Còng lưng bên nồi bánh đa, nuôi con du học nước Nga

03:11, 27/11/2012

Xét về của cải vật chất thì gia đình ông Bùi Đức Tính (ở thôn 3, xã Đại Lào, Tp. Bảo Lộc) còn thuộc diện nghèo, nhưng xét về tài sản vô giá - sự học hành của con cái thì gia đình ông Tính vượt xa nhiều người. Có được điều đó, ngoài sự nỗ lực vượt khó chăm học của các con, hơn 25 năm qua, vợ ông Bùi Đức Tính (1958) - bà Nguyễn Thị Bê (1962) đã phải còng lưng bên nồi bánh đa.

Xét về của cải vật chất thì gia đình ông Bùi Đức Tính (ở thôn 3, xã Đại Lào, Tp. Bảo Lộc) còn thuộc diện nghèo, nhưng xét về tài sản vô giá - sự học hành của con cái thì gia đình ông Tính vượt xa nhiều người. Có được điều đó, ngoài sự nỗ lực vượt khó chăm học của các con, hơn 25 năm qua, vợ ông Bùi Đức Tính (1958) - bà Nguyễn Thị Bê (1962) đã phải còng lưng bên nồi bánh đa.

Ông Bùi Đức Tính ngoài nghề làm mộc, còn say mê nghề điêu khắc tạc tượng
Ông Bùi Đức Tính ngoài nghề làm mộc, còn say mê nghề điêu khắc tạc tượng


Bà Bê kể rằng: Chồng bà - ông Bùi Đức Tính, là bộ đội tình nguyện công tác ở Lào, còn chị cũng là bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Vốn là bạn học phổ thông với nhau ở quê (Hà Tây), nên hai người nên duyên vợ chồng trong quân ngũ. Ra quân, hai vợ chồng về quê sinh sống làm ăn và sinh con gái đầu lòng - Bùi Diệu Quỳnh (1985). Thế rồi, cũng vì quá khổ, bởi đất hẹp người đông, ruộng vườn không nuôi nổi người, năm 1987 vợ chồng bà quyết định đi KTM vào Đại Lào sinh sống.

Buổi đầu, trên quê hương mới, không có nương rẫy như bao người khác, cũng không có nghề gì căn cơ lâu dài do “lạ nước, lạ cái”, vợ chồng bà quyết định chọn nghề “truyền thống” ngoài quê mang vào làm kế sinh nhai, đó là, vợ làm nghề bánh đa, bánh cuốn; chồng làm nghề mộc. Nhưng do không có tiền để mua sắm dụng cụ đồ nghề, nên nghề mộc của ông Tính cũng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, gia công những đồ vật sinh hoạt “lặt vặt” cho bà con lối xóm, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông cậy vào thu nhập nghề bánh đa, bánh cuốn của vợ. Thế nên, hàng ngày, bà Bê phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng, cặm cụi xay bột, tráng bánh đa, phơi ra nong, hoặc làm bánh cuốn xếp gọn vào thúng, để sáng sớm, chồng buộc lên xe đạp mang đến các quán ăn, hàng tạp hóa “bỏ mối” cho người ta. Hành trình đi tiêu thụ bánh đa, bánh cuốn của anh Tính cũng không kém phần vất vả, bởi chỉ với chiếc xe đạp “cà tàng” và đôi chân trần “không biết mệt mỏi” anh phải len lỏi khắp mọi vùng quê không chỉ ở xã Đại Lào, mà đến tận chân đèo Bảo Lộc, hoặc ngược lên xã Lộc Châu, phường Lộc Tiến; B'Lao xa xôi, cách trở. Chính trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó này, hạnh phúc của họ ngày càng viên mãn khi các con của họ lần lượt ra đời và không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, các con ông, bà: Bùi Diệu Quỳnh (1985), Bùi Gia Duy (1987), Bùi Duy Tân (1989) những năm theo học phổ thông đều đạt học sinh giỏi. Hơn thế nữa, sau khi tốt nghiệp phổ thông, các con đều thi đậu vào các trường đại học danh tiếng, trong đó có người đã vươn xa ước mơ sang tận bầu trời tri thức châu Âu. Đó là con gái đầu Bùi Diệu Quỳnh thi đậu vào khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Va-rô-nhép, Cộng hòa Liên bang Nga. Những năm tháng học tại đây, do học bổng ít ỏi, phải dựa một phần vào sự tài trợ của gia đình, nên Diệu Quỳnh phải hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, nhiều khi một gói mì tôm ở nhà gửi sang phải chia làm hai bữa và nỗ lực không biết mệt mỏi trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Vì vậy, năm 2009, với tốt nghiệp bằng đỏ, về nước, Diệu Quỳnh được nhà nước cấp học bổng toàn phần sang nghiên cứu sinh ngành chính trị tại Trường Đại học Tổng hợp Tu La cũng của Cộng hòa Liên bang Nga. Đến nay, tiến sĩ Bùi Diệu Quỳnh đã là cán bộ của Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam. Noi gương chị gái, các em trai: Bùi Gia Duy, Bùi Duy Tân đều là những sinh viên có học lực giỏi của các Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội…

Cái giá của hơn 25 năm còng lưng bên nồi bánh đa của bà Nguyễn Thị Bê mang lại thật cao quý, vinh dự, bởi các con của bà đều ý thức được sự biết ơn vô bờ bến đối với bố mẹ để vượt nghèo, vượt khó vươn lên học hành đỗ đạt thành tài, hứa hẹn sẽ là người con hiếu thảo của gia đình, người công dân có ích của xã hội. Gia đình anh chị thật sự là tấm gương của anh Bộ đội Cụ Hồ, biết phát huy truyền thống anh hùng của một quân đội anh hùng và là gương sáng trong khuyến học, khuyến tài, nuôi dạy con cái vươn lên học tập thành tài, được xã hội tôn vinh là gia đình hiếu học!

Hoàng Kiến Giang