Những đóa hoa đời

03:09, 27/09/2012

Họ là thành viên trong gia đình trồng hoa qua các thế hệ, là cha con, ông cháu, anh chị em… cùng một nhà, cùng một mối quan tâm, cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau trong canh tác, phát triển kinh tế. Mối gắn bó khăng khít đã tiếp nối để đất được nở hoa...

Họ là thành viên trong gia đình trồng hoa qua các thế hệ, là cha con, ông cháu, anh chị em… cùng một nhà, cùng một mối quan tâm, cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau trong canh tác, phát triển kinh tế. Mối gắn bó khăng khít đã tiếp nối để đất được nở hoa...

Vườn hoa hồng của nông dân Vũ Chí Nghị (Vạn Thành, Đà Lạt).  Ảnh: Văn Báu
Vườn hoa hồng của nông dân Vũ Chí Nghị (Vạn Thành, Đà Lạt). Ảnh: Văn Báu


Về vùng hoa hồng Vạn Thành (phường 5, thành phố Đà Lạt), gặp những đứa trẻ đang chơi đùa, chỉ cần hỏi tên một gia đình trồng hoa nào trong làng, chúng có thể kể tên vanh vách và ngừng cuộc chơi, tíu tít dẫn khách đến tận ngõ các gia đình ấy. Nằm nép bên trung tâm thành phố, cái chân chất chưa bị phố thị hóa vẫn còn hiện diện, từ cụ già đến em nhỏ, từ những “đại gia” vùng hoa đến các nông dân tối ngày bận rộn tính toán vụ ngắn vụ dài. Dường như khi gắn với nghiệp trồng hoa họ đều trở nên thuần phác.

Đến với vườn hoa hồng rộng cả héc ta của nông dân Vũ Chí Nghị (số 64 B Vạn Thành) có thể khiến nhiều người say đắm. Là con trai út trong một gia đình trồng hoa, anh thừa hưởng vườn hồng của bố mẹ để lại, mở mang và phát triển. Hai cụ thân sinh từ Hà Nam vào Đà Lạt năm 1960, lập nghiệp và nuôi con khôn lớn từ những vụ hoa. Lớn lên cùng hoa, anh Nghị thấm thía số phận của cây hoa qua các giai đoạn. So với thời của bố mẹ anh, anh cho rằng ở giai đoạn ấy mọi người còn phải lo “cái ăn” và không có nhiều điều kiện nghĩ tới “cái đẹp” nên cây hoa ít có cơ hội đột phá, sau này, thế hệ của anh lớn lên cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nông dân nếu lăn xả thì có thể làm ăn lớn hơn và định hướng đường đi dài hơn cho mình. Bước từ trên cao xuống cả khoảng vườn rộng tít tắp, qua từng đường đi lối lại, cách bố trí vườn, các loại hoa mà anh sản xuất, có thể thấy cả trái tim và tầm nhìn mà anh dành cho hoa. Theo cách nghĩ của anh, trồng hoa có hai mùa là “mùa thu hoạch” và “mùa đầu tư”, phải làm sao để hai mùa ấy được phân phối hợp lý thì mới có thể phát triển. Chính vì vậy, từ hơn 10 năm nay, hoa hồng đã được anh đầu tư trồng trong nhà kính, mỗi năm lại mở rộng và gia cố. Bước qua những ngày đầu chập chững, giờ gia tài vườn hồng của anh là niềm mơ ước của nhiều người. Gia đình có 7 anh chị em thì cả 7 người đều theo nghiệp trồng hoa. Người anh Vũ Chí Tuân trồng hơn 5 sào bông hồng và trồng cả hoa đồng tiền, em gái Vũ Thị Lan Hương trồng 7 sào hoa, chị gái Vũ Thị Phúc ngày ngày cùng làm trên vườn với em trai Vũ Chí Nghị… Mỗi ngày, công việc cắt hoa, đóng gói hoa, chăm sóc hoa… cứ trải đều với mỗi người trong gia đình.

Về làng hoa Thái Phiên, gia đình ông Bùi Văn Hội là một gia đình điển hình về trồng hoa cha truyền con nối. Cụ thân sinh ra ông - cụ Bùi Văn Mai chính là một trong sáu người đầu tiên lập ấp Thái Phiên, khai vỡ đất trồng hoa. Qua những ngày gian khó, kinh nghiệm trồng và chăm sóc dày dặn theo năm tháng để đến đời ông Bùi Văn Hội rồi đến đời cháu nội là anh Bùi Minh Hải vẫn nặng lòng gắn bó với hoa. Ông Bùi Văn Hội bộc bạch, sống với hoa, có thể nói nông dân không bao giờ nghèo bởi giá trị kinh tế ổn định, điều quan trọng là người nông dân tiếp cận như thế nào để duy trì nghề, kết hợp kinh nghiệm với những tiến bộ kỹ thuật mới và hoa không phụ lòng người trồng hoa. Với đặc điểm sử dụng của hoa cúc, đến cận ngày rằm hay mồng một, cả gia đình ông lại bận tíu tít cắt hoa, đóng gói hoa cho kịp chuyến hàng. Ba thế hệ tiếp nối trên đất làng, mối tơ duyên với hoa và đời cứ bền chặt, ông có thể tự hào vì là một trong những nông dân được vinh danh qua các kỳ lễ hội Festival Hoa.

Đại diện một doanh nghiệp trồng hoa xuất khẩu trên địa bàn thành phố Đà Lạt và trực tiếp sản xuất hoa thành thực cho rằng, dù doanh nghiệp có một số kỹ sư hẳn hoi và trang bị rất nhiều công thức định lượng khoa học nhưng trong một số trường hợp vẫn trồng hoa không thể bằng nông dân. Dường như ở người nông dân có sự tích lũy thực tế qua bao thế hệ và yếu tố kinh nghiệm đã là sức mạnh lớn để họ kiến tạo cho mình rất nhiều kỹ năng, chắc tay cuốc, vững chãi qua bao mùa mưa nắng… Các gia đình trồng hoa đã là những thành tố đặc biệt, cùng chắt chiu cho đời sống và sự phát triển của hoa Đà Lạt…

Hải Yến