(LĐ online) - Không chỉ phát triển riêng với “nội tại” của nền văn hóa của chính mình mà theo quy luật, cư dân bản địa Nam Tây Nguyên trong lịch sử cũng đã có sự hào phóng “mở cửa” tiếp nhận không ít dòng văn hóa từ bên ngoài tràn vào như những luồng gió không thể cưỡng được.
[links()](LĐ online) - Không chỉ phát triển riêng với “nội tại” của nền văn hóa của chính mình mà theo quy luật, cư dân bản địa Nam Tây Nguyên trong lịch sử cũng đã có sự hào phóng “mở cửa” tiếp nhận không ít dòng văn hóa từ bên ngoài tràn vào như những luồng gió không thể cưỡng được. Tuy nhiên, không phải cổ dân vùng đất này tỏ ra dễ dãi trong việc đón nhận những dòng chảy văn hóa từ ngoài du nhập vào mà xem ra là ngược lại, họ đã tỏ rõ sự khắt khe trong vùng “giao thoa” giữa văn hóa nội địa với văn hóa ngoại lai để sản sinh ra những xu hướng văn hóa hoàn toàn mới.
Nhận xét trên được các nhà khoa học nêu lên tại hai cuộc hội thảo khoa học tổ chức trong vài năm qua tại thánh địa Cát Tiên (thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).
Tượng thần Siva… mới
Một trong những dòng văn hóa xâm nhập vào Nam Tây Nguyên khá sớm là dòng văn hóa Ấn từ biển Đông thông qua người Chăm để đi lên phía rừng. Cũng ngay tại thánh địa Cát Tiên, sự giao lưu văn hóa này để sản sinh ra một dòng văn hóa mới đã được các nhà khoa học ghi nhận và gọi đó là “sự đóng băng trên biển”.
Cũng theo nhà khảo cổ học Đinh Thị Nga (người mà chúng tôi đã nhắc đến ở bài trước) thì một trong những điều làm nên sự bí ẩn và kỳ vĩ của thánh địa Cát Tiên chính là tượng thần Siva được tìm thấy qua 8 lần khai quật tại đây. Theo quan niệm của nhiều cổ dân trên thế giới, trong đó không loại trừ cổ dân Nam Tây Nguyên, thì thần Siva được tôn thờ với nhiều hình mẫu khác nhau; nhưng trước hết, đó là một trong ba vị thần tối cao có nhiệm vụ trấn giữ đền tháp và giúp người đứng đầu cộng đồng cai quản chúng sinh. Ở nhiều di chỉ khảo cổ học trên thế giới, hình ảnh tượng thần Siva được tìm thấy nhiều nhất là hình ảnh thiếu nữ có nhiều cánh tay trong tư thế đứng múa; phổ biến là tượng 8 tay và 6 tay. Tuy nhiên, tại di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, trong lần khai quật mới đây nhất, các nhà khảo cổ học lại tìm thấy bức phù điêu có tượng thần Siva với hình ảnh một phụ nữ ngực trần, hai tay cầm một lá sen và bông sen. “Thần Siva trên đường du nhập từ biển Đông vào Việt Nam và lên đến Nam Tây Nguyên đã được đơn giản hóa và mang ý nghĩa “hòa bình” nhiều hơn!” – nhận xét của một nhà khoa học có uy tín. Theo đó, thay vì có những 8 hoặc 6 tay, trên tay cầm những vật như đinh ba, dao găm, chén dầu lửa… thì thần Siva khi “đến” thánh địa Cát Tiên chỉ còn hai tay và cầm lá sen và bông sen – biểu tượng của hòa bình và no ấm.
Nhìn rộng hơn, theo các nhà khoa học, văn hóa Ấn giáo đã đi từ biển Đông vào Việt Nam, ảnh hưởng khá rõ ở văn hóa Chăm, sau đó tiếp tục gây ảnh hưởng lên đến Tây Nguyên (hiện ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều di tích của văn hóa Ấn mang dáng dấp Chăm), trong đó có Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng. Tuy nhiên, khi đến được vùng đất này, nền văn hóa ấy đã được “bản địa hóa” bởi chính nền văn hóa của cư dân bản địa mà tượng thần Siva nói trên là một minh chứng.
