Đến Đà Lạt thăm Biệt điện nhà vua

04:12, 25/12/2013

"Biệt điện nhà vua" là tên gọi một trong những dinh thự đẹp nhất của thành phố Đà Lạt. Sự ra đời, tồn tại của nó gắn liền với một giai đoạn lịch sử và một nhân vật trong lịch sử Việt Nam; đó là Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn.

“Biệt điện nhà vua” là tên gọi một trong những dinh thự đẹp nhất của thành phố Đà Lạt. Sự ra đời, tồn tại của nó gắn liền với một giai đoạn lịch sử và một nhân vật trong lịch sử Việt Nam; đó là Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn ở Việt Nam.
 
 
“Biệt điện nhà vua” là tên gọi mà trước đây người dân Đà Lạt vẫn thường quen dùng khi nhắc tới Dinh Bảo Đại (sau này còn được gọi tắt là Dinh III).
 
Dinh nằm trên một ngọn đồi cao thuộc khu rừng Ái Ân, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 2km về hướng Tây Nam, nay thuộc địa phận phường IV thành phố Đà Lạt.
 
Khu biệt điện được khởi công xây dựng vào năm 1939 và hoàn tất vào năm 1943. Theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một kiến trúc sư cung đình làm việc ở Bộ công của triều đình Huế.
 
Khu biệt điện được xây dựng có vị trí đặc biệt ở hướng Tây Nam thành phố, vừa có ưu thế về chính trị, lại dễ dàng về mặt hành chính và an ninh quốc phòng. Theo ý tưởng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh lúc bấy giờ thì đây phải là “một công trình kiến trúc bề thế, hiện đại, độc đáo (không giống với bất kỳ biệt thự nào trước đó), hài hòa với không gian kiến trúc, tương xứng với vị thế của chủ nhân, kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa kiến trúc Á - Âu, Việt - Pháp, phù hợp với khí hậu nơi đây, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hòa đồng với cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, chim muông và không khí ngát hương của mùa xuân và mùa thu; nội thất tiện nghi, lộng lẫy, sang trọng mà không cầu kỳ, nghiêm cẩn mà ấm cúng”. (1)
 
Tòa nhà gồm có hai tầng mang dáng dấp kiến trúc dinh thự kiểu châu Âu được bố trí trong một khuôn viên thoáng đẹp với sự sắp đặt hài hòa, khéo léo cũng như tạo dáng cho các bồn hoa trong không gian phía trước tiền 
sảnh và sân dạo phía sau đã làm tóat lên vẻ sang trọng uy nghi của một biệt điện - nơi ở của bậc vương giả. Toàn bộ tòa nhà từ ngoài vào trong đều được quét ve màu vàng rất trang nhã. Khi bước vào bên trong thì người ta thật sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự sắp xếp bài trí hài hòa của các phòng ốc, tuy có sự hiện đại, thông thoáng của phương Tây nhưng vẫn giữ được nét không gian thuần Việt. Trang trí trong các phòng cũng khá đơn giản và thoáng đạt nhưng vẫn toát lên sự thanh lịch quyền quí. Mặc dù Bảo Đại và Nam Phương đều được du học ở Pháp từ rất sớm, song văn hóa phương Tây cũng không xóa nhòa được văn hóa gia đình thuần Việt. 
 
Ở đây, khi bước vào tiền sảnh ta bắt gặp bên trái là phòng đợi (khách ngồi chờ tới lượt được tiếp kiến), bên phải sâu vào trong là phòng làm việc của vua. Chính giữa là phòng khách chính có thảm lớn trải dài với bộ ghế nệm sa lon sang trọng, vua ngồi ở vị trí riêng biệt và trang trọng. Ở phòng khách chính còn có cây đàn piano của Nam Phương hoàng hậu (đây có lẽ cũng là thú vui giải trí và cũng là để góp vui khi giao lưu với bạn bè, quan chức người Pháp). Đặc biệt, bên cạnh phòng khách chính còn có “phòng tiếp khách thân mật” nơi dành cho vua và hoàng hậu tiếp những người thân trong hoàng tộc. Phòng này được bố trí sâu vào phía trong, không gian và cách bài trí nhẹ nhàng thanh thoát tạo được cảm giác ấm cúng, gần gũi thân thiết. Ở tầng trệt, ngoài các phòng khách và phòng làm việc còn có phòng yến tiệc, phòng bếp, phòng ăn và một số phòng phụ khác. Tầng lầu của biệt điện cũng giống như hầu hết các dinh thự khác là nơi bố trí phòng ngủ, sinh hoạt riêng của những người trong gia đình. Ở đây mặc dù các phòng bài trí đơn giản, ít vật dụng và không có tranh tường nhưng vị trí và màu sắc của rèm cửa, gối, ga trải giường đã tuân theo sự qui định của hoàng tộc. Phòng của vua và phòng của hoàng hậu, thái tử dùng màu vàng, còn phòng của các công chúa và hoàng tử thì màu xanh. Đặc biệt, ở đây điều gây sự chú ý và ấn tượng cho du khách đó là phòng sinh hoạt gia đình, nó cho người ta cảm nhận được phần nào phong cách của hoàng tộc Việt. Nó được thể hiện qua sự sắp xếp theo chỗ ngồi, thứ bậc được phân định trên dưới rõ ràng: ở giữa ghế trên nhất và to nhất là chỗ của vua và hoàng hậu, tiếp đến là của thái tử, hoàng tử rồi các công chúa, rất trật tự và nề nếp. Theo lời kể của bác Hòa quản gia của vua Bảo Đại tại biệt điện thì thường sau bữa ăn tối các hoàng tử, công chúa đều phải tập trung quây quần tại đây để hàn huyên và nghe vua và hoàng hậu giáo huấn. Điều này cho thấy dù đã từng được giáo dục đào tạo và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng Bảo Đại vẫn rất quan tâm đến việc giáo dục con cái theo phong cách, nề nếp của gia đình hoàng tộc và cũng “rất Việt Nam”.
 
Ở đây ngoài các phòng của chủ nhân còn có phòng của bảo mẫu và cận vệ của vua, phòng đọc sách, giải trí, nguyệt vọng lầu.
 
Dinh III - Biệt điện nhà vua hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tài liệu quí giá về vua Bảo Đại và gia đình. Đặc biệt đây cũng là một dinh thự còn giữ được không gian bài trí nội thất bên trong của một biệt thự cổ ở Đà Lạt. Đồng thời cũng là nơi ở cuối cùng của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trước khi rời khỏi Việt Nam ra sống lưu vong ở nước ngoài. 
 
Với kiểu kiến trúc độc đáo, tinh tế, mang dáng dấp riêng của biệt điện, Dinh III là một trong những dinh thự đẹp nhất của thành phố Đà Lạt. “Biệt điện nhà vua” là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi tới Đà Lạt Lâm Đồng.
 
(1) Theo tác phẩm “Ngôi nhà của cha” của tác giả Nguyễn Trường Thanh - NXB Văn hóa thông tin, năm 2007.
 
Đoàn Bích Ngọ