Bà Bốn…

04:08, 29/08/2012

Ở phía sau lưng khu Hoà Bình, thành phố Đà Lạt – hơn hai chục năm nay mọi người vẫn nhìn thấy bà lão đã già ngày nào cũng ngồi co ro với gánh trái cây, mùa nào thức ấy. Nếu có dịp, hãy ghé lại một chút với bà để được nghe bà kể chuyện về cuộc đời, về chuyện xưa, chuyện nay ở thành phố mang tên Đà Lạt.

Ở phía sau lưng khu Hoà Bình, thành phố Đà Lạt – hơn hai chục năm nay mọi người vẫn nhìn thấy bà lão đã già ngày nào cũng ngồi co ro với gánh trái cây, mùa nào thức ấy. Nếu có dịp, hãy ghé lại một chút với bà để được nghe bà kể chuyện về cuộc đời, về chuyện xưa, chuyện nay ở thành phố mang tên Đà Lạt.

Bà Bốn lần giở từng ngón tay đang co rúm lại để đếm thời gian. Mười ngón tay lần lượt xoè ra rồi xếp lại, nhưng đã ba, bốn lần như thế mà bà Bốn không thể đếm hết số năm kể từ ngày đầu tiên bà trở thành cư dân của thành phố này. Bà Bốn có mẹ nhưng không có cha, rồi có một ngày cách đây hơn 60 năm, từ vùng đất chưa mưa đã thấm - bà Bốn cùng mấy người bạn lên  vùng đất này lập nghiệp, rồi đến bây giờ thì sót lại một mình.

Bà Bốn còn nhớ hoài những ngày đầu về với miền đất của các loài hoa. Ngày đó không có nhiều người sống ở nơi thường hay gọi là trung tâm thành phố, mà những người lên vùng đất cao nguyên này lập nghiệp thường chọn cho mình một chỗ yên tĩnh, có đất, có vườn, có hàng dã quỳ, ngũ sắc che kín những lối mòn và có cả những đồi thông làm cổ họng con người khô rát mỗi mùa bung nụ. Bà Bốn còn nhớ những ngày đầu tiên đã thuộc về 60 năm trước khi những người cùng quê nương tựa vào nhau để làm ấm lên cái lạnh bốn mùa cắt da, cắt thịt và gầy dựng cuộc sống cho bây giờ. Bà Bốn bảo: Đà Lạt ngày xưa lạnh lắm, chứ cái lạnh mùa đông ở xứ này bây giờ thấm tháp gì. Ngày trước còn có sương muối, lắm khi mặt nước trong lu đóng băng, còn ngọn cỏ cứng ngắt cứng ngơ bởi giọt sương trắng. Mãi khi mặt trời lên ngang mặt, mới làm cho ngọn cỏ oằn xuống, xạm đen. Bây giờ thì chẳng thể tìm đâu điều vừa kể bởi những đồi thông ngày xưa người ta chặt hết rồi. Thôi nhớ nữa. Bà Bốn thở dài…

Những điều bà Bốn kể về Đà Lạt cách đây 60 năm chưa phải là nhiều nhưng xem ra cũng vừa đủ đối với trí nhớ của một người xa quê, tha phương cầu thực ở tuổi 18 như bà. Điều làm cho bà Bốn nhớ hơn khi nghĩ đến vùng đất này lúc bà Bốn lấy chồng, mở vườn, làm nhà, sinh con rồi trở thành bà Bốn trái cây hơn hai chục năm nay. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất – bà Bốn cũng có cái nghề chẳng ăn nhập gì với công việc cũ là trồng lơ, trồng sú … vốn đủ nuôi 3 mặt con nên dáng, nên hình sau khi chồng bà Bốn đi về cõi vĩnh hằng vì một cơn gió lạnh. Vậy là hơn hai chục năm nay – bà Bốn trở thành người chốn đô thành và cũng từ ngày đó tên bà Bốn được gắn thêm hai chữ trái cây đằng sau cái tên cúng cơm, để người đời và cả bạn hàng dễ phân biệt với bà lão ngồi kế cũng tên Bốn mà bán bánh mì xíu mại.

Hơn hai chục năm nay – bà Bốn ra khỏi nhà khi con gà trống nhà hàng xóm cất tiếng gáy đầu tiên. Lội bộ hơn 9 cây số từ Phước Thành xuống phố - bà Bốn bắt đầu một ngày cho riêng mình khi con cái đã trưởng thành, yên bề gia thất. Bà Bốn không chọn nghề nhưng vì vốn bỏ ra cho vài chục ký trái cây cũng không nhiều lắm, lại thêm nhiều thứ quả dễ tính, dễ nết: nay bán không hết thì mai bán cũng chẳng sao nên không đến nỗi thâm đồng vốn gầy của bà Bốn. Mùa nào thức ấy: cam, quýt, ổi, xoài, mận, táo, lê và cả những trái cóc da dẻ lem luốc dành cho đám tóc dài… nhưng không bao giờ bà Bốn bán trái sầu riêng, bởi loại trái này dường như chỉ dành cho người giàu sang, còn người nghèo chỉ mới nghe mùi là phát sợ. Lắm lúc bà Bốn nghĩ: Sợ mùi hay sợ tiền hè? Thôi thì sợ gì cũng được, cốt sao bà Bốn ngày hai bữa với gánh trái cây của giới bình dân, kiếm chút tiền lời nuôi nấng bản thân đừng để làm phiền đứa con, đám cháu.

Hơn hai chục năm nay định cư ở chốn đô thành từ sáng sớm đến khi tối mịt – bà Bốn nhận ra sự thay đổi từng ngày ở vùng đất này. Những hàng cây màu xanh lấp đầy những lối đi; những con đường rộng rãi, thoáng mát có chút hương thơm từ những loài hoa; những mái nhà to cao mà có căng hết mắt cũng nhìn không hết; đường xá chật chội, người xe tấp nập… Lâu lắm rồi mới thấy bà Bốn trái cây cười.

Hơn hai chục năm định cư ở chốn đô thành với cái nghề bán trái cây – bà Bốn thấy thương quá những người cùng cảnh. Miền quê thiếu đất, thiếu quá việc làm nên người già có, trẻ cũng nhiều từ miền Bắc, miền Trung và cả miền đất tận U Minh về đây lập nghiệp. Vậy là người đông, chật chội nên vỉa hè của thành phố này trở thành nơi buôn bán. Nhưng đâu chỉ vậy, ở những vỉa hè như thế bà Bốn có dịp nhận ra cái bát nháo, sự mua bán lừa lọc và cả đám thanh niên vô công rỗi nghề nốc rượu cả ngày, để đêm đến xuống đường gây sự.

Có lần bà Bốn muốn bỏ nghề, nhưng rồi nghĩ mãi rồi bà Bốn cũng đặt lên vai mình đôi thúng cũ, gánh gồng nỗi nhọc nhằn với mong muốn những người có trách nhiệm sắp xếp cho những người buôn gánh bán bưng như bà có nơi mua bán ổn định, chứ không phải cái cảnh mấy lần gánh vội, đổ cả thúng cam vì đợt ra quân chiến dịch  giải toả lòng đường, hè phố. Nhưng điều bà Bốn trái cây nghĩ nhiều hơn là làm sao thành phố này ngày một đẹp hơn, vui hơn chứ dạo này bà Bốn thấy thưa dần bước chân du khách. Có lần bà Bốn nghĩ: đã mang tiếng đẹp thì phải làm cho nó đẹp hơn, chứ sao lại nỡ để nó xấu đi. Tội nghiệp lắm.

Hơn 60 năm trở thành cư dân của vùng đất này và đã hơn hai chục năm trở thành người phố thị từ sáng sớm đến tối mịt – cho dù nhà bà Bốn ở vùng ven thành phố. Vậy nên bà Bốn có dịp nhận ra sự thay đổi từng ngày, nhưng điều bà Bốn không muốn có sự thay đổi chút nào, đó là nhà có cao nhưng đừng che khuất nét đẹp của thành phố; đừng để đồi thông chết đứng chết ngồi vì những nhát dao vô cảm; đừng còn thấy những con đường lở loét mà chẳng ai sửa chữa và những hàng cây, những đường hoa phải đẹp hơn để có thể níu chân du khách …

Bà Bốn bán ký cam cuối cùng cho người khách già khi mặt trời đã lặn xuống mặt hồ. Thêm một đêm yên bình đang chờ bà Bốn nơi vùng ven thành phố …

Ghi chép: VĂN QUANG