Dân nghèo không nhận phân bón 30a vì giá "trời ơi!"

04:08, 23/08/2012

(LĐ online) - Hàng chục tấn phân bón được cấp cho dân nghèo trong Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững phủ bạt nằm đắp đống trong nhà để xe của trụ sở UBND xã... 

(LĐ online) - Hàng chục tấn phân bón được cấp cho dân nghèo trong Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững (NQ 30a/CP năm 2012) ở xã Đạ Pal (huyện Đạ Tẻh) vẫn phủ bạt nằm đắp đống trong nhà để xe của trụ sở UBND xã, vì không có người nhận. Bởi người dân ở đây cho rằng, mức giá của các chủng loại phân mà xã thông báo cho các hộ được nhận có sự chênh lệch quá cao so với giá thực tế trên thị trường.

Người nhận phân bón hỗ trợ đồng loạt tẩy chay mức giá
 
Trong báo cáo đầu tư Chương trình Giảm nghèo nhanh của xã Đạ Pal được UBND huyện Đạ Tẻh phê duyệt sau khi thẩm định, có 149 hộ nghèo (danh sách các hộ do UBND xã Đạ Pal đề nghị) được nhận tiền của chương trình, thông qua các hình thức hỗ trợ như: giống vật nuôi, giống cây trồng, máy móc nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề và phân bón. Riêng phân bón, có số lượng người đăng ký nhận hỗ trợ nhiều nhất, với 88 hộ. Bởi phần lớn, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn đang dựa vào các loại cây mà họ đang trồng như cà phê, dâu tằm, tiêu, điều.
 
Anh Phạm Xuân Trường - thôn Xuân Phong đã nhận phân về nhưng chưa đem bón vì lo ngại chất lượng và chênh lệch giá.
Anh Phạm Xuân Trường - thôn Xuân Phong đã nhận phân về nhưng chưa đem bón vì lo ngại chất lượng và chênh lệch giá.
Kinh phí hỗ trợ phân bón cho người nghèo ở xã Đạ Pal có 88 hộ/123,33 ha đăng ký (định mức không vượt quá 10 triệu đồng/hộ) với tổng số tiền đầu tư là 616.650.000 đồng. Trong đó, mức giá áp dụng cho các chủng loại phân mà xã báo về cho người dân là: Phân Urê-11.500 đồng/kg, NPK 16-16-8-13S - 13.560 đồng/kg, NPK 20-20-15 TE - 16.000 đồng/kg. Sau khi xem biểu giá, người dân đồng loạt phản đối bởi họ cho rằng mức giá trên cao hơn với giá trên thị trường từ 100 đến 170 ngàn đồng cho riêng mỗi loại phân.
 
Bà Vũ Thị Hảo - thôn Bình Hòa bức xúc nói: "Gia đình tôi là hộ nghèo nằm trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ của Chương trình 30a với số tiền là 10 triệu đồng, tôi đăng ký nhận hỗ trợ phân bón. Tuy nhiên, khi nghe Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã thông báo mức giá tôi mới giật mình và cương quyết không nhận". Cũng theo bà Hảo thì giá loại phân bón NPK 20-20-15 TE trên thị trường chỉ có 14 triệu đồng/tấn so với mức 16 triệu/tấn của xã áp giá. Ông Nguyễn Quốc Quân - Thôn trưởng thôn Bình Hòa cho biết: "Trước ý kiến phản đối của người dân trong thôn, tôi cũng đã đi thực tế tại các cửa hàng, đại lý phân bón ngay tại thị trường huyện Đạ Tẻh để tham khảo giá và quả thực giá tại đây đều thấp hơn giá mà xã thông báo cho người dân". Cụ thể hơn, ông còn đưa cho chúng tôi bảng giá đã tham khảo trên thị trường với giá của xã: NPK 16-16-8 là 1.160.000đ/tạ so với 1.560.000đ của xã, Urê Thái 1.090.000đ/tạ - 1.500.000đ/tạ, NPK 20-20-15 - 1.400.000đ/tạ - 1.600.000đ/tạ.
 
