Núi Voi được chọn làm căn cứ hoạt động bí mật của Thị ủy Đà Lạt trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Đồng thời cũng là căn cứ tiền phương của tỉnh và của khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Căn cứ kháng chiến Núi Voi là một vùng rừng núi liên hoàn trải dài hơn 10 km, có độ cao từ 1.300 m đến 1.750 m so với mực nước biển. Căn cứ nằm về phía Nam thành phố Đà Lạt, thuộc địa phận huyện Đức Trọng.
Căn cứ kháng chiến Núi Voi được ra đời từ năm 1950. Với địa hình phức tạp, hiểm trở rất thuận lợi cho các hoạt động quân sự, làm bàn đạp tấn công địch ở Đà Lạt và khống chế đánh địch ở quốc lộ 20, nên từ rất sớm đã được chọn làm căn cứ hoạt động bí mật của Thị ủy Đà Lạt trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Đồng thời cũng là căn cứ tiền phương của tỉnh và của khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Do đặc điểm địa lí, Lâm Đồng có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị và quân sự đối vùng Nam Tây Nguyên và Nam Đông Dương nên khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Lâm Đồng là một trong những tỉnh bị địch chiếm đóng sớm (1/1946). Thực dân Pháp ra tay đàn áp, bắt phu, bắt lính lập đồn điền, mở rộng nhà máy, công xưởng, xây dựng chỉnh trang đô thị hòng biến Đà Lạt trở thành thủ đô của Đông Dương.
Để đối phó với những âm mưu thủ đoạn của địch, Ban cán sự Cực Nam tiếp tục tăng cường lực lượng lên hoạt động ở Lâm Đồng và quyết định thành lập Thị ủy Đà Lạt, bầu đồng chí Phan Như Thạch làm bí thư đầu tiên. Ngay từ khi thành lập, Núi Voi đã được chọn làm căn cứ hoạt động bí mật của Thị ủy và hoạt động rất tốt, kịp thời liên lạc giữa các tổ chức ở trong và ngoài thị xã. Trong thời kì này ta đã xây dựng và phát triển nhiều cơ sở cách mạng.
Thị xã Đà Lạt đã xây dựng được trên 2.000 cơ sở cách mạng và đưa hàng trăm thanh niên thoát ly ra chiến khu tham gia kháng chiến. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Đà Lạt phát triển mạnh mẽ và đều khắp. Hoạt động quân sự được đẩy mạnh đều khắp trên các địa bàn. Các đội vũ trang tuyên truyền và lực lượng cảm tử không ngừng được đào tạo và huấn luyện tại căn cứ, nhằm đẩy mạnh công tác diệt ác trừ gian, hỗ trợ cho phong trào cách mạng trong quần chúng. Vừa làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, vừa tiến công, tập kích một số vị trí quan trọng của địch. Trừng trị những tên tay sai ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, làm cho địch hoang mang bị động đối phó. Một trong những trận đánh có tiếng vang lớn nhất là trận đánh ngày 11/5/1951 của Đội cảm tử Phan Như Thạch đã tiêu diệt tên Hassz Victor - Phó Thanh tra mật thám miền Nam Đông Dương, phụ trách Tây Nguyên và Đà Lạt. Đây là một trong những sự kiện chính trị nổi bật của quân và dân Lâm Đồng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, để lại dấu ấn rõ nét về lịch sử đấu tranh cách mạng, thể hiện truyền thống yêu quê hương đất nước và không khuất phục trước sức mạnh của kẻ thù để đứng lên khởi nghĩa dành chính quyền về tay nhân dân.
Hiệp định Giơnever được kí kết, kết thúc cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, ồ ạt đưa quân đánh chiếm nước ta và dựng lên chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam.
Trên chiến trường Lâm Đồng, Mỹ đã thẳng tay đàn áp đồng bào, tiến hành dồn dân lập ấp chiến lược, chia rẽ đồng bào Kinh - Thượng. Địch đã cho xây dựng ở đây những công trình có tính chiến lược để phục vụ sự thống trị của chúng như Trường Võ bị quốc gia, Trường Cảnh sát dã chiến…
Trước tình hình đó, cuối năm 1954, Ban cán sự Đảng Cực Nam lại bố trí nhiều cán bộ cách mạng giỏi lên hoạt động trên các địa bàn để móc nối liên lạc, xây dựng cơ sở cách mạng. Và Núi Voi một lần nữa được xây dựng thành căn cứ chiến lược vô cùng quan trọng - là nơi hoạt động, học tập và nuôi dưỡng cán bộ cách mạng của Thị ủy, của tỉnh và của quân khu.
Căn cứ kháng chiến Núi Voi không ngừng phát triển lớn mạnh, ngày càng hoạt động có hiệu quả. Ngoài tổ chức cơ sở đảng còn có nhiều hoạt động của các tổ chức như thanh niên, phụ nữ, các đội công tác Quảng Hiệp, Hiệp Thạnh, Định An… và phong trào học sinh sinh viên phối hợp với các lực lượng quân đội chính qui của Thị ủy, tỉnh và quân khu. Từ đó, ta vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai trong lòng địch.
Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, cán bộ ,đảng viên luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ thế hợp pháp của vùng căn cứ; lãnh đạo nhân dân tích cực tham gia sản xuất để đảm bảo đời sống; xây dựng củng cố cơ sở cũ, phát triển cơ sở mới, mở rộng phong trào ra phía trước; tổ chức đường dây trong và ngoài thông suốt.
Riêng trong quá trình hoạt động và huấn luyện tại căn cứ, mặc dù địch tăng cường càn quét, lùng sục ráo riết, tranh chấp từng vị trí nhằm cắt đứt hệ thống đầu não của ta ở Núi Voi với các tổ chức lực lượng bên ngoài. Thế nhưng mọi hoạt động tổ chức cơ sở Đảng, thông tin liên lạc của ta ở căn cứ Núi Voi không ngừng lớn mạnh, an ninh quân đội được củng cố từ tỉnh đến cơ sở.
Trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1975, trên chiến trường Lâm Đồng vô cùng ác liệt, thế trận giằng co giữa ta và địch. Ta đẩy mạnh hoạt động chính trị vũ trang song song với đánh địch bằng ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang và binh vận). Trong đó, tiêu biểu là một số sự kiện đấu tranh trọng đại của quân dân Lâm Đồng được phát động và chỉ đạo từ căn cứ Núi Voi như: Phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên (1966) tạo tiếng vang lớn thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân yêu nước đứng lên đánh địch với những mốc lớn như các cuộc tổng tiến công năm 1968, chiến dịch TK70…
Học sinh tham quan Khu di tích căn cứ Núi Voi. Ảnh: N.Th |
Ngày 28/3 đến 7/5 năm 1966, quần chúng nhân dân Đà Lạt tổ chức chiến tranh bằng bạo lực chính trị như: biểu tình, mit-ting, rải truyền đơn, thực hiện những “Đêm không ngủ”, đóng cửa các hiệu buôn, đốt phá đài phát thanh… có tiếng vang lớn trong toàn miền Nam. Trong chiến dịch TK năm 1970, ta đã đánh nhiều trận tiêu diệt hơn một nghìn tên địch, đặc biệt trong ngày 30/5/1970 ta đã đánh 23 mục tiêu vào thị xã Đà Lạt, tiêu diệt hơn 300 tên địch…
Còn tại căn cứ Núi Voi, ta cũng đã tiến hành nhiều trận đánh lớn, thu được kết quả thắng lợi, tiêu biểu như: trận đánh tháng1/1972 tại đồi Yên Ngựa ta tổ chức diệt gọn một đại đội 302 cảm tử quân ( thiếu sinh quân ) của địch gồm có 98 tên, thu được 100 khẩu súng các loại. Sau trận đánh này địch tổ chức tấn công vào các khu căn cứ của ta, làm tiêu hao hàng chục tấn bom và pháo hạng nặng của địch. Về phía ta rút quân an toàn không có một tổn thất nào. Sau trận đánh quyết liệt của ta làm địch chùn bước, không dám thường xuyên tổ chức các cuộc lùng sục vào căn cứ của ta như trước nên việc đóng quân của ta được thuận lợi cho đến ngày giải phóng hoàn toàn.
Cũng năm 1972, lực lượng C2 của Tiểu đoàn 810 cùng 2 đội công tác Thị ủy và Quảng Hiệp của ta bị địch phục kích tại Yên Ngựa 2 thuộc căn cứ Núi Voi, một đồng chí bị hi sinh. Ta đã tổ chức đánh trả tiêu diệt 5 tên đẩy lùi một đại đội thuộc Tiểu đoàn 304 của địch ra khỏi trận địa.
Đầu năm 1975, theo sự chỉ đạo chung của Trung ương Cục và Bộ tư lệnh miền Nam phối hợp cùng lực lượng của tỉnh, thị, Quân khu đã đứng lên tổng tiến công giải phóng tỉnh nhà, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Như vậy, Núi Voi là khu căn cứ hoạt động cách mạng vô cùng quan trọng trong 2 cuộc khág chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Căn cứ Núi Voi là nơi tổ chức hoạt động cách mạng, nơi hoạt động của Thị ủy Đà Lạt đồng thời cũng là căn cứ tiền phương của tỉnh và quân khu.
Hiện nay, khu căn cứ Núi Voi cẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích quan trọng như: các hầm chiến đấu, hầm hoạt động bí mật, nơi huấn luyện tân binh của các lực lượng cách mạng đã sống và hoạt động tại đây. Cụ thể như an ninh, quân sự, các đội công tác, các tổ chức thanh niên, phụ nữ… Tuy nhiên các dấu tích không còn nguyên vẹn nhưng vẫn ẩn mình dưới những vóm lá rừng nguyên sinh, cùng với những địa danh bất hủ như: Đồi sân bay, Yên Ngựa, đồi Bà Cả, đồi C1, đồi Ông Danh, dốc Quế, Hố Bèo, Suối Cát… đánh dấu một mốc son lịch sử của quê hương Lâm Đồng.
Đoàn Bích Ngọ