Những “bàn tay vàng” trên nương chè Lộc Tân

03:12, 13/12/2012

Họ vốn là những người nông dân chân chất, hiền lành của núi rừng. Từ ngày có các doanh nghiệp trồng và chế biến chè chất lượng cao trên đất Lộc Tân, họ nhanh chóng trở thành những công nhân hái chè giỏi, những “bàn tay vàng” thực thụ của buôn làng K’Ho.

Họ vốn là những người nông dân chân chất, hiền lành của núi rừng. Cuộc sống bao đời nay của họ vẫn dựa vào nương rẫy là chủ yếu và chỉ quen với những công việc ít đòi hỏi về kỹ thuật. Thế nhưng, từ ngày có các doanh nghiệp trồng và chế biến chè chất lượng cao trên đất Lộc Tân, họ nhanh chóng trở thành những công nhân hái chè giỏi, những “bàn tay vàng” thực thụ của buôn làng K’Ho.

Chị Ka Kim
Chị Ka Kim

Người đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến là chị Ka Kim (30 tuổi, dân tộc K’Ho, ở thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm). Một ngày hái chè của Ka Kim bắt đầu từ 7 giờ sáng và “thông tầm”, kết thúc vào lúc 3 giờ chiều. Chị cho biết, 3.000 đồng là giá mà Công ty Tâm Châu trả cho chị cho mỗi ký búp chè tươi hái được. Như vậy, để có thu nhập 300.000 đồng/ngày, chị phải hái được 1 tạ chè búp tươi. Một số lượng khiến nhiều người DTTS ở đây hơi kinh ngạc. Ka Kim cho biết thêm: “Hái chè chất lượng cao rất khó. Phải làm sao để cho thật nhanh (3.000 đồng/1 kg) mà vẫn đảm bảo đúng kỹ thuật. Nếu không đúng kỹ thuật sẽ bị Công ty bắt nhặt lại thì tốn công lắm”.

Năm nay ở tuổi 30, chị Ka Hiền đã có 11 năm gắn bó với nghề hái chè. Chị kể rằng, từ trước đến nay chị vẫn thường xuyên hái chè cho Công ty Tâm Châu; trừ  khi Công ty hết việc, mới đi làm cho những cơ sở khác, như Công ty Tri Sun (Đài Loan) chẳng hạn. Hàng ngày, chị kiếm được khoảng 150.000 đồng, tương đương 40 kg búp chè tươi hái được. Số tiền tuy không nhiều, nhưng cũng phần nào giúp chị trang trải được cái ăn, cái mặc và chuyện học hành cho 4 đứa con nhỏ. Chị tâm sự: “Khi đến đợt hái chè, sẽ có người của Công ty chạy vào làng báo tin mai hái chè ở Đồi A, Đồi B, đồi này, đồi nọ… Thế là sáng mai, mọi người đã có mặt đông đủ trên những đồi chè”. Đối với chị, công việc hái chè cũng khá thuận lợi, vừa có thu nhập ổn định, lại vừa đỡ vất vả hơn làm những công việc khác.

Chị Ka Éo
Chị Ka Éo

Còn Ka Éo (sinh năm 1970) cũng đã có hơn 11 năm hái chè. Chị thật lòng: “Cái khổ nhất của việc hái chè là gặp những ngày mưa, không những bị trừ 25% số kg chè hái được, mà còn bị người quản công gây khó dễ trong việc cân chè. Ví dụ, để đảm bảo búp chè tươi nguyên, không bị dập, ôi, ngót…, Công ty quy định trọng lượng chè khi hái trong gùi không được vượt quá 5 kg. Và, nếu quá hoặc chưa tới 5 kg, thì họ sẽ không tính”. Cũng theo chị Ka Éo, cuộc sống của những người hái chè như chị còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, tiền thu nhập từ công việc hái chè của chị từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày đã giúp cho gia đình giải quyết được nhiều việc. Được biết, vào dịp Lễ hội Văn hoá Trà lần thứ 3 (năm 2010), tại Hội thi hái chè do Công ty Tâm Châu tổ chức, chị Ka Éo đã giành giải nhất, còn Ka Kim đạt được giải nhì.

Cứ vào ngày mồng 5 hoặc mồng 6 hằng tháng, công hái chè của các chị được chi trả một lần. Tuỳ vào sức khoẻ và độ nhanh nhẹn ở từng người mà số tiền nhiều hay ít. Chúng tôi quan sát thấy những nắm cơm gói mà các chị mang theo từ sáng, đến trưa các chị ăn vội cho đỡ đói để còn tiếp tục đôi tay thoăn thoắt cho chiếc gùi được đầy thêm. Bởi, đầy thêm đồng nghĩa với số tiền mà các chị mang về nuôi gia đình sẽ nhiều thêm.

Nhận xét về những “bàn tay vàng” của buôn làng K’Ho này, chị Bùi Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Tân, cho biết: “Cái đáng quý nhất ở những con người này là họ không quản ngại khó khăn, gian khổ. Họ cần cù, miệt mài với công việc để gom góp những đồng tiền trang trải cho cuộc sống”. Được biết, tới đây, ngày 21 đến 26/12/2012, Ka Kim, Ka Éo và Ka Hiền sẽ tiếp tục tham dự Hội thi hái chè (vòng sơ khảo được tổ chức tại Bảo Lâm). Nếu vượt qua vòng sơ khảo, những cô gái này sẽ tham dự tiếp vòng chung khảo tổ chức ở Nông trường Chè Đam B’ri (TP Bảo Lộc)”.

Từ chỗ chỉ biết khai thác những gì sẵn có trong tự nhiên để sống, thì ngày nay, các thôn nữ K’Ho không chỉ biết làm những công việc đòi hỏi nhiều về kỹ thuật mà còn làm giỏi. Chắt chiu, gom góp những kinh nghiệm của người đi trước, cùng sự trải nghiệm của bản thân, những thôn nữ này đã dần dần đáp ứng được yêu cầu của công việc mới, một công việc đòi hỏi nhiều về sự khéo léo và nhanh nhẹn.

TRỊNH CHU