Đà Lạt năm 1908

03:02, 12/02/2014

Tháng 3 năm 1899, bác sĩ Alexandre Yersin - người có công phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893 tháp tùng Toàn quyền Paul Doumer cưỡi ngựa từ Phan Rang lên cao nguyên Lang Biang để thị sát cao nguyên, dự định thành lập một nơi nghỉ dưỡng (sanatorium) hiện đại nằm trên đoạn đường xe lửa từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến Đà Lạt rồi xuống Quy Nhơn. 

Tháng 3 năm 1899, bác sĩ Alexandre Yersin - người có công phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893 tháp tùng Toàn quyền Paul Doumer cưỡi ngựa từ Phan Rang lên cao nguyên Lang Biang để thị sát cao nguyên, dự định thành lập một nơi nghỉ dưỡng (sanatorium) hiện đại nằm trên đoạn đường xe lửa từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến Đà Lạt rồi xuống Quy Nhơn. 
 
Ngày 1-11-1899, Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) và trên cao nguyên Lang Biang.
 
Năm 1902, Paul Doumer về Pháp. Mặc dầu nhiều phái đoàn tiếp tục lên cao nguyên Lang Biang khảo sát, lập dự án nhưng do đường lên cao nguyên quá khó khăn, thiếu kinh phí, Đà Lạt chưa phát triển trong hơn 10 năm.
 
Năm 1908, P. Duclaux đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Từ Vinh đến Sài Gòn ông đi mất 42 ngày. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt.
 
Sau đây, Báo Lâm Đồng Cuối tuần trân trọng giới thiệu ghi chép “Đà Lạt năm 1908” do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh biên dịch về hành trình của Yersin từ Đá Bàn (nay thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) lên Đà Lạt, xuống Djiring (nay là Di Linh), Gia Bắc (nay thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng).
 
Ngôi mộ Yersin bình dị ở Suối Dầu (Cam Ranh, Khánh Hoà) - Ảnh: TĐ
Ngôi mộ Yersin bình dị ở Suối Dầu (Cam Ranh, Khánh Hoà) - Ảnh: TĐ
 
Đá Bàn, 27 tháng 3
 
Thế là tôi đang ở dưới chân núi, chỉ còn leo lên núi.
 
Ở Đá Bàn, tôi gặp một cánh rừng thưa lớn, một kiểu rừng dưới chân những ngọn núi ngày càng cao bao quanh thung lũng. Đêm dần buông, tôi vừa lòng đã đến nơi, hoàng hôn rất nguy hiểm trong xứ sở đầy cọp này. Ngựa và những người phục vụ đã đến đây trước tôi một giờ. Nhà khách là một kiểu nhà sàn ẩn mình dưới tán cây to đại úy pháo binh Troadec dùng để dựng trại khi khảo sát đường bộ. Từ 10 năm qua, nhiều phái đoàn tiếp tục khảo sát vùng đất này nhưng kế hoạch bị bỏ quên trong tủ hồ sơ.
 
Troadec về nhà sau một ngày làm việc, chúng tôi làm quen với nhau. Trong vùng đất hoang vu này, sự giao tiếp thật đơn giản. Sau khi tôi tắm xong, một bữa ăn đơn sơ được dọn ra. Chúng tôi trò chuyện rất lâu về vùng đất này và nhiều chuyện khác. Tình cờ cả hai chúng tôi cùng đọc những tác phẩm vừa mới xuất bản, chẳng hạn quyển Con rắn đen của Paul Adam và giây phút đàm luận văn chương trong túp lều gỗ ở một vùng hoang dã, dưới ánh sáng lờ mờ, giữa tiếng ngựa hoảng sợ thật là huyền diệu. Chúng tôi đi ngủ, giường ngủ chỉ là một tấm ván cưa thô sơ, đồ đạc duy nhất trong trạm, nhưng chúng tôi ngủ rất ngon, không cần mùng.
 
