Hiện nay, tuổi dậy thì đến sớm hơn, trung bình ở nam 14,7 tuổi và nữ 14 tuổi, trong khi tuổi kết hôn quy định muộn hơn (nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi). Hiểu biết về cơ thể và tâm sinh lý lứa tuổi, có kiến thức về tình bạn, tình yêu, hôn nhân, kỹ năng sống là cách để mỗi bạn trẻ độ tuổi vị thành niên - thanh niên (VTN-TN) chủ động hơn trong cuộc sống.
Hiện nay, tuổi dậy thì đến sớm hơn, trung bình ở nam 14,7 tuổi và nữ 14 tuổi, trong khi tuổi kết hôn quy định muộn hơn (nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi). Hiểu biết về cơ thể và tâm sinh lý lứa tuổi, có kiến thức về tình bạn, tình yêu, hôn nhân, kỹ năng sống là cách để mỗi bạn trẻ độ tuổi vị thành niên - thanh niên (VTN-TN) chủ động hơn trong cuộc sống.
Hàng năm, thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em gái từ 15-19 tuổi sinh con, chiếm 10% tổng số trẻ em sinh ra trên toàn thế giới. Cứ 20 người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thì có 1 người ở tuổi vị thành niên. Một số bệnh giang mai, lậu vốn xảy ra ở người lớn, đã xuất hiện ở 1,2-1,5% trẻ em dưới 15 tuổi; học sinh, sinh viên mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng gấp 6 lần trong vòng 4 năm qua (theo Viện Da Liễu Trung ương). Chăm sóc sức khoẻ sinh sản VTN-TN là nội dung quan trọng của chương trình DS-KHHGĐ. Mô hình giáo dục đồng đẳng cho vị thành niên, thanh niên về sức khoẻ sinh sản được triển khai tại nhiều trường học ở Lâm Đồng đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng chăm sóc SKSS, nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của VTN-TN; giảm tỉ lệ nạo hút thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
BS Thiều Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Đà Lạt cho biết: Hàng năm Trung tâm có chương trình phối hợp với Thành đoàn Đà Lạt về tuyên truyền chăm sóc SKSS VTN-TN. Năm 2010, Trường THPT Đống Đa được chọn thí điểm mô hình đầu tiên. Các hoạt động như: xây dựng góc truyền thông trong thư viện nhà trường để các tài liệu về SKSS VTN-TN cho các em tự tìm hiểu, mở hòm thư giải đáp thắc mắc về bản thân, tâm sinh lý; thành lập tổ tư vấn kiến thức về chăm sóc SKSS VTN-TN trong nhà trường, phân công nhóm phụ trách phát thanh, nhóm sưu tầm tài liệu, nhóm tư vấn trực tiếp… Tổ chức sinh hoạt ngoại khoá nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp về SKSS VTN-TN, giao lưu về: những thay đổi thể chất, tâm lý, tình cảm ở tuổi VTN; tình bạn và tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục; phòng tránh có thai và phá thai ở tuổi VTN; phòng ngừa kết hôn sớm, phòng tránh xâm hại, lạm dụng tình dục ở VTN; các biện pháp tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; những kỹ năng sống cho VTN… Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm triển khai đề án kiểm tra sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân tại các phường 1, 2, 9, 10. Tổ chức khám sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân cho 1.393 học sinh tại các trường THPT Chi Lăng, Bùi Thị Xuân, Trần Phú và xét nghiệm máu cho 131 trường hợp. Tổ chức 320 buổi tuyên truyền cho khoảng 9.600 lượt học sinh.
Ông Bùi Ngọc Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Đức Trọng cho rằng: “Qua những đợt khám bệnh cho VTN-TN chương trình đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh liên quan đến SKSS và đã chữa trị kịp thời đem lại sự tin tưởng của các em và gia đình. Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ Đức Trọng phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, mời bác sĩ có kinh nghiệm về lĩnh vực SKSS nói chuyện, tư vấn, giao lưu, mỗi buổi có từ 300-400 học sinh của các trường THPT Đức Trọng, Chu Văn An, Nguyễn Trãi tham gia. Học sinh được khám sức khoẻ để phát hiện kịp thời các bệnh liên quan đến SKSS, ban đầu các em còn e ngại, nhưng qua nhiều lần tổ chức khám bệnh thì số lượng tham gia ngày càng đông hơn, có ngày chương trình khám cho 300-400 em.
Ở Đạ Huoai, sau 3 năm triển khai chương trình giáo dục đồng đẳng cho VTN-TN về SKSS đã xây dựng các CLB tiền hôn nhân tại các xã, thị trấn nhằm tạo cơ hội tiếp cận thông tin phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS, tình bạn, tình yêu, hôn nhân góp phần xây dựng lối sống lành mạnh cho bạn trẻ. Năm 2012, Trung tâm DS-KHHGĐ Đạ Huoai phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp trong huyện tổ chức 4 lớp tập huấn và 6 buổi tư vấn SKSS VTN-TN thu hút hơn 6.000 lượt đoàn viên thanh niên, khám sức khoẻ cho 600 học sinh cấp 3, tổ chức sinh hoạt chuyên đề về thanh niên với kiến thức SKSS-KHHGĐ tại 10 cơ sở. Ông Cao Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Đạ Huoai cho rằng để mô hình đạt hiệu quả cao, thì phải đổi mới nội dung thiết thực, hiệu quả phù hợp với trình độ, nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng VTN-TN. Tạo môi trường thoải mái để các em tự tin giãi bày những tâm tư tình cảm của mình như tổ chức nhóm nam, nhóm nữ riêng biệt…
Chị Phan Thị Hương, chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phù Mỹ huyện Cát Tiên cho biết: huyện triển khai mô hình giáo dục đồng đẳng cho VTN-TN về SKSS tại 3 trường THPT với khoảng 1.900 học sinh các trường THPT Cát Tiên, Gia Viễn, Quang Trung. Chương trình đã tư vấn, khám sức khoẻ cho khoảng 600 học sinh, các buổi sinh hoạt ngoại khoá hàng năm thu hút 7.200 học sinh. Tuy nhiên, do đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn lĩnh vực SKSS-KHHGĐ còn thiếu và yếu, hoạt động ngoại khoá chưa thường xuyên, nhận thức của phụ huynh về SKSS VTN-TN còn hạn chế, nên chương trình chưa đạt kết quả cao. Gia Viễn là xã thực hiện đề án tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân, nhưng có 2 em khi đang ngồi ghế nhà trường đã mang thai phải bỏ học.
AN NHIÊN