Đà Lạt là một thành phố "lạ". Bởi, tuy là thành phố ở một đất nước phương Đông miền nhiệt đới nhưng lại mang sắc màu của một đất nước ôn đới phương Tây. Đà Lạt giống Pháp, từ khí hậu, văn hóa đến kiến trúc. Thành phố nhỏ bé này được nhiều người yêu thương, ôm vào lòng nâng niu. Chính bởi lẽ đó, Đà Lạt được đồng bào khắp nơi thương tặng cho cả một kho ảnh khổng lồ...
Đà Lạt là một thành phố “lạ”. Bởi, tuy là thành phố ở một đất nước phương Đông miền nhiệt đới nhưng lại mang sắc màu của một đất nước ôn đới phương Tây. Đà Lạt giống Pháp, từ khí hậu, văn hóa đến kiến trúc. Thành phố nhỏ bé này được nhiều người yêu thương, ôm vào lòng nâng niu. Chính bởi lẽ đó, Đà Lạt được đồng bào khắp nơi thương tặng cho cả một kho ảnh khổng lồ. Ở khía cạnh nào đó, khi hệ thống lại, kho ảnh ấy chính là cuốn biên niên sử mà câu chuyện của Đà Lạt trong đó được kể một cách đa diện, đa sắc và chạm đến “ánh sáng của sự thật”.
Lịch sử, theo nghĩa nôm na là “câu chuyện chúng ta nói về chúng ta”. Lịch sử Đà Lạt qua ảnh còn hơn cả thế, được chép lại chân thực từ ánh mắt đến trái tim qua ống kính máy ảnh.
|
Một góc Đà Lạt xưa nhìn từ trên cao. Ảnh Trần Văn Châu |
Đà Lạt qua không ảnh
Cảnh trí có một không hai của cao nguyên Lâm Viên có lẽ đã gây ra một cảm xúc mạnh cho bất cứ người nào dù chỉ một lần đến với Đà Lạt rồi đi. Đó cũng chính là lý do mà thành phố nhỏ bé này sở hữu một kho ảnh xưa và nay đồ sộ đến vậy. Cố nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Trần Văn Châu có lẽ là người Việt Nam đã có công “chép” và lưu giữ phần lớn những hình ảnh về Đà Lạt vào những năm từ 1940 đến 1970. Hàng trăm bức ảnh “đắt giá” về Đà Lạt xưa của bác Châu hiện đang được phổ biến trên mạng internet và treo trong các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê ở Đà Lạt và nhiều nơi khác trên đến nước.
Sinh tại Hà Nội vào năm 1935. Năm 17 tuổi (1942) khi đang ở độ tuổi bắt đầu biết rung động với cái đẹp, Trần Văn Châu di cư vào Đà Lạt và bắt đầu một tình yêu đến điên cuồng dành cho Đà Lạt từ đấy. Vốn biết chụp ảnh từ khi còn nhỏ nên suốt thời gian sống ở Đà Lạt, tình yêu ông dành cho Đà Lạt đó là những buổi lang thang từ sớm tinh mơ đến tận khuya để góp nhặt tất cả những nét đẹp đời thường, của phong cảnh, kiến trúc vào trong khung ảnh. “Kho” ảnh của ông hiện nay là nguồn tư liệu vô cùng quý và được đánh giá là “nhân chứng sống” của Đà Lạt xưa. Hơn100 bức ảnh xưa, phần nhiều là âm bản đang được người con trai út của ông hiện đang sống ở Mỹ lưu giữ cẩn thận.
“Ba tôi là người yêu cái lạ; thích chụp ảnh dạng phóng sự” - anh Trần Ngọc Dũng, con trai bác Châu kể. Và cái lạ ấy được thể hiện rất rõ trong những bức ảnh của bác Châu. Tôi thì có cảm giác dường như ông mê đắm vẻ đẹp đa chiều của Đà Lạt nên rất thích chụp Đà Lạt từ trên không và những bức ảnh từ trên cao của bác cho thấy cái nhìn đa chiều hơn về Đà Lạt ngày ấy. Bác Châu chính là người Việt Nam đầu tiên chụp ảnh Đà Lạt từ trên máy bay. Bạn bè ông kể rằng, ông nuôi mộng chụp ảnh Đà Lạt từ trên không suốt một thời gian dài. Trước khi điều đó trở thành sự thật vào năm 1960, ông đã thường leo lên tháp chuông của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, lên những ngôi nhà cao tầng hoặc những ngọn cây cao để có thể chụp được những bức ảnh về Đà Lạt toàn cảnh từ trên cao. Ở góc nhìn trên không, kiến trúc, phong cảnh Đà Lạt ngày ấy hiện ra đa diện hơn. Một Đà Lạt hợp lý về đô thị với những điểm nhấn kiến trúc tuyệt đẹp đã được định hình như Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Ga Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà, Khách sạn Palace… với phân khu giáo dục, thương mại, du lịch thắng cảnh, dã ngoại và những ấp làng chuyên trồng rau, hoa ở ngoại ô. Loạt không ảnh về Đà Lạt của bác Châu thời ấy ghi lại tổng thể kiến trúc của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt từ trên cao, khu trung tâm thành phố Đà Lạt… dù đã được scan và phổ biến tràn lan trên internet nhưng cho đến nay vẫn là những bức ảnh hiếm về Đà Lạt xưa và đang gánh trên vai một sứ mệnh cao quý - “nhân chứng lịch sử” đa diện, đa chiều và chân thực nhất về tổng thể kiến trúc đô thị Đà Lạt thời bấy giờ.
Đà Lạt qua sắc ảnh
Cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu không chỉ là một người nổi tiếng ở Đà Lạt mà còn nổi tiếng cả nước. Bên cạnh bức ảnh kinh điển “Dáng mẹ” gắn liền với tên tuổi của ông, những bức ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên Đà Lạt một thời cũng đã mang về cho ông một loạt những giải thưởng cao quý trong và ngoài nước và đến nay, nó có giá trị lịch sử rất cao. Với sở trường về kỹ thuật phân sắc độ ảnh bằng thủ công, bác Mậu còn được giới nhiếp ảnh tặng cho danh hiệu “vua ảnh phân sắc”.
Qua sự biến đổi của thiên nhiên, chớp lấy những khoảnh khắc vàng. Cảnh vật và con người Đà Lạt những năm 50, 60, 70 được cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu ghi lại một cách đa màu, sinh động. Đó là hình ảnh của những chuyến xe ngựa lốc cốc chở khách ngược xuôi trên khu Hòa Bình; hình ảnh của những phụ nữ gánh hàng rong nhưng đằm thắm trong tà áo dài truyền thống Việt Nam; hay những bức ảnh về câu chuyện văn hóa ăn mặc của những thanh niên nam nữ với những bộ đồ tây, áo dài cách tân, khoác hờ những chiếc áo len đan tay; mặt hồ Xuân Hương sớm mai sương bãng lãng…
|
Nét đẹp của phụ nữ Đà Lạt xưa. Ảnh chụp năm 1952 của Đặng Văn Thông |
Nhỏ tuổi hơn hai cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu và Trần Văn Châu nhưng nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông cũng được xem là đồng nghiệp cùng thế hệ với 2 nhà nhiếp ảnh nổi tiếng trên. Khó có thể nói ai hơn ai về nghề nhưng Đặng Văn Thông cũng là người vô cùng đam mê chụp phong cảnh Đà Lạt. Ông hiện cũng đang lưu giữ khoảng 50 tấm ảnh về Đà Lạt xưa. Năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe không còn cho phép ông hằng ngày lang thang để ghi lại những hình ảnh của thành phố Đà Lạt đang từng ngày đổi thay, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp một cụ già dáng người nhỏ nhắn, da đã lên đồi mồi, đi tìm lại những góc ảnh xưa. Ông bảo: “Đà Lạt bây giờ thay đổi rất nhiều so với trước. Chúng ta không thể bắt Đà Lạt đứng yên được trong khi mọi thứ đang vận động. Người đông, xã hội phát triển, nhiều loại hình phương tiện giao thông hiện đại ra đời thì đường sá theo đó cũng phải mở rộng hơn, nhà cửa cũng nhiều hơn là chuyện tất yếu. Nhưng Đà Lạt vẫn còn những góc đẹp, như ở Hồ Xuân Hương hay khu vực đồi thông ở Dinh 2… Hy vọng rằng, trong tương lai thành phố sẽ giữ gìn được những nét đặc trưng và chỉnh trang đường phố, quy hoạch nhà cửa hợp lý hơn để Đà Lạt mãi là Đà Lạt của tất cả mọi người”.
Đà Lạt qua góc nhìn vi tế
MPK, có thể được coi là một trong những nhiếp ảnh gia xứng đáng nối tiếp thế hệ của Trần Văn Châu, Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông… bởi sự đam mê và yêu thương của anh đối với “Cha trời, Mẹ đất Đà Lạt”. Yêu cái đẹp, nên suốt thời gian dài, MPK luôn chỉ tìm kiếm góc nhìn đẹp về Đà Lạt, về cỏ cây, hoa lá và cả con người. Chụp ảnh với MPK có lẽ không chỉ đơn thuần là vì yêu nghệ thuật nhiếp ảnh nữa, mà đó còn là vì tình yêu của anh với thành phố này. MPK đặc biệt ghi dấu ấn đậm nét với người yêu nhiếp ảnh khi chuyển hướng đi vào tìm kiếm những nét đẹp của thế giới vi tế đầy sâu sắc và gai góc. Đà Lạt qua góc nhìn của anh xuất hiện những câu chuyện có được, có mất, có vui, có buồn qua những đổi thay của lịch sử. 30 năm cầm máy, anh đã tổ chức 35 cuộc triển lãm khắp nơi trên đất nước. Những cuộc triển lãm ấy ở mỗi thời điểm, giai đoạn đều xoay quanh câu chuyện của Đà Lạt. Zoom chặt vào từng chi tiết nhỏ bé nhất, MPK đã tạo ra được cái hồn và thần thái riêng của bộ ảnh. Ví dụ như với “Ứa”, là câu chuyện về rừng thông của Đà Lạt. Thiên nhiên đang “khóc” vì sự độc ác của con người đối với môi trường. Hay bộ ảnh mới nhất: “Nhìn từ Langbian và nhìn về Langbian” là câu chuyện kể về sự biến đổi của thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng tác động và kéo theo những nhạt phai về văn hóa con người Đà Lạt. “Thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi vùng đất tạo ra cho con người vùng đó nét văn hóa riêng. Đà Lạt từ ngày xưa cũng là vùng đất hội tụ của đồng bào bốn phương, nhưng nhờ không khí yên bình, nhẹ nhàng, lãng mạn của thiên nhiên mà người ta luôn biết cười với nhau. Nét hiền hòa, lịch lãm rất riêng thể hiện trong ứng xử, ăn mặc hằng ngày của người Đà Lạt đã bị phôi phai cùng với biến thay của thiên nhiên những năm gần đây.” - Theo MPK, đó cũng chính là sự đổi thay lớn nhất của Đà Lạt mà anh nhìn thấy.
|
Đà Lạt những năm 80. Ảnh MPK |
Cùng thế hệ với cố nhiếp ảnh gia Trần Văn Châu, Nguyễn Bá Mậu, nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông hay MPK, là nhiều nhiều nhà nhiếp ảnh khác nữa. Họ cũng đang ôm trong lòng một “kho” tư liệu ảnh về lịch sử, văn hóa và con người của vùng đất này. Xâu chuỗi và hệ thống lại theo dòng chảy của không gian, thời gian… ấy chính sẽ là câu chuyện lịch sử đa diện và vô cùng chân thực về hình ảnh và văn hóa Đà Lạt.
NGUYÊN THI