Tết Quý Tỵ này, “cánh đồng” hoa đào Nhật Tân của nông dân Chu Đức Lợi tiếp tục “phủ hồng” 3,5 sào đất giữa thị trấn Nam Ban, Lâm Hà. Nhìn lại đã mười mấy năm, ông Chu Đức Lợi vẫn lặng lẽ một ước vọng mở rộng vùng chuyên canh giống hoa đào Nhật Tân trên nhiều vùng đất của cao nguyên Lâm Đồng.
Tết Quý Tỵ này, “cánh đồng” hoa đào Nhật Tân của nông dân Chu Đức Lợi tiếp tục “phủ hồng” 3,5 sào đất giữa thị trấn Nam Ban, Lâm Hà. Nhìn lại đã mười mấy năm, ông Chu Đức Lợi vẫn lặng lẽ một ước vọng mở rộng vùng chuyên canh giống hoa đào Nhật Tân trên nhiều vùng đất của cao nguyên Lâm Đồng.
Ông Chu Đức Lợi trong vườn đào Nhật Tân của mình đang “phủ hồng” trên đất Nam Ban, Lâm Hà |
Tôi đến thăm vườn đào Nhật Tân của ông Chu Đức Lợi vào một ngày đầu tháng chạp của năm Nhâm Thìn, lạc vào “cánh đồng hoa” đang điểm những sắc hồng chuẩn bị đón xuân mới Quý Tỵ. Anh Lợi nói: “Để đến tháng mười ba trong năm mà hoa đào mới đồng loạt lên búp điểm hồng, tôi phải tự nghiên cứu nhiều biện pháp kỹ thuật để “hãm” bớt thời gian sinh trưởng của cây…”. Ước tính đến Tết Quý Tỵ, vườn đào Nhật Tân của anh sẽ xuất vườn bao nhiêu cành? Anh Lợi tính nhanh: “Chỉ chọn cắt bán khoảng 400 cành có hình dáng, toả ra nhiều chi đẹp nhất, hoa nở dày và đều nhất”. Còn những gốc đào được tạo dáng thế thì sao? Anh Lợi nói thêm: “Khoảng 160 gốc đào đã tạo dáng thế cây cảnh, cũng sẽ đồng loạt ra hoa trong dịp Tết Quý Tỵ, giá bán mỗi gốc từ 5 triệu đến 20 triệu đồng…”.
Chuyện trò với anh Lợi mới hay rằng, năm ngoái vườn hoa đào của anh chỉ mới “phủ hồng” trên 1 sào đất thì năm nay đã tăng lên 3,5 sào, gồm 3 loài chính là hồng đào, bích đào và đào phai. Đây là kết quả của mười mấy năm đưa đào Nhật Tân, Hà Nội vào đất Nam Ban, Lâm Đồng chiết ghép, hoàn chỉnh những biện pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả cao. Đầu tiên vào năm 2000, anh Lợi bứng 50 gốc đào trong vườn nhà mình ở làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) vào trồng lập vườn khoảng 500m2 ở khu phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Chăm sóc đến Tết năm 2003 bắt đầu bán cành lứa đầu tiên. “Năm ấy với vài chục cành hoa đào đưa ra chợ Nam Ban từ ngày 28 đến 30 tháng chạp bán hết rất nhanh. Người mua cứ ngờ ngợ đào Nhật Tân từ Hà Nội đưa vào sao mà hoa tươi mới như vậy. Khi biết đào Nhật Tân của Nam Ban thì người mua tìm đến vườn nhà nhiều quá, không đủ số lượng cành đào để bán…” - anh Lợi kể lại.
Những năm sau này, khi đã khép kín phương pháp chăm trồng, nuôi sống đào Nhật Tân nở hoa trên đất Nam Ban, anh Lợi liên tục ra Lạng Sơn mua hàng trăm cây giống đào ăn trái về trồng nuôi gốc phát triển để ghép với mắt ghép của đào Nhật Tân đã “thuần hoá”. Quy trình chiết ghép sản xuất đào Nhật Tân trong vòng 3 năm là thu cành hoa bán gồm: 2 năm đầu trồng đào Lạng Sơn lấy gốc to bằng nắm tay là đạt. Ghép lên gốc mắt ghép của đào Nhật Tân rồi nuôi dưỡng trong vòng 1 năm nữa, cây sinh trưởng vào thời kỳ kinh doanh, khi tết đến nở rộ hoa đỏ hồng trên cành để cắt bán. Còn những giống “đào thế” thì chủ yếu ghép mắt ghép đào Nhật Tân để phát triển thành những cành hoa trên những thân gốc cây mai anh đào cổ thụ của Đà Lạt. Hàng năm, nhân rộng theo quy trình chiết ghép này, vườn hoa đào Nhật Tân của anh Lợi tăng đều diện tích từ 500m2 lên 1 sào và đến nay là 3,5 sào với 800 gốc cây, trong đó có hơn 400 gốc đã đồng loạt “phủ hồng” màu hoa từ Tết Quý Tỵ này.
“Dự báo Tết Quý Tỵ năm nay, tôi sẽ tuyển lựa cắt thu hoạch bán khoảng 400 cành hoa đào 3 loại là bích đào, hồng đào và đào phai. Dự báo giá bán trung bình mỗi cành 500 ngàn đồng, tôi thu về được 200 triệu đồng. Tính ra tiền vật tư, phân bón chỉ mất khoảng trên dưới 10 triệu đồng mà thôi…” - anh Lợi nói. Được biết vào dịp Tết năm Nhâm Thìn 2012, anh Lợi chỉ mới trồng trên 1 sào đất, đã cắt bán khoảng 200 cành đào và 20 gốc đào thế, tổng thu về hơn 200 triệu đồng. Sau hai cái tết nữa, vườn đào Nhật Tân ở Nam Ban, Lâm Hà 3,5 sào đất của anh Lợi sẽ ra hoa trên tất cả 800 gốc. Theo anh Lợi, thị trường hoa đào Nhật Tân chơi tết ở đất Nam Ban, Lâm Hà còn “quá rộng lớn” so với diện tích đất sản xuất của mình. Bởi vậy anh Lợi đang chặt bỏ nửa sào cà phê già cỗi để “khoanh nuôi” một vườn ươm trồng khoảng 100 gốc giống đào Lạng Sơn. Sau 3 năm trồng, đào Lạng Sơn “đơm hoa kết trái” rồi lấy hạt, gieo ươm hàng loạt cây giống để ghép vào mắt ghép đào Nhật Tân của anh Lợi, cung cấp cho nhu cầu trồng mới của nông dân quanh vùng. Anh Lợi mơ ước: “Năm, ba năm nữa, cây hoa đào Nhật Tân sẽ “phủ hồng” trên nhiều ha đất Nam Ban, Lâm Hà, lúc đó chúng tôