Ông thuộc lòng từng nhánh rẽ, chỗ nào nước ngập, đoạn nào nước không chảy tới do phân khúc đường mương và những chướng ngại vật. Chính vì vậy, mùa mưa là mùa ông lại “xắn tay áo” để làm việc chung cho cả cộng đồng.
Từ nhiều năm nay, hình ảnh một cụ già thường tẩn mẩn đi nhặt rác, moi rác để khơi thông dòng chảy, đắp đường… đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân khu vực đường Đồng Tâm, phường 4, thành phố Đà Lạt. Cụ tên Trần Quang, người đã sống trên 4 thập kỷ tại địa phương, năm nay đã 80 tuổi, mọi người vẫn trìu mến gọi ông là “nhân viên vệ sinh cao tuổi” tại tuyến đường.
Cụ Quang trồng dây khoai lang giữ đường mương nước |
Ông thuộc lòng từng nhánh rẽ, chỗ nào nước ngập, đoạn nào nước không chảy tới do phân khúc đường mương và những chướng ngại vật. Chính vì vậy, mùa mưa là mùa ông lại “xắn tay áo” để làm việc chung cho cả cộng đồng. Khu vực này trước đây được gọi là Suối Cát Nam Thiên, là cả một dòng suối lớn với dân cư phân bố thưa thớt, rải rác quanh khu vực suối, theo nhịp độ phát triển, nhà cửa lấn dòng chảy, đường mương lại được thiết kế gấp khúc và hẹp, cộng với hệ thống đường ống nước chặn ngang nên đã gây ra tình trạng ngập. Những trận mưa lớn khiến nước từ đường Lê Hồng Phong, Thiện Mỹ, Ngô Thì Nhậm… trút xuống, cộng với rác sinh hoạt và rác từ vựa rau làm tắc nghẽn dòng chảy và ngập trũng nền đường. Tình cảnh người, xe lội bì bõm khi di chuyển trên đường khiến ông - một tài xế thuộc Xí nghiệp xe khách Lâm Đồng về hưu đã không thể đứng nhìn. Vậy là, không ngần ngại mưa gió, ông lại lọ mọ đi móc rác dọc hệ thống đường mương hai bên đường. Ông như một công nhân vệ sinh thường trực ở mỗi nắp cống bốc mùi xú uế, tận tụy và không đòi hỏi bất cứ điều gì. Để phòng ngập mạnh hơn, cụ già tiếp tục đi xúc cát đắp hai bên hệ thống thoát nước rồi trồng rau khoai lang để làm đường viền tránh rác tràn từ nền đường xuống. Những bữa trời tạnh, ông lại đi xúc cát trám vào nền đường đã bị bong tróc do ảnh hưởng của ngập nước. Không muốn nói nhiều về việc làm của mình, ông kiến nghị đường mương cần được thành phố quan tâm mở rộng hơn ở đoạn gấp khúc để lưu lượng nước được chảy đều. Việc làm giản dị của ông cụ cao tuổi làm nhiều người chú ý và những lúc rảnh rỗi, họ phụ giúp ông làm sạch hệ thống dẫn nước. Tổ trưởng Tổ Người cao tuổi tổ 6, phường 4, ông Xuân Bái cho biết, hành động của cụ Quang tuy nhỏ nhưng đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư bởi tính thiết thực và tận tâm, khu dân cư rất cần những người “nói ít, làm không ít” như vậy!
HẢI YẾN