Đời sống văn hóa ở một vùng có đạo

03:12, 19/12/2012

Đó là một vùng dân cư được hình thành từ năm 1956 khi bà con ở Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến đây lập nghiệp. Lúc bấy giờ, vùng này được đặt tên là xã Tân Phát với dân số khoảng 2.000 dân và 100% là theo đạo Công giáo... Và sau năm 1975 xã được đổi tên là xã Lộc Phát và bây giờ là phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc.

Đó là một vùng dân cư được hình thành từ năm 1956 khi bà con ở Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến đây lập nghiệp. Lúc bấy giờ, vùng này được đặt tên là xã Tân Phát với dân số khoảng 2.000 dân và 100% là theo đạo Công giáo... Và sau năm 1975 xã được đổi tên là xã Lộc Phát và bây giờ là phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc.

Ước nguyện hòa bình
Ước nguyện hòa bình


Với diện tích đất tự nhiên là 2.573 ha, phường Lộc Phát có 5.065 hộ dân với 20.960 khẩu và 6 dân tộc anh em sống ở 20 tổ dân phố. Do bà con theo đạo Công giáo chiếm hơn 90% nên cùng với xã Lộc Thanh nơi đây được xem là những vùng có đạo tập trung nhiều ở Bảo Lộc với 4 giáo xứ, 1 giáo sở, 3 nhà dòng nữ tu và 17 cơ sở thờ tự đã được Nhà nước công nhận, cho phép hoạt động.

Ở phường Lộc Phát có đến 8 linh mục lo việc làm lễ, dạy giáo lý và các việc liên quan đến đạo... Trong các giáo xứ, giáo sở còn có một số chức sắc, chức việc do bà con giáo dân bầu ra để đại diện giáo dân lo việc đạo và là cầu nối giữa giáo dân và linh mục quản xứ. Đại đa số chức sắc, chức việc có tinh thần dân tộc và  yên tâm làm việc đạo. Nhiều chức sắc được nhân dân tín nhiệm chọn cử vào HĐND, UBMTTQ và đoàn thể các cấp. Từ đầu năm, các giáo xứ, giáo sở đăng ký lịch hoạt động cả năm với chính quyền địa phương, việc sửa chữa, xây dựng mới các nơi thờ tự có xin phép và được cho phép mới làm nên hiện nay đã có nhiều cơ sở thờ tự được tu bổ, xây mới khang trang, đẹp đẽ.

Về các phong trào của địa phương, các giáo xứ, giáo sở thường xuyên kết hợp chặt chẽ để có thể đạt kết quả cao nhất, như các phong trào văn hoá – văn nghệ, thể dục - thể thao, phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào nhân đạo từ thiện… và đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Do xác định được Văn hoá là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương đã phối hợp thành lập Ban Chỉ đạo hoạt động một cách thường xuyên và còn ban hành các văn bản liên quan đến phát triển văn hoá một cách hài hòa với phát triển kinh tế. Từ năm 2000 đến năm 2010, phường Lộc Phát luôn đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách cấp trên giao; đến năm 2011 đạt 83% kế hoạch năm và năm 2012 đạt đến 90% kế hoạch năm… Tỷ lệ hộ nghèo toàn phường năm 2000 còn 5,58% nhưng đến năm 2012 chỉ còn 2,25%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và kiện toàn…

Riêng về văn hóa, bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện tốt các quy ước khu dân cư văn hóa, phường Lộc Phát đã tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa. Tính từ năm 2000 đến nay, phường xây dựng được 9 hội trường khu phố, 1 trung tâm sinh hoạt văn hóa - thể thao với tổng kinh phí trên 1 tỷ 260 triệu đồng, đầu tư trang bị hệ thống truyền thanh cho 12 cụm tổ dân phố với tổng kinh phí 125 triệu đồng; đào tạo, quy hoạch cán bộ làm công tác văn hóa... Hàng năm, UBND phường đều đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hoá thể thao, và chính do việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của các cấp, các ngành và địa phương nên các hoạt động văn hóa - văn nghệ những năm qua luôn được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Các tổ dân phố đều thành lập câu lạc bộ gia đình văn hóa và duy trì hoạt động thường xuyên… Ngoài ra, trong phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương, nghĩa tình đồng đội cũng đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2000 đến nay, phường xây dựng được 17 căn nhà với tổng kinh phí gần 230 triệu đồng… Phong trào làm đường giao thông nông thôn cũng được bà con giáo dân nhiệt tình hưởng ứng và riêng năm 2012, nhân dân đã đóng góp 3,8 tỷ đồng nâng cấp và sửa chữa 5,8 km đường giao thông…

Thông qua các hoạt động nêu trên, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở phường đã được nâng lên góp phần từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư. Năm 2000 tỷ lệ hộ gia đình văn hóa toàn phường mới đạt hơn 49% ; năm 2011 tăng lên đến hơn 88% cao hơn so với bình quân tỷ lệ này của thành phố là hơn 86%. Điều đáng nói là năm 2007, 12/12 khu phố đạt danh hiệu khu phố văn hoá, trong đó có 3 khu phố đạt danh hiệu khu phố văn hóa cấp tỉnh và 9 khu phố đạt danh hiệu khu phố văn hóa cấp thành phố. Năm 2010, phường Lộc Phát đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu xã văn hóa…

  Đạt được những kết quả khả quan như trên là do trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của phường Lộc Phát đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, tự do tín ngưỡng của người dân và hướng dẫn các cơ sở tôn giáo đăng ký hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó là sự phối hợp đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động truyền đạo trái phép, tổ chức tuyên truyền để nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh và loại bỏ việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện ý đồ chính trị; ngăn chặn và loại bỏ các văn hoá phẩm độc hại xâm nhập vào cộng đồng dân cư, tạo môi trường lành mạnh để nhân dân phát huy những giá trị văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Thực tế ở phường Lộc Phát minh chứng sinh động từ khi đất nước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân ta nói chung, vùng công giáo nói riêng mà cụ thể là ở Lộc Phát đã được nâng lên rõ rệt!

Bùi Thanh Long