Sẽ dần tiến đến sản xuất vật liệu xây dựng không nung

02:11, 27/11/2012

Xây dựng lộ trình giảm dần và tiến đến chấm dứt việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công; tăng cường việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung là nội dung chính của một chỉ thị mới đây (cuối tháng 10/2012) của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Xây dựng lộ trình giảm dần và tiến đến chấm dứt việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công; tăng cường việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung là nội dung chính của một chỉ thị mới đây (cuối tháng 10/2012) của UBND tỉnh Lâm Đồng. Được biết, Chỉ thị “Về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” là cụ thể hoá việc thực hiện nội dung Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.

Sẽ tiến tới xoá bỏ hoàn toàn sản phẩm gạch nung
Sẽ tiến tới xoá bỏ hoàn toàn sản phẩm gạch nung


Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gạch đất sét nung

Chỉ thị nói trên của UBND tỉnh Lâm Đồng (Chỉ thị số 06/2012/CT-UBND ngày 23/10/2012) nêu rõ: Qua công tác vận động, đến nay đã có 10 cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trong tỉnh đã đăng ký chuyển đổi công nghệ thiết bị, và một số cơ sở khác đã cam kết chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công để chuyển sang ngành nghề khác vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, cũng theo văn bản này, theo báo cáo của ngành chức năng thì hiện cả tỉnh “vẫn còn tồn tại khoảng 40 lò gạch thủ công đang hoạt động tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà, Đơn Dương không đảm bảo môi trường, một số đang nằm trong khu dân cư không phù hợp quy hoạch…” là điều rất đáng lo ngại.

Theo một tài liệu khác, qua kiểm tra, cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã nêu thực trạng của các lò gạch thủ công hiện có trên địa bàn toàn tỉnh là các chủ cơ sở hầu như không quan tâm đến chuyện công bố tiêu chuẩn sản phẩm; bởi nguồn nhiên liệu đưa vào sử dụng đốt lò là củi rừng, mùn cưa nên việc ô nhiễm môi trường khó tránh khỏi; các lò gạch ngói hầu như khai thác nguồn đất sét tự phát nên gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng… Theo Chỉ thị số 07/2010/CT-UBND ngày 27/9/2010 của UBND tỉnh thì trong thực tế, hoạt động của các cơ sở này đã và đang gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân, gây ảnh hưởng không tốt đến vấn đề tài nguyên… Bởi vậy, không chỉ di dời các cơ sở sản xuất gạch thủ công đến những vùng an toàn hơn hoặc chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở đó mà theo chỉ thị mới nhất của UBND tỉnh Lâm Đồng thì vấn đề đặt ra trong trong thời gian sắp tới phải là hạn chế để tiến tới không sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên phạm vi toàn tỉnh.

Tiến đến vật liệu không nung

Điều đáng ghi nhận là trong vài năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng một vài giải pháp có tính quyết định trong việc dần xoá bỏ lò gạch thủ công từ lò nung đốt bằng phương pháp kiểu lò đứng. Nhiều hộ nông dân ở Cát Tiên, Đạ Tẻh… (các địa phương thực hiện chương trình chuyển đổi lò nung kiểu cũ sang lò nung đứng) cho biết, với phương pháp mới (lò nung đứng), năng suất đã được tăng lên, giảm đáng kể việc ảnh hưởng đến môi trường… Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ! Vấn đề đặt ra trong lúc này theo xu thế phát triển chung: Hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới thay thế toàn bộ các lò sản xuất gạch từ lò nung kiểu cũ và cả các cơ sở sản xuất lò nung kiểu đứng sang sản xuất vật liệu không nung.

Một cán bộ chuyên môn của Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết: Gạch không nung ở ta còn gọi là gạch block, hay gạch “blốc bê tông”. Về bản chất của sự liên kết tạo hình, gạch không nung khác hẳn với gạch đất nung. Trong quá trình được sử dụng, gạch không nung sẽ tăng dần độ bền từ các phản ứng “hoá đá” nhờ hỗn hợp tao gạch theo thời gian. “Độ bền và độ rắn của viên gạch không nung tốt hơn gạch đất sét nung; và điều này đã được kiểm chứng ở nhiều quốc gia có nền xây dựng tiên tiến như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…” - vị cán bộ chuyên môn của Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết. Tại một số công trình xây dựng lớn trong nước có sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay cho gạch nung như Keangnam Hanoi Landmard Tower (đường Phạm Hùng, Hà Nội), Sông Giá resort (Hải Phòng), Sân Vận động Mỹ Đình (Hà Nội)… đã chứng tỏ tính vượt trội của gạch không nung: Có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, phòng hoả, chống thấm, chống nước… tốt; kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo… hơn vật liệu nung; tiết kiệm chi phí…

Chỉ thị nói trên của UBND tỉnh Lâm Đồng còn nêu rõ: Yêu cầu UBND các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà và Đơn Dương “khẩn trương rà soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công còn tồn tại trên địa bàn tự xây dựng lộ trình chấm dứt sản xuất hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, tổng hợp gửi Sở Xây dựng trước ngày 30/11/2012”. Rõ ràng, việc chấm dứt sản xuất vật liệu xây dựng bằng gạch nung để tiến tới sản xuất vật liệu dùng trong xây dựng không nung là xu thế tất yếu trong tương lai gần!

Khắc Dũng