Kỷ niệm về khoá học trò đầu tiên

08:11, 08/11/2012

14 năm trước, khi vừa tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Anh văn tại Đại học Đà Lạt, trở về quê Đắc Lắc, tôi nhận ngay nhiệm sở ở Trường THPT huyện Krông Bông, một huyện nghèo vùng sâu nằm dưới dãy núi Chư Gyang Sin hùng vĩ của cao nguyên Đắc Lắc...

14 năm trước, khi vừa tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Anh văn tại Đại học Đà Lạt, trở về quê Đắc Lắc, tôi nhận ngay nhiệm sở ở Trường THPT huyện Krông Bông, một huyện nghèo vùng sâu nằm dưới dãy núi Chư Gyang Sin hùng vĩ của cao nguyên Đắc Lắc. Tâm trạng hụt hẫng luôn túc trực trong tôi vì cuộc sống thiếu thốn mọi thứ và còn nuối tiếc đời sống sinh viên nơi phố thị. Nhưng chính những học trò đầu tiên là những người đã giúp tôi lấy lại cân bằng và trở nên yêu vùng đất khô cằn còn hoang vu ấy.

Trường THPT Krông Bông nơi tôi bước vào nghiệp giáo đầu tiên lúc đó chỉ là 2 dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, nằm hút sâu sau mấy rặng cây Sao cổ thụ. Mặc dù tôi được những đồng nghiệp nơi đây đa phần còn rất trẻ chào đón nồng nhiệt, họ dành cho tôi những nụ cười thân thiện, những cái bắt tay nồng ấm nhưng lòng tôi vẫn chùng xuống, thất vọng về một nơi chốn xa xôi, hẻo lánh còn thiếu thốn trăm bề, là vùng đất xây dựng kinh tế mới của các tỉnh QuảngNam, Quảng Ngãi vào thập niên 70 của thế kỷ 20. Môi trường nơi đây thật quá xa vời với những suy nghĩ hão huyền về tương lai khi tôi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Tôi được hiệu trưởng nhà trường bố trí chỗ ở vào một phòng cuối cùng của dãy nhà tập thể giáo viên. Cả dãy phòng chưa có nước có điện, hàng đêm phải soạn giáo án dưới chiếc đèn cầy leo lét và nghe tiếng gió rít từng cơn từ những rạng Phi lao trồng xung quanh khu nhà tập thể của giáo viên. Suốt ba bốn tháng đầu, hàng đêm tôi cứ khóc rưng rức. Khóc vì buồn và sợ, tuy đã quen với cuộc sống xa gia đình trong 4 năm học đại học nhưng là con gái như tôi, phải ở một nơi xa xôi, heo hút và mọi thứ hoàn toàn đang xa lạ như thế, tôi luôn có cảm giác thiếu an toàn cho bản thân.

Là giáo viên mới ra trường, nhưng ở một trường vùng sâu, vùng xa còn thiếu nhân sự, nhà trường phân cho tôi chủ nhiệm một lớp 10, Ban giám hiệu cũng đặt nhiều kỳ vọng nơi cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Tôi thật sự lúng túng vì lần đầu tiên được quản lý lớp học và cảm thấy trách nhiệm khá nặng nề trước những kỳ vọng của cấp trên.

Lớp học tôi chủ nhiệm đầu tiên có em là học sinh cá biệt của trường, từng phải đi trại giáo dưỡng vì tội trộm cắp, gây rối. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ nên rất thiếu thốn tình cảm, có em sau giờ học phải đi làm mướn kiếm tiền lo cho gia đình và trang trải việc học… Dù mỗi em mỗi hoàn cảnh bi đát là vậy, nhưng bù lại các em lại cho tôi niềm vui là luôn khao khát kiến thức và ý thức vượt lên hoàn cảnh để mong có một tương lai tươi sáng hơn.

Tuy thiếu thốn vật chất nhưng tình cảm ở vùng đất hẻo lánh này lại tràn đầy, cô và trò chỉ cách nhau dăm bảy tuổi nên chúng tôi cũng có nhiều thứ đồng cảm vì gần như cùng chung tâm lý độ tuổi. Tình cảm giữa cô và trò rất chân tình, mộc mạc, các em học sinh tôi chủ nhiệm giúp cô từ những việc rất vặt vãnh nhưng chan chứa tình người đến khó quên, như giờ ra chơi hay sau buổi học mỗi ngày, các em thay nhau đi xách từng xô nước sạch về phòng tập thể để cô dùng, có em mang đến cho cô từng củ sắn, trái bắp là những thứ nông sản gia đình các em đang canh tác. Tôi thật sự cảm thấy ấm áp và hạnh phúc vì những cử chỉ đẹp ấy.

Theo chủ nhiệm các em suốt 3 năm cấp 3, tình cảm cô trò càng khắng khít theo năm tháng. Một kết quả rất mừng là tỉ lệ tốt nghiệp PTTH lớp tôi chủ nhiệm đầu tiên năm đó khá cao so với toàn trường. Phần nữa các em đã vào được các trường đại học, cao đẳng, có em nay trở về làm giáo viên ngay tại trường. Tuy lúc trưởng thành, lớp học sinh tôi chủ nhiệm đầu tiên khi bước vào nghề giáo sống mỗi người mỗi nơi, nghề nghiệp cũng rất khác nhau nhưng cứ vào mồng 4 tết hàng năm, các em lại tổ chức họp mặt tại quê nhà Krông Bông và luôn liên lạc cùng nhau chúc tết cô.Tôi cảm thấy rất áy náy, từ 10 năm qua khi tôi theo chồng về Đà Lạt sinh sống, vì công việc chưa một lần về tham dự ngày họp mặt vào mồng 4 tết của học trò cũ ở vùng đất Krông Bông giàu tình cảm đó.

Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc, tuy hiện sinh sống khá xa lớp học sinh cũ về khoảng cách, nhưng mỗi năm tôi đều ba bốn lần được đón những học sinh cũ đến thăm qua những chuyến công tác, du lịch đến Đà Lạt. Có em còn dẫn cả vợ chồng, con cái tới thăm cô giáo cũ là tôi. Các em cho tôi biết, các bạn trong lớp tuy mỗi người mỗi nghề nhưng đều có công việc, thu nhập ổn định tôi rất mừng…

Một kỷ niệm không thể quên là dịp tết Nhâm Thìn (2012) vừa qua, vào đúng mồng một tết 4 học sinh cũ ở Krông Bông đã lặn lội trên 200km để đến chúc tết cô. Lý do cũng rất đặc biệt đó là Hàng (một học sinh nữ của tôi) bị căn bệnh ung thư, trước tết 3 tháng Hàng gọi điện cho tôi khóc như một đứa trẻ con và cho biết mình đã bị ung thư, gia đình đang thu xếp đưa Hàng qua Mỹ điều trị. Hàng nhắn tôi mọi diễn biến bệnh tình của Hàng, Hàng đã nhờ người thân sẽ liên lạc thông báo cho tôi biết. Trước Tết 10 ngày Hàng trở về lại Việt Nam với sức khỏe khá tốt, ngày mồng một Tết Hàng rủ thêm 3 bạn khác đi Đà Lạt chúc tết cô, có lẽ suy nghĩ của Hàng lúc đó đây là cái tết cuối cùng của em!?. Nhưng đến hôm nay, một cái tết mới đã gần đến sức khoẻ của Hàng vẫn tốt, đúng là một diễm phúc mà thượng đế đã dành cho em!

10 năm xa cách, về sinh sống ở Đà Lạt, giảng dạy tại Trường Bán trú THPT LangBiang. Tôi đã có nhiều đồng nghiệp mới, những học trò nơi tôi đang công tác cũng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Mọi người cũng dành cho tôi nhiều tình cảm tốt đẹp, chân tình. Nhưng với tôi lớp học trò đầu tiên đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, các em luôn là động lực để tôi gắn bó và phấn đấu về nghề nghiệp của mình ngày càng hoàn thiện hơn.

QUỲNH ANH