Tuy nhiên, đêm tối thường bị tiếng cọp gầm trong khu vực những người phục vụ và chuồng ngựa khuấy động. Lửa được đốt suốt đêm để đuổi cọp vì vùng đất này cũng như cả Nam Trung Kỳ có rất nhiều cọp. Vừa qua, ở Cù Mông, gần Quy Nhơn, tôi không thể nào bảo những người phục vụ ở trong vòng rào cao đi cắt cỏ ngựa vì đêm xuống, tôi chỉ cho ngựa ăn một ít mía.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn (ảnh do Yersin chụp vào những năm đầu thế kỷ XX)
Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn (ảnh do Yersin chụp vào những năm đầu thế kỷ XX)
 
Đà Lạt, 28 tháng 3
 
Đường đi gần 50 ki-lô-mét rất vất vả để đến được độ cao 1.500 mét. Thông thường hành trình gồm hai chặng, với những con ngựa tốt tôi chỉ thực hiện dễ dàng trong một ngày. Chúng tôi khởi hành từ sáng sớm sau khi uống cà phê và ăn cơm buổi sáng. Qua khỏi khu rừng thưa ở Đá Bàn, đường mòn ngoằn ngoèo leo lên khu rừng già hiểm trở. Ngựa chúng tôi tìm thấy lại những con đường mòn vùng Mường hay Mán chúng đã sinh ra vì ngựa chúng tôi đến từ vùng thượng du.
 
Đoàn người kiên nhẫn leo lên núi. Con đường mòn uốn lượn giữa những thân cây và tảng đá. Thỉnh thoảng từ một khoảng trống nhỏ chúng tôi nhìn thấy khu rừng phía dưới đoàn người vừa mới chậm chạp đi ra, và xa xa những dãy núi màu xanh hòa lẫn với màu xanh của biển cả không nhìn thấy được. Từ mười năm qua, đoàn người khuân vác đã tiếp tục đi trên con đường tiếp tế này, đi trên những chiếc cầu nhỏ và ngang qua những doanh trại bỏ hoang. Đoàn người không ngừng leo núi trong gần bốn giờ đến độ cao khoảng 1.000 mét, rừng cây thưa dần, thông xanh xuất hiện, chân trời quang đãng lộ ra. Những dãy núi tầng tầng lớp lớp trải dài đến vô tận.
 
Cuối cùng, đoàn người thình lình đến bờ cao nguyên. Con đường dẫn xuống một dòng sông vài nơi rộng đến hàng trăm mét đổ xuống thành thác nước, chảy xa dần về hướng tây và Sài Gòn, quanh co trong thung lũng không sâu trên cao nguyên. Dưới thung lũng nhỏ là Dran, nơi nhân viên công chính dựng trại. Schneider ngạc nhiên nhìn thấy sáu con ngựa lạ diễn qua trước nhà vội chạy theo tôi và giữ tôi lại. Đã đến giờ ăn trưa, tôi vui lòng dừng chân. Những người đơn độc này tiếp chúng tôi với tấm lòng hiếu khách thật chân thành, thân thiện và rộng mở mặc dầu thực phẩm chỉ là những sản phẩm thu được từ săn bắn. Hơn cả đối với người, đây còn là dịp may đối với ngựa được đến một nơi có những con ngựa khác, có thóc, ngô và cỏ để ăn đầy bụng.
 
Sau trận chiến năm 1901 ở Trung Quốc, pháo binh Pháp trở về nước đã để lại 150 hay 200 con la, đây là thời kỳ nhiều tham vọng chinh phục cao nguyên Lang Biang, khảo sát, tiếp tế,… Nhưng phần lớn con la bị chết vì chăm sóc, nuôi dưỡng kém. Đây là một trong những thất bại làm chậm trễ rất lâu quyết định cuối cùng.
 
Ăn xong, tôi siết chặt tay Schneider và tiếp tục lên đường, còn 35 cây số và phải đến trước khi trời tối. Con đò ở ngay cửa doanh trại. Đoàn người tiếp tục leo núi, nhẹ nhàng, thoải mái hơn sáng nay và không khí mát mẻ hơn. Còn 500 mét phải leo núi, không còn rừng rậm nhưng những đồi cỏ khô hay giữa rừng thông, phía dưới là thung lũng, những ngọn đồi nhấp nhô và dãy núi xa.
 
(còn nữa)