Chị Thủy “chống suy dinh dưỡng”

03:10, 20/10/2012

“Mình làm riết thành quen, xem đó như việc bình thường phải làm thôi. Chứ nếu hoạch toán kinh tế, so đo đồng thù lao thì ở nhà luôn cho khỏe thân”. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dinh dưỡng của thôn Nga Sơn, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc.

“Mình làm riết thành quen, xem đó như việc bình thường phải làm thôi. Chứ nếu hoạch toán kinh tế, so đo đồng thù lao thì ở nhà luôn cho khỏe thân”. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dinh dưỡng của thôn Nga Sơn, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc. Đã 10 năm qua, chị vẫn miệt mài với công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Nhìn thấy những đứa trẻ còi xương, suy dinh dưỡng trước đây giờ phát triển khỏe mạnh, chị mừng thầm, suy nghĩ “cũng có phần nào công lao của mình trong đó”.

 Chị Thủy (phải) tư vấn cho một bà mẹ đang nuôi con nhỏ về chế độ dinh dưỡng và các mũi tiêm phòng cần thiết
Chị Thủy (phải) tư vấn cho một bà mẹ đang nuôi con nhỏ về chế độ dinh dưỡng và các mũi tiêm phòng cần thiết


Công việc chính của chị Thủy là buôn bán nhỏ tại nhà để phụ chồng nuôi ba người con ăn học. Thế nhưng, hễ thôn, xóm có việc gì cần gọi là chị lại “bỏ việc” đi ngay. Nhiệt tình và trách nhiệm là nhận xét mà nhiều người dân và bạn bè đã dành cho chị. Cứ vậy mà đến nay chị đã đảm đương đủ mọi công việc từ xã đến thôn, từ công tác mặt trận, thanh tra đến công tác phụ nữ và cả y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dinh dưỡng. Nói về vai trò là cộng tác viên dinh dưỡng, chị Thủy tâm sự: Ban đầu thì mình làm đại theo phong trào, lâu dần thành quen và có kinh nghiệm nên được trạm y tế tín nhiệm và phân công công việc.

Cách đây 10 năm, nói đến khái niệm suy dinh dưỡng trẻ em dường như là chuyện xa vời. Các bà mẹ thường ít quan tâm đến vấn đề này và cứ để trẻ phát triển tự nhiên, mập ốm không quan tâm. Nhưng giờ thì các bà mẹ có ý thức hơn trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho con. Đây cũng là điều thuận lợi nhưng cũng là khó khăn không nhỏ cho người làm cộng tác viên dinh dưỡng. Bởi lẽ, theo chị Thủy, nhiều bà mẹ chủ quan cho rằng mình đã có thừa kiến thức chăm sóc con nên không muốn nghe tư vấn của cộng tác viên. “Đối với những trường hợp như vậy, mình phải tiếp cận, trò chuyện, gây thiện cảm trước rồi sau đó mới trao đổi trên tinh thần chia sẻ cách chăm sóc con chứ không thể tuyên truyền theo hình thức áp đặt, giáo điều” - chị Thủy chia sẻ kinh nghiệm.

Công việc của những cộng tác viên dinh dưỡng như chị Thủy là hàng tháng theo dõi sức khỏe trẻ dưới 6 tuổi và cân trẻ dưới 2 tuổi để kịp thời phát hiện những trẻ suy dinh dưỡng. Ngoài ra, cộng tác viên dinh dưỡng còn lồng ghép nhiều chương trình khác để tuyên truyền, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai và thực hành các bữa ăn dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Với lợi thế kiêm nhiệm nhiều vai trò trong thôn, xã nên chị Thủy có điều kiện tiếp xúc với các bà mẹ và dành nhiều thời gian để tư vấn khi cần thiết. Chị Thủy nói vui: Gần như tư vấn dinh dưỡng đã trở thành một bệnh nghề nghiệp. Hễ đi chợ, đi hội họp hay ghé nhà các chị em chơi mà thấy có trẻ nhỏ “dọa” suy dinh dưỡng là mình lại “nhào vô” hỏi thăm, tư vấn ngay lập tức. Đối với những trẻ suy dinh dưỡng thì mình gặp gỡ thường xuyên hơn, đến tận nhà để hướng dẫn bà mẹ cách nấu ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cách cho trẻ ăn đúng cách. Hiện nay, hầu hết trẻ suy dinh dưỡng không phải do thiếu chất mà chủ yếu là do cơ thể không hấp thụ được. Do đó, cho trẻ ăn đúng cách, đúng khoa học cũng là điều hết sức quan trọng.

Toàn thôn Nga Sơn, xã Lộc Nga có hơn 400 hộ với gần 1.600 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 56 hộ với 350 khẩu. Với những bà mẹ người đồng bào dân tộc thiểu số thì cách tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ cũng có phương pháp riêng. Trước đây, họ chủ yếu nuôi con theo phong tục tập quán nhưng giờ cũng đã biết sinh ít con, nuôi con theo đúng khoa học. Nhiều bà mẹ hiện nay khi gặp khó khăn trong việc nuôi con đã gọi điện thoại trực tiếp nhờ chị Thủy tư vấn về chế độ dinh dưỡng, thời gian tiêm ngừa các mũi cần thiết. Với chị Thủy, giờ các bà mẹ đã có ý thức nuôi con khỏe thì công việc của cộng tác viên dinh dưỡng chủ yếu là “tiêm nhắc lại” để họ ghi nhớ, không lơ là trong việc phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ.

Địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, chế độ phụ cấp còn thấp là những trở lại trong công việc. Thế nhưng, với chị Thủy đó chỉ là những trở ngại nhỏ. Bởi lẽ, một khi đã đam mê công việc thì dù làm không công đi nữa chị vẫn sẽ làm với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chị Ka En, Trưởng trạm Y tế xã Lộc Nga, cho biết: Chính sự tận tâm, nhiệt tình của đội ngũ y tế thôn bản và cộng tác viên dinh dưỡng đã giúp cho trạm thực hiện được rất nhiều chương trình truyền thông về sức khỏe có hiệu quả. Riêng đối với công tác phòng chống suy dinh dưỡng, qua mỗi năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ đều giảm. Nếu như năm 2011, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 2 tuổi là 6% và dưới 5 tuổi là 11,8% thì sang năm 2012, tỷ lệ này giảm tương ứng là 5,6% và 11,6%. Có được kết quả này có phần đóng góp rất lớn của đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng, mà chị Thủy là một trong những người điển hình.

Mới đây, chị Thủy đã trải qua lớp đào tạo 6 tháng cho đội ngũ y tế thôn bản và chị cũng vinh dự nhận được danh hiệu cán bộ y tế thôn bản xuất sắc. Đây chính là hành trang kiến thức và động lực giúp chị tiếp tục công việc, nhất là công việc trên “mặt trận” phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.

ĐÔNG ANH