Mẹ con người Cơho – tộc người bản địa Nam Tây Nguyên |
Nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa
Cùng với “chuẩn” văn hóa cự thạch và sự định hình của nền văn hóa cổ của cư dân Cát Tiên, trên vùng đất Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – còn là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa bản địa và cả ngoại lai khác trong quá khứ chảy dài đến hiện tại. Lịch sử tộc người chỉ ra rằng, Nam Tây Nguyên là vùng đất của cổ dân thiểu số bản địa thuộc ngữ hệ Môn Khơme như người Mạ, người Cơho… Tiếp đến, trong chiến tranh Chăm – Việt, một bộ phận người Chăm ở Nam Trung Bộ đã dạt lên vùng đất Nam Tây Nguyên để định cư và lâu dần trở thành các tộc người bản địa với hai tên gọi chính là Churu và Raglai. Lịch sử còn ghi lại: Sau khi giành độc lập từ Trung Quốc ở thế kỷ 10, người Việt đã xây dựng một quốc gia có chủ quyền lấy tên là Đại Việt và bắt đầu tiến hành các cuộc chiến với vương quốc Chămpa của người Chăm ở phía nam và tiếp đó là với người Chân Lạp liền kế Chămpa. Kết cục là do thất bại trước Đại Việt, hầu hết lãnh thổ của Chămpa và Chân Lạp đã được sáp nhập vào Đại Việt trong vòng 7 thế kỷ, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 17. Ngày nay, khi nói đến chiến tranh Việt – Chăm và Chân Lạp là nói đến một loạt các cuộc chiến giữa quốc gia Đại Việt ở phía bắc với vương quốc Chiêm Thành và Chân Lạp ở phía nam trong 7 thế kỷ ấy.
Hiện tại, với số dân khoảng 32.000 người, ở Lâm Đồng, người Mạ - một trong những tộc người thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên thuộc ngữ hệ Môn Khơme sống tập trung thành những bon nằm dọc theo sông Đồng Nai. Điểm khác biệt trước tiên và căn bản nhất so với các dân tộc cũng thuộc ngữ hệ Môn Khơme khác ở Lâm Đồng như người Cơho, người Lạch, người Chil… là, trong xã hội người Mạ đã xác lập chế độ phụ hệ khá vững chắc, nhất là trên lĩnh vực hôn nhân. Như trên vừa phân tích, lãnh thổ người Mạ trong lịch sử từng khá ổn định ở một vùng rộng lớn thuộc Nam Tây Nguyên khiến cho không ít tài liệu và nhất là các nhà nghiên cứu khoa học đã gọi đó là “xứ Mạ” hay “vương quốc Mạ”. Cùng với cộng đồng người Mạ (và người Cơho), trong dòng chảy văn hóa bản địa của cổ dân Nam Tây Nguyên còn có sự đóng góp đáng kể của “thành phần” văn hóa của các tộc người thuộc văn hóa Malayô – Pôlinêxia (Mã Lai Đa Đảo) như Churu, Raglai… Ở Lâm Đồng, hai tộc người đại diện cho dòng chảy văn hóa Malayô – Pôlinêxia là Churu và Raglai sống tập trung ở huyện Đơn Dương và một vài nhóm ở huyện Đức Trọng – địa bàn giáp với vùng văn hóa Chăm ở Nam Trung Bộ. Nền văn hóa cổ truyền của hai tộc người tiêu biểu cho nhóm ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo ấy ở Lâm Đồng là nền văn hóa khá phong phú và đa dạng với rất nhiều biểu hiện thông qua các lễ nghi nông nghiệp (nhất là văn hóa lúa nước và nghề làm gốm), tục thờ cúng, sinh hoạt xã hội… “Kho của” văn hóa cổ truyền ấy của người Churu và Raglai còn được thể hiện bằng những sinh hoạt văn hóa như các vũ điệu (đặc biệt là vũ điệu aria và tamja), sinh hoạt cồng chiêng, kho tàng truyện cổ...
Tái hiện văn hóa Việt trong lễ hội Tây Nguyên |
Đến thế kỷ XX, vùng đất Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – thêm một lần có sự biến đổi rất quan trọng về văn hóa khi người Pháp đặt chân lên đây. Kể từ đó, đời sống văn hóa của các cư dân bản địa được bổ sung thêm nhiều chất tố mới, nhất là văn hóa Pháp. Cùng đó, cũng trong giai đoạn này, đời sống văn hóa các cư dân Lâm Đồng (lúc này, người Việt cộng cư đã khá đông) đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới thông qua cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân trong vùng và cả nước. Từ đây, hai yếu tố văn hóa Việt và văn hóa Pháp đã song hành phát triển bên cạnh yếu tố văn hóa của các tộc người bản địa.
Qua những phân tích trên, không có gì phải bàn cãi khi nói rằng Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng là vùng văn hóa đa bản sắc bởi sự hiện diện của khá nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em; trong đó đáng kể nhất là các dòng văn hóa của hai nhóm cư dân bản địa Môn Khơme và Mã Lai Đa Đảo cùng với văn hóa người Việt và yếu tố văn hóa bên ngoài Việt Nam là văn hóa Pháp. Và, qua đó cũng có thể nói, hiểu được những giá trị văn hóa đa bản sắc của Lâm Đồng để phát huy nó trong công cuộc kiến thiết quê hương, đất nước, xây dựng một nền văn hóa mới có tính kế thừa là một việc làm rất cần kíp trong giai đoạn hiện nay.
Khắc Dũng