Những đồng vốn bảo vệ môi trường

03:12, 04/12/2012

Năm 2010, Dự án “Quỹ quay vòng vốn vệ sinh” của tiểu dự án cấp nước tỉnh Lâm Đồng, thuộc dự án phát triển cấp nước đô thị Việt Nam từ vốn vay của Ngân hàng thế giới, đã dành 2,4 tỷ đồng cho nhiều gia đình có cơ hội nâng cao điều kiện sống…

Năm 2010, Dự án “Quỹ quay vòng vốn vệ sinh” của tiểu dự án cấp nước tỉnh Lâm Đồng, thuộc dự án phát triển cấp nước đô thị Việt Nam từ vốn vay của Ngân hàng thế giới, đã dành 2,4 tỷ đồng cho nhiều gia đình có cơ hội nâng cao điều kiện sống. Chị em được vay tiền xây mới và nâng cấp các công trình vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khoẻ gia đình. Sau 2 năm, với đặc điểm “quay vòng”, những đồng vốn ấy đang lớn dần, phát huy hiệu quả với nhiều gia đình phụ nữ vùng dự án.

Nước sạch về thị trấn D’Ran, Đơn Dương
Nước sạch về thị trấn D’Ran, Đơn Dương


Chị Nguyễn Phương Thảo, Trưởng Ban Kinh tế Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, nơi trực tiếp thực hiện dự án kể, mỗi lần đi đánh giá tình hình thực hiện, các chị lại chứng kiến cảnh đi vệ sinh khó khăn ở nông thôn. Chất thải được thải trực tiếp trên mặt đất, vừa mất vệ sinh, sức khoẻ của mọi người, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều. Số tiền dự án cho mỗi gia đình vay từ 4-8 triệu đồng với lãi suất 0,5%, trả trong vòng 60 tháng sẽ chỉ được sử dụng để cải tạo hoặc xây mới nhà vệ sinh hợp chuẩn. Từ 2,4 tỷ đồng ban đầu đã có 360 hộ thuộc 6 vùng dự án gồm thị trấn Nam Ban, thị trấn Tân Hà (Lâm Hà), thị trấn D'Ran (Đơn Dương), thị trấn Madaguoi, thị trấn Đạmri (Đạ Huoai) và thị trấn Bằng Lăng (Đam Rông). Các hộ chỉ phải trả số tiền gốc từ 90 tới 190 ngàn đồng/tháng. Đúng theo tính chất “quay vòng” số tiền gốc thu được, Hội LHPN tỉnh tiếp tục cho các hộ khác vay mới. Sau 2 năm thực hiện dự án, số tiền thu gốc đạt 800 triệu và vừa được giải ngân thêm cho 100 hộ vay. Chị Thảo khẳng định: “Chúng tôi gắng cho vay càng nhanh càng tốt vì số tiền quay vòng sẽ nhanh hơn. Từ số vốn gốc 2,4 tỷ, hiện doanh số cho vay đã đạt 3,2 tỷ đồng và ngày càng tăng”.

 Điều đáng nói là thông qua dự án này, hiệu quả của nguồn vốn vay đã phát huy tác dụng rất lớn. Không chỉ góp phần cải thiện môi trường, điều kiện sống của các hộ gia đình, Quỹ quay vòng vốn vệ sinh còn mang lại nhiều lợi ích khác trong việc tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, trách nhiệm của mọi người về giữ gìn vệ sinh cá nhân và cả việc giúp nhau cải thiện điều kiện kinh tế. Hội LHPN tỉnh cũng xác định sẽ mở rộng nguồn vốn, quay vòng nhanh để ngày càng có nhiều thành viên được thụ hưởng lợi ích từ dự án.

Không chỉ cho chị em vay vốn cải thiện điều kiện sống, những “ràng buộc” do dự án đặt ra cũng giúp chị em có thêm thu nhập. Đó là việc chị em tham gia những tổ tiết kiệm do Hội Phụ nữ tổ chức, đóng góp mỗi tháng từ 30-50 ngàn đồng tạo quỹ cho những hộ chị em nghèo vay để có thêm vốn phát triển sản xuất. Mỗi tháng, chị em đều họp các chi hội phụ nữ lồng ghép với tuyên truyền vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khoẻ, trẻ em, động viên nhau trả vốn, lãi vay đúng hạn. Cũng từ các cuộc họp tổ này, các bộ luật như: Luật Môi trường, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Luật Gia đình được lồng ghép tuyên truyền hiệu quả. Chị Vũ Thị Thơm, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà phấn khởi nói: “Nhìn chung là chị em ở đây còn nhiều khó khăn, có hộ không có nhà vệ sinh. Giờ thông qua quỹ này chị em có điều kiện hơn để xây dựng mới công trình vệ sinh làm sạch sẽ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nam Ban cũng vừa được xét cho thêm 20 hộ vay đợt 2, quỹ giúp nhau làm kinh tế cũng tăng khá, chị em rất mừng và càng mong vốn quay vòng nhanh để tới lượt mình”.

Tuy số lượng hội viên được tiếp cận nguồn vốn và địa bàn triển khai dự án chưa được rộng rãi, song những gì mà dự án đem lại đã giúp nhiều hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để xây dựng các công trình vệ sinh. Quan trọng hơn là nâng cao nhận thức cho hội viên vùng nông thôn trong việc sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, đẩy lùi dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Diệp Quỳnh