91 tuổi vẫn làm nghề chổi đót

03:09, 30/09/2012

Với những công lao đóng góp cho cách mạng, gia đình ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng thuộc xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn ác liệt, ông là dân quân du kích của xã, sau khi biết bị địch phát hiện, ông Huỳnh Vĩnh đành phải tạm biệt quê hương nơi chôn rau cắt rốn và chia tay với gia đình, họ hàng, người thân, lặng lẽ trốn vào xã Lạc Nghiệp, nay là thị trấn Đran, huyện Đơn Dương, để lập nghiệp. Vào huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), gia đình ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng làm hầm nuôi giấu du kích. Với những công lao đóng góp cho cách mạng, gia đình ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Vào huyện Đơn Dương, nhận thấy vùng đất nơi đây có nguồn cây đót (nguyên liệu làm chổi) dồi dào, ông bà đã làm nghề bó chổi để mưu sinh từ năm 1967. Lúc còn trẻ, bình quân mỗi ngày ông bó được từ 10 đến 15 cái chổi đót. Lúc ấy, nguồn thu nhập từ bán chổi đót chưa đáng bao nhiêu nhưng so với công việc lao động khác thì vẫn ổn định, đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Song, vấn đề quan trọng hơn là, làm hàng chổi đót không bao giờ bị thất nghiệp; bởi lẽ, dẫu là nhà giàu sang phú quý hay nhà nghèo cũng phải cần có một cái chổi quét nhà. Năm 2006, từ thị trấn Đran ông vào sinh sống ở khu phố Thạnh Nghĩa, thị trấn Thạnh Mỹ, bên cạnh ngôi nhà người con trai đầu của cụ. Trải qua 45 năm làm nghề bó chổi, đến nay cụ Huỳnh Vĩnh không biết đã bán được bao nhiêu ngàn cây chổi cho khách hàng trong huyện. Điều mà cụ tâm sự đó là "còn ăn là còn làm", tục ngữ có câu “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”; vì vậy, ngày nào cũng như ngày nào, cứ vào lúc 5 giờ 30 mỗi sáng, khi tiếng loa truyền thanh phát  chương trình xây dựng nông thôn mới thì cụ lại mang vác từ 10 đến 15 cây chổi lên đường đi bán lẻ ở các chợ xã Lạc Lâm, xã Ka Đô và chợ Quảng Lập. Bình quân thu nhập được 200.000đ, sau khi đã trừ chi phí cụ Huỳnh Vĩnh còn lãi được trên 100.000đ/ngày, cộng với khoản trợ cấp gia đình có công và trợ cấp cho người cao tuổi của hai ông bà mỗi tháng được 1.250.000đ, tổng thu nhập mỗi tháng trên 4,2 triệu đồng. Với số tiền đó, hai cụ đủ để trang trải cuộc sống. Đi bán buổi sáng, còn buổi chiều thì hai ông bà lại tiếp tục bó chổi đót để chuẩn bị cho ngày mai đi bán. 91 tuổi đời, 45 năm làm nghề bó chổi đót, một công việc tuy nhẹ nhàng nhưng ít ai có nghị lực như ông bà Huỳnh Vĩnh ở thị trấn Thạnh Mỹ. Việc làm của cụ Huỳnh Vĩnh được nhiều người ở huyện Đơn Dương rất trân trọng, quý mến, cảm phục. Đây thật sự là một tấm gương lao động tiêu biểu để con cháu học tập noi theo.

Ngọc Thanh