Đâu cứ phải “tiền trao” mới “cháo múc”!

03:09, 19/09/2012

Đi Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - Chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ (từ đây gọi tắt là “Chợ Nổi”) chỉ mới một lần mà tôi không thể nào quên. Nhớ nhất là cái cách mua bán ở chợ. Ví như chuyện bán cháo…

Đi Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - Chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ (từ đây gọi tắt là “Chợ Nổi”) chỉ mới một lần mà tôi không thể nào quên. Nhớ nhất là cái cách mua bán ở chợ. Ví như chuyện bán cháo…

Một sáng mùa Thu trong trẻo. Đêm trước phục vụ khách tham quan đến quá 12 giờ. Hôm sau, đúng 6 giờ, anh Thành (lái tàu thủy ở một công ty du lịch địa phương) vùng khỏi giường, đưa khách kịp đi thăm Chợ Nổi vào lúc 7 giờ - lúc nhộn nhịp nhất, để sau đó tiếp tục về thăm vườn quả Mỹ Khánh cách Chợ Nổi xa xa…

Chợ Nổi nhộn nhịp kẻ mua người bán. Thuyền bè như lá tre. Anh Thành cho tàu giảm tốc độ, dạt vào sát một thuyền nhỏ… Chị hàng cháo độ tuổi đôi mươi, gái Cần Thơ, dịu dàng bưng bát cháo đã chế đủ gia vị, nghi ngút khói, ngạt ngào mùi thơm, đưa qua. Anh Thành nhận cháo từ tay chị. Cả hai người đều không nói câu gì.

Đặt bát cháo vào sàn tàu, anh Thành tiếp tục cho tàu đi. Ra khỏi khu vực chợ, dùng hai chân giữ cho tàu chạy đúng ý mình, anh Thành xin phép hành khách, múc cháo ăn. Một bác lầm tưởng hai người là vợ chồng, nói đùa: “Sướng nhất “thuyền trưởng” đấy. Đi đâu có vợ đưa cháo theo!”. Mọi người vui cười hưởng ứng. Anh Thành ngừng ăn cháo, quay lại tươi cười: “Ủa! đâu phải vợ chồng.  Tám ngàn đồng bát cháo đấy chứ!”.

- Thế sao “tiền không trao mà cháo vẫn múc”?

- Ồ! dừng lại sẽ mất thì giờ của khách. Vì vậy, tin nhau là xong cả. Có tua đi hàng tuần, lúc quay về trả cả tiền lẫn bát…

Mọi người lại cười nói vui vẻ. Buổi sớm trên sông miền Tây, sao mà trong  sáng, hồn hậu.

Đi được một lúc, thấy có đám đông bên bờ phía tay phải. Theo yêu cầu của khách, anh Thành cho tàu tiếp cận. Trời! Một thuyền đầy sầu riêng thơm lừng. Chị Thúy (người Hà Nội) nhờ anh Thành chọn hai quả tươi ngon, giá 95.000đ. Chị Thúy chỉ có những tờ giấy bạc 200.000đ. Người bán (được gọi là thím Tư Sầu Riêng – quê Mỹ Khánh) ngại mọi người phải đợi lâu, liền nói: “Khi về trả tui. Thuyền cắm sào ở chỗ kia!”. Thím chỉ tay vào một điểm bên bờ, cạnh cây phượng vĩ đầy hoa đỏ, trông như đống lửa. Rồi thím lại lúi húi bán hàng…

Thì ra, đâu cứ phải “Tiền trao” thì mới “Cháo múc”! Sông nước lênh đênh… Lòng tin, tình người quí hơn tất cả.

HOA FĂNG