Gánh hàng rong, gánh cả cuộc đời

07:10, 20/10/2012

(LĐ online) - Dù trời nắng hay mưa, từ sáng sớm mặt trời chưa ló dạng đến khi khuất núi, giữa tiết trời oi ả hay cả những ngày rét căm căm… các cô, các chị vẫn độc bước với đôi gánh hàng rong “kẽo kẹt” đi khắp các nẻo đường mưu sinh.

(LĐ online) - Dù trời nắng hay mưa, từ sáng sớm mặt trời chưa ló dạng đến khi khuất núi, giữa tiết trời oi ả hay cả những ngày rét căm căm… các cô, các chị vẫn độc bước với đôi gánh hàng rong “kẽo kẹt” đi khắp các nẻo đường mưu sinh. Giữa nhịp sống hối hả hiện đại, vẫn có những người phụ nữ Việt Nam như thế, chọn đôi gánh hàng rong để gồng gánh cả cuộc đời.

Trời Đà Lạt đang dần lập đông nhưng gánh hàng đậu hũ của chị Nguyễn Thị Liên lúc nào cũng nóng hổi khi có người gọi “Đậu hũ ơi”. Chị bán đậu hũ ấy tâm sự, quê chị ở tận Tuyên Quang theo chồng là người Đà Lạt nên chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, “Thấy chồng làm thợ hồ, thu nhập cũng không đủ lo cho gia đình, mình thì xa quê không biết làm nghề gì nên đành nấu đậu hũ gánh đi bán, kiếm thêm tiền lo cho chồng con”. Nhìn khuôn mặt có phần sặm nhiều vì nắng, gió, tươi cười, thoăn thoắt múc đậu hũ cho khách của chị, ít ai ngờ chị chỉ mới 25 tuổi đời.

Chị Liên kể lại những ngày đầu gánh đậu hũ đi bán, có ngày đi vòng vòng đến cả hơn 50 cây số, gánh đi khắp mà không bán được bao nhiêu. Phần vì thấy chị lạ, phần vì đậu hũ mới biết làm nên chưa ngon. Bây giờ hơn 3 năm “Đi đến đâu mọi người cũng ủng hộ, nhất là những ngày mưa, nhiều người thấy gánh vất vả quá nên mua giúp” chị cười kể. Mỗi ngày chị Liên gánh hàng đi từ 7 giờ sáng, trưa về nấu thêm rồi lại đi bán đến tối mịt, lúc nào hết mới về, 1 chén đậu hũ chị bán 5000 đồng, 2 gánh 2 buổi sáng, chiều chị lời được hơn 100 ngàn đồng. Khi được hỏi điều mà chị mong ước nhất, chị Liên chỉ chia sẻ “hạnh phúc nhất là bán hết hàng đến tối trở về nhà cùng chồng ăn bữa cơm tối và thấy đứa con trai 2 tuổi khỏe mạnh”.

Khác với chị Liên, cô Hồ Ngọc Hoa nhà ở Đa Thiện, phường 8, Đà Lạt lại ngày ngày gánh hàng trái cây đi mấy chục cây số, kiếm tiền lo cho hai người con đi học. Mùa nào thức ấy, khi chuối, khi cam, bưởi… cô Hoa cặm cụi gánh hàng đi bán khắp nơi trong thành phố, kể về lý do chọn bán hàng rong cô Hoa cho biết: “Tuy hơi cực nhưng bán như vậy ít vốn, đi nhiều riết rồi cũng quen, xem như là số mình rong ruổi như vậy”. Người phụ nữ 47 tuổi nhìn xa xăm khi nhắc người chồng mất sớm, mình cô lo cho 2 đứa con gái, một người đã vào đại học. Cô bảo sáng nào cũng dậy từ 2 giờ sáng đi phụ làm khoai tây ở nhà hàng xóm, đến sáng 7 giờ bắt đầu quẩy hàng đi bán. Bán hết trái cây cô lại nhặt, mua đồ phế liệu về bán lại. Lấy công làm lời, hơn 150 ngàn dư ra mỗi ngày dù chật vật nhưng cũng phần nào đủ để lo cho 2 người con. Với cô Hoa “Mình khổ rồi mong cho con được đi học đến nơi đến chốn, sau này thoát nghèo thì mình khổ sao cũng thấy vui”.

Cô Hồ Ngọc Hoa rong ruổi hàng ngày khắp mọi nẻo đường
Cô Hồ Ngọc Hoa rong ruổi hàng ngày khắp mọi nẻo đường

Còn nhiều, nhiều lắm những người như chị Liên, cô Hoa, ngày ngày rong ruổi nhiều nẻo đường với gánh hàng mưu sinh. Buổi chiều tối, ở khu vực quanh hồ Xuân Hương, hình ảnh những hàng khoai lang nướng, bắp ngô, sữa đậu nành… bên những lò than hồng ấm trong gió lạnh có lẽ là hình ảnh không mấy xa lạ với nhiều người. Trong bức tranh nhiều mảng màu của cuộc sống, những gánh hàng rong ấy cũng là một phần rất đỗi thân quen. Ở đó, hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó, lặng lẽ gánh gồng mưu sinh, hy sinh cả cuộc đời chỉ với những ước mơ giản đơn cho gia đình, chồng con đều thật đáng trân trọng.

Nhiều chị trong số ấy có lẽ chưa một lần biết đến cành hoa hay món quà trong ngày lễ phụ nữ nhưng chính các chị lại là những bông hoa lặng lẽ làm đẹp cho đời.

Đôi gánh hàng rong
Đôi gánh hàng rong


                                                                                                                         Diễm Thương