Người mù làm kinh tế

05:09, 05/09/2012

Gần 6 năm qua, kể từ ngày thành lập, Hội Người mù huyện Đức Trọng đã có nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Gần 6 năm qua, kể từ ngày thành lập, Hội Người mù huyện Đức Trọng đã có nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Hội viên Hội người mù huyện Đức Trọng đang tham gia làm chổi đót
Hội viên Hội người mù huyện Đức Trọng đang tham gia làm chổi đót


Cuối tháng 12/2006, Hội Người mù huyện Đức Trọng chính thức được thành lập. Cũng từ đó, Ban Chấp hành Hội luôn trăn trở tìm cách tạo công ăn việc làm cho hội viên. Sau nhiều lần bàn bạc, trao đổi, năm 2007, mô hình massage và làm chổi đót của Hội Người mù huyện đã lần lượt ra đời.

Để cơ sở massage hoạt động bài bản như hiện nay, 6 hội viên của Hội đã được cử đi học nghề tại các cơ sở xoa bóp, bấm huyệt trong và ngoài tỉnh. Sau khi hoàn thành khoá học, các học viên này trở thành những nhân viên massage chuyên nghiệp tại cơ sở massage của Hội, với mức thu nhập từ 600.000 đồng - 1.000.000 đồng/tháng. Đoàn Anh Tuấn, 25 tuổi, nhân viên massage cho biết, Tuấn đến với Hội từ những ngày đầu tiên, một thời gian sau em được cử đi học nghề massage và được tạo điều kiện làm việc sau khi hoàn thành khóa học. “Thu nhập mỗi tháng dù không nhiều, nhưng cũng giúp em trang trải chi phí của bản thân, em thật sự rất vui vì thấy mình vẫn còn có ích” - Tuấn không giấu nổi niềm vui chia sẻ.

Ra đời sau cơ sở massage không lâu, mô hình tổ làm chổi đót của Hội Người mù huyện Đức Trọng cũng đã góp phần không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm ổn định cho hội viên. Thời gian đầu khi mới ra đời, các thành viên tham gia làm công việc này đã gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, với những người sáng mắt, để làm ra được một cây chổi đẹp đã khó, với những người khiếm thị, điều đó còn khó khăn hơn gấp bội phần, vì tất cả các khâu như chẻ đót, tước đót, cột, lên con và may chổi… đều chỉ làm bằng cảm nhận qua việc sờ, nắn của đôi bàn tay. Bác Trần Văn Sáng, thành viên của tổ cho biết: “Những ngày đầu bắt đầu làm quen với công việc, tôi gặp không ít những khó khăn, có những cây chổi phải may đi, may lại nhiều lần mới xong được. Giờ quen rồi, mỗi ngày tôi làm được khoảng chục cây chổi, nhưng lúc mới vào, phải mất cả ngày trời tôi mới hoàn thành được một cây”.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận công việc, đầu ra cho sản phẩm cũng khiến Ban Chấp hành Hội phải loay hoay, trăn trở. Tuy nhiên, không nản chí, Hội đã nỗ lực liên hệ với các cơ quan, trường học, tiểu thương ở các chợ để từng bước tìm hướng đi cho cây chổi đót. Cùng với đó, là sự “chuyên môn hoá” trong từng khâu làm chổi. Hiện, cơ sở có khoảng 7-8 người thường xuyên làm công việc này, và mỗi người đều đảm nhận một “nhiệm vụ” cụ thể, như: Người chuyên tước đót, người được giao đóng cán chổi, người khéo tay thì khâu chổi sao cho đều và đẹp, người sáng mắt hơn thì đảm trách việc cân chổi…

Ngoài việc tìm kiếm việc làm cho hội viên, từ lúc thành lập đến nay, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên được vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm do Hội Người mù tỉnh phân bổ với số tiền quay vòng là 144 triệu đồng/21 lượt hội viên; trích 25 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm của Hội cho 5 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay. Những hội viên được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hoàn trả gốc, lãi đầy đủ và đúng thời hạn. Nhờ có vốn vay, gia đình các hội viên đã có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như: gia đình hội viên Đỗ Đức Trí (xã Bình Thạnh) dùng vốn vay để trồng dâu nuôi tằm, gia đình hội viên Phạm Hồng Thái (xã Tân Hội) dùng nguồn vốn vay để chăn nuôi bò…

Hiện tại, Hội Người mù huyện Đức Trọng có 121 hội viên, trong đó phần lớn là người mất sức lao động. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào Hội cũng vận động, tổ chức họp mặt chị em người mù nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 với nhiều hình thức phong phú. "Có được những kết quả như hôm nay, chủ yếu là do sự nỗ lực tự vươn lên của mỗi hội viên, họ đã không đầu hàng số phận, cố gắng không ngừng để trở thành người có ích cho xã hội. Song, cùng với nỗ lực của từng hội viên, chúng tôi vẫn rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, trước mắt là giúp tìm đầu ra cho sản phẩm chổi đót để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhiều hội viên hơn nữa" - ông Nguyễn Văn Dong, Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Trọng nói.

Võ Lan