sông Đồng Nai, được phát hiện vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước bởi hai nhà khoa học trẻ tuổi của Bảo tàng Lâm Đồng. Đó là một đô thị tôn giáo bị chôn vùi trong lòng đất từ hàng nghìn năm nay gây bất ngờ lớn cho các nhà khoa học bởi những hiện vật tìm thấy được qua những lần khai quật khảo cổ. Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên của Lâm Đồng đã được Bộ VHTT công nhận là di tích văn hóa – lịch sử - nghệ thuật vào năm 1997.
Di tích nói lên nhiều điều
Nói cách khác, đến khi phát hiện ra khu thánh địa Cát Tiên thì sự độc đáo về sáng tạo văn hóa của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên đã thực sự thuyết phục các nhà khoa học bằng những ghi nhận khoa học. Và đây là sự ghi nhận ấy của các nhà khoa học: Tại khu thánh địa này, các nghệ nhân cổ xưa của cư dân bản địa Lâm Đồng đã thể hiện tài năng của mình một cách hết sức điêu luyện thông qua các công trình thuộc các lĩnh vực tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, lịch sử… bằng các hiện vật để lại như hình ảnh cầm thú, vũ nữ, thiên tiên, đền tháp… Và, trước hết, cần nhắc đến chiếc thạch ấn đặc biệt được tìm thấy ở thánh địa Cát Tiên. Theo mô tả tại hiện trường, chiếc “thạch ấn” được phát hiện trong di chỉ khảo cổ học Cát Tiên có dạng hình tròn dẹt, dày từ 2cm – 3cm, đường kính 11cm, phía trên có tay cầm quai tròn. Điều đặc biệt là mặt dưới của “con dấu” bằng đá này có khắc những hình thù, đường nét rất lạ mà các nhà khoa học hiện đang đặt câu hỏi rằng đó có phải là cổ tự của cư dân chủ nhân di tích Cát Tiên hay không. Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Đây có phải là “con triện” của “vương quốc” cư dân bản địa Cát Tiên? Và, thạch ấn này có liên quan gì đến hình ảnh mukha trên một chiếc linga?
Cùng với một chiếc “thạch ấn” trong dòng chảy văn hóa cổ thời đồ đá được tìm thấy tại đây, vấn đề đáng quan tâm là có thể “nhìn” dòng chảy văn hóa Nam Tây Nguyên được “định hình” ở thánh địa Cát Tiên từ góc nhìn tôn giáo, kiến trúc… của các nhà khoa học: Có thể nói, công trình kiến trúc tôn giáo của khu thánh địa Cát Tiên không chỉ là di tích thể hiện đời sống tâm linh của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên mà còn là dấu ấn quan trọng thể hiện trình độ phát triển xã hội của cộng đồng cư dân bản địa trên các phương diện nghệ thuật, đời sống văn hóa và kinh tế. Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên là một loại hình kiến trúc tôn giáo cổ có những đặc trưng khác biệt so với các loại hình kiến trúc thông thường. Ở điểm khai quật DT gò 6A, các nhà khảo cổ và kiến trúc đã tìm thấy một đền thờ khá hoàn chỉnh với lối kiến trúc rất đặc trưng “Cát Tiên”. Ông Lương Nguyên Minh – Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Cát Tiên – cho biết: “Nét đặc thù ở đền thờ này được thể hiện ở kiến trúc vuông bẻ góc nhiều lần trước mặt phía đông, và tiền điện được xây theo hình bán nguyệt. Còn ở gò số 7, người ta lại phát hiện ra một đền thờ được xây theo dạng hình vuông, nằm cân đối theo trục bắc – nam, và hoàn toàn không có dấu vết bậc cấp và dấu vết cửa. Điều đáng quan tâm: Cũng tại đền thờ này, lần đầu tiên một “máng nước thiêng” trong di tích Cát Tiên đã được phát hiện; và cùng với máng nước thiêng ấy là hệ thống dẫn nước chạy dọc theo hướng đông – tây có chức năng phân phối nước thiêng đến các đền tháp trong khu vực.
Lý giải của các nhà khoa học
Nhìn nhận thánh địa Cát Tiên, giáo sư Đào Duy Anh đã chỉ ra mối quan hệ giữa chủ nhân khu thánh địa với tiểu vương quốc Mạ (một trong những tộc người thiểu số của Lâm Đồng hiện tại) qua cuốn sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” như sau: “Còn khối Sơ Ma (Stiêng và Mạ) thì từ xưa họ đã là một nước nhỏ chiếm ở miền rừng núi giữa Bình Thuận là đất Chiêm Thành và Biên Hòa là đất Chân Lạp. Sau khi chúa Nguyễn chiếm hết đất Chiêm Thành và bắt đầu chiếm đất Biên Hòa, Gia Định của Chân Lạp thì nước Sơ Ma không thể tồn tại độc lập được nữa ở ngay trên đường của người Việt Nam từ Khánh Hòa, Bình Thuận vào Biên Hòa, Gia Định. Thế là nước ấy suy tàn và các bộ lạc phải tản cư lên miền tây Bình Thuận và miền đông nước Cao Miên” (Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 212). Tuy sự tồn tại của vương quốc Mạ trong lịch sử là hạn hữu (hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới với điển hình là sự tàn lụi của nền văn hóa Crét – Myxen Hy Lạp cổ đại) nhưng nhiều thành tố văn hóa quan trọng của cư dân bản địa Mạ lưu dấu trong lịch sử vẫn bền vững qua thời gian và không gian với nhiều biểu hiện qua các lễ hội, phong tục, tập quán…
Di tích Cát Tiên ngày càng thu hút du khách |
Ngay từ những ngày đầu khai quật, tại di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, các nhà khoa học đã tìm thấy tại đây những ngẫu tượng linga – yoni và tượng thần Siva cùng với kiến trúc đền tháp mang nhiều ý nghĩa về tôn giáo. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chủ nhân thực sự của vùng đất cổ này vẫn đang còn là vấn đề tranh luận. Nhà báo – nhà khảo cổ học Đinh Thị Nga cho rằng: “Từ xa xưa, Cát Tiên đã có một cơ tầng văn hóa đủ sức hội nhập với nền văn hóa mới, tạo ra sự tiếp nối liên tục với sự ứng xử đặc biệt khi văn hóa Ấn Độ hội nhập vào vùng biển Đông. Toàn bộ kiến trúc các ngôi đền tại Cát Tiên được xây dựng theo chuẩn tắc Bàlamôn giáo (Ấn Độ giáo kết hợp với Phật giáo): Bình độ hình vuông, giật cấp nhiều lần cùng với những cửa tháp, thanh đá ốp cửa, trụ bệ, mi cửa, những ngẫu tượng linga, yoni, tượng Ganesa… Chuẩn tắc đó được thực hiện bởi những bàn tay và khối óc tài hoa của các nhà kiến trúc tôn giáo nhiều thế hệ. 20 ngôi đền tháp và đền mộ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện với nhau trong kiểu dáng, vươn trong không gian một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ…”. Xin mở ngoặc nói thêm: Bà Đinh Thị Nga là một nhà báo hiện đã về hưu và cũng là một nhà khảo cổ học gắn liền với di tích Cát Tiên. Bà là một trong hai người đầu tiên phát hiện di tích Cát Tiên vào năm 1986. Lúc đó, bà công tác tại Bảo tàng Lâm Đồng với cương vị là một nhà khảo cổ học. Trong một chuyến công tác, bà Đinh Thị Nga cùng một cán bộ khác cùng cơ quan đã tình cờ đào được một vài hiện vật “cổ” tại vùng đất Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng. Từ hiện vật đó, di tích khảo cổ học Cát Tiên dần hé lộ và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới.
Chỉ dưới góc nhìn từ Cát Tiên mà thôi thì vấn đề văn hóa cổ dân Nam Tây Nguyên đã có quá nhiều điều để đáng nói, đáng bàn. Một điều đáng quan tâm khác: Cổ dân Nam Tây Nguyên trong lịch sử không hề sống tách biệt với thế giới bên ngoài mà ngược lại, từ những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, nhóm dân này có quan hệ với các cộng đồng dân cư lân cận ở phía biển và cả phía núi từ rất sớm.
Khắc Dũng