Có hay không sự khuất tất đằng sau mức giá?
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Đạ Pal cho biết: "Mức giá mà xã đưa ra được áp dụng theo quy định của huyện và sát với thực tế. Hiện nay, một số thôn đã nhận phân bón hỗ trợ và giao cho người dân, số còn lại không nhận vì cho rằng giá cao và chất lượng phân bón không đảm bảo. Chúng tôi cũng đã gửi mẫu phân đi kiểm định chất lượng đồng thời cho cán bộ tham khảo lại giá".
 
Tuy nhiên, thực tế tại Đạ Pal lại có câu trả lời khác. Trong số phân bón các loại được xã lấy về từ Công ty TNHH Phạm Bảo (đóng tại Hiệp An - Đức Trọng) vẫn đang nằm chất đống tại nhà xe của trụ sở UBND xã với số lượng khá lớn. Số còn lại, được chuyển về các thôn cho người dân nhận thì vẫn chưa có ai dám mở để bón cho cây trồng vì họ nghi ngờ chất lượng và giá mà xã áp dụng.

Anh Phạm Xuân Trường - thôn Xuân Phong cho biết: "Gia đình tôi được nhận 4 tạ phân bón hỗ trợ, dù đã lấy về để trong nhà, tuy nhiên, khi nghe thông báo mức giá, tôi vẫn chưa dám mở bởi so với giá thị trường tôi bị thiếu mất khoảng gần 2 bao phân". Còn theo bà Vũ Thị Hảo - thôn Bình Hòa, khi thấy giá phân bón xã thông báo cho mình cao hơn với thực tế, bà có hỏi lại lãnh đạo xã về vấn đề này thì nhận được câu trả lời, "cao hơn là do chi phí vận chuyển". Trong khi đó, người dân ở Đạ Pal đều cho biết, vào mỗi vụ mùa cần phân bón cho cây trồng, chỉ cần gọi điện thoại cho các đại lý, cửa hàng phân bón ngoài thị trấn Đạ Tẻh, họ sẵn sàng vận chuyển vào tận nhà, giao tận tay với giá thấp hơn rất nhiều.

Phân bón đã tập kết về xã nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa đến nhận.
Phân bón đã tập kết về xã nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa đến nhận.

 

Trong 88 hộ/6 thôn (Bình Hòa, Giao Yến, Xuân Thành, Xuân Phong, Xuân Châu, Xuân Thượng) đăng ký nhận phân bón hỗ trợ từ Chương trình 30a của xã Đạ Pal, tất cả đều phản đối biểu giá mà xã áp dụng. Ông Vũ Đức Vượng - Thôn trưởng thôn Xuân Thành, ông Phạm Quốc Thịnh - Thôn trưởng thôn Giao Yến đều có chung một ý kiến, đó là: Người dân được nhận phân bón hỗ trợ tại thôn của mình đều rất bức xúc, bởi xã Đạ Pal chỉ thông báo giá với họ khi gọi lên nhận. Trong khi đó, giá lại cao và không đúng chủng loại, công ty sản xuất mà họ đã đăng ký. Cũng theo một số hộ, mẫu phân bón lẻ mà xã đưa cho họ thử trước khi nhận có chất lượng không tốt, đó là khi ngâm vào nước bị vón cục, cứng và không tan. Ngay tại thôn Giao Yến, phân bón cũng được vứt xuống dọc đường rồi mới kêu ra nhận dù thôn hay người dân không được báo trước.

Vẫn chưa biết, có hay không? chuyện khuất tất hay ăn chặn tiền của người nghèo ở Đạ Pal thông qua việc giá phân cao bất thường so với thực tế mà UBND xã đã áp dụng. Hiện tại, người dân ở xã 30a này đang rất cần câu trả lời xác đáng và minh bạch từ những người có trách nhiệm.
 
TUẤN LINH - HỮU SANG