Một ngày với “Trái tim Cao nguyên”

03:11, 29/11/2012

Một ngày với “Trái tim Cao nguyên”, tôi cảm nhận được trái tim hồng của các anh chị vẫn tràn ngập yêu thương. Phía trước những mảnh đời bất hạnh vẫn rất cần những cánh tay dang rộng, cần lòng nhân ái của tất cả mọi người quan tâm, giúp đỡ...

Một ngày với “Trái tim Cao nguyên”, tôi cảm nhận được trái tim hồng của các anh chị vẫn tràn ngập yêu thương. Phía trước những mảnh đời bất hạnh vẫn rất cần những cánh tay dang rộng, cần lòng nhân ái của tất cả mọi người quan tâm, giúp đỡ. Chuyến đi lần này của đoàn hướng đến Trại tâm thần Trọng Đức ở Thanh Bình (Đức Trọng), nơi có gần 300 mảnh đời bất hạnh, không may mắc bệnh tâm thần đến từ khắp các tỉnh trong cả nước.

Các dì, các anh bưng từng ly sữa đậu nành cho người bệnh
Các dì, các anh bưng từng ly sữa đậu nành cho người bệnh


Để chuẩn bị cho 300 phần ăn đến tận tay những người bệnh tâm thần vừa ngon, vừa bổ dưỡng, các dì, các chị trong nhóm đã phải đi chợ và chuẩn bị từ chiều hôm trước (nguồn kinh phí do các mạnh thường quân và các thành viên trong nhóm đóng góp). Khác với những lần trước, đa phần nhóm nấu cơm mặn và trái cây tráng miệng thì lần này đúng vào ngày rằm nên các chị đã nấu các món chay, món chính là lagu bánh mì được nấu từ các loại đậu, nấm và rau củ quả của Đà Lạt. Các chị nói để giúp người bệnh thêm thanh tịnh trong lòng, mau bớt bệnh. Trước bữa ăn chính, đoàn chúng tôi mang từng ly sữa đậu nành nóng hổi do các chị tự tay xay đậu và nấu cho người bệnh uống. Ngoài ra, đoàn còn tặng bánh snack, đông sương, kẹo và nhiều thùng mì gói, áo quần cho người bệnh.

Trại nam (nơi dành cho người tâm thần nam sinh sống) là nơi tôi và đoàn đến trước. mặc dù có báo trước, nhưng đoàn chúng tôi không gặp được người chủ trại vì đêm hôm trước hai ông bà Thu - Hằng đã phải đưa một bệnh nhân tâm thần cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng vì bệnh nhân này trốn trại và trong lúc lên cơn “điên” đã không may đâm đầu xuống một con kênh gây chấn thương. Trại nam hiện có 185 người tâm thần. Mỗi bệnh nhân là một mảnh đời bất hạnh, họ được gia đình đưa đến đây gửi gắm, nhờ ông bà Thu - Hằng nuôi dưỡng người thân, cũng có những người được ba má Thu - Hằng đưa về đây trong một lần gặp tình cờ nào đó, rồi có những bệnh nhân vào rồi lại trở về với gia đình, rồi lại xin trở lại. Có những bệnh nhân như K’Bình ở thôn 10, xã Phú Thọ, huyện Lâm Hà vì một lý do tâm lý nào đó bỗng dưng bị “điên” được đưa vào trại nuôi dưỡng, chữa bệnh, được 3 năm 1 tháng thì khỏi bệnh, tỉnh táo trở lại bình thường và K’Bình xin tự nguyện được ở lại để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình. K’Bình tâm sự: “Sau khi hết bệnh, em xin ba má cho em được ở lại phục vụ người bệnh ở trại, công việc hàng ngày của em là quét dọn, lau chùi nhà cửa, tắm rửa, giặt đồ cho các bệnh nhân. Nói chung, công việc rất nhiều và em cảm thấy mình làm một điều có ích để trả công ba má thì em làm thôi”.

Trở lại trại nữ (hiện có 160 người tâm thần nữ sinh sống tại đây), cách trại nam chừng 200m, tôi thấy các dì, các chị trong nhóm đang hối hả múc từng tô lagu nóng hổi cho bệnh nhân nữ. Tôi tới khu vực 11 - khu vực dành cho những bệnh nhân “nặng” ở trại, từ phía trong gian nhà những đôi mắt, đôi bàn tay cứ muốn níu chúng tôi lại. Có bé gái 14 tuổi từ Tp.Hồ Chí Minh lên, cứ dang đôi tay qua cửa và xin được nắm lấy tay tôi. Em nói: “Cho con nắm tay đi, cô ơi!”. Không ngần ngại, tôi nắm chặt lấy đôi bàn tay của em và cảm nhận đôi bàn tay mềm mại nóng ấm của em. Tôi động viên em: “Con cố gắng lên nhé, chữa khỏi bệnh rồi về với ba me!”. Tôi hỏi: “Ba mẹ có lên thăm em không?”. Em hồn nhiên nói: “Có chứ, mẹ lên cho em tiền và kẹo nữa!”. Vừa nói, nước miếng trong miệng cứ nhểu ra và đôi mắt em ngấn lệ, bước đi khật khưỡng không vững trên sàn nhà. Tôi và một chị bạn trong nhóm nhìn nhau và không khỏi chạnh lòng, thấy con như vậy cha mẹ nào mà không khỏi xót xa! Nhìn sang thấy chị Hồng hỏi chuyện khá lâu một bệnh nhân nữ từ Đà Lạt xuống, lúc sau tôi mới biết đó cũng là một mảnh đời khá đặc biệt, hai vợ chồng chị ấy, chồng mù - vợ điên, có một con gái đang học lớp 11. Người vợ phải nhờ trại nuôi dưỡng, còn người chồng mù và cô con gái được chị gái cưu mang bằng nghề trông giữ trẻ ở Trại Mát. Thỉnh thoảng người chồng mù xuống thăm được người vợ “điên” nhưng chị vợ vẫn nhớ một điều khi có người hỏi thăm: “Em không về đâu, ở đây chịu khó uống thuốc mau khỏi bệnh em sẽ được về với chồng và con gái!”. Ấy là khi tỉnh táo, còn những lúc lên cơn “điên” thì các bệnh nhân rất tội nghiệp. Có người mỗi lần lên cơn điên là cắn tai, cắn tay người bệnh khác chảy máu, xé quần, xé áo, vì thế không cho tiếp xúc với những thứ nguy hiểm như điện, nước, lửa… để phân biệt giữa bệnh nhân nặng và nhẹ nên phải tách biệt ra thành nhiều khu như vậy.    

Đến Trại tâm thần Trọng Đức, mặc dù không có ông bà phụ trách, cai quản ở nhà nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng gì tới hoạt động của nhóm. Tôi cảm nhận được điều các anh chị muốn làm là được trực tiếp giúp đỡ người bệnh. Không ai bảo ai, 30 thành viên trong nhóm thiện nguyện “Trái tim Cao nguyên” và nhóm “Từ thiện trẻ” có mặt trong ngày hôm nay, có người đã từng là nhà giáo, nhà báo, nhà kinh doanh, các dì, các mẹ, các chị ở chợ Đà Lạt, có chị bán bún bò Huế, người buôn bán nhỏ… tất cả đều có chung một tâm nguyện “tự nguyện làm việc thiện theo đức Phật từ bi, bác ái, giúp lòng thanh thản hơn”.

Tác giả bài viết cũng mong rằng, những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn trên mảnh đất Cao nguyên Lâm Đồng sẽ được “Trái tim Cao nguyên” tiếp sức, nâng đỡ bước chân họ, giúp họ bước tiếp trong quãng đời còn lại bớt gian truân, ngặt nghèo hơn, giúp họ thêm yêu cuộc sống và cảm nhận được tình yêu thương giữa con người với con người.

Nguyệt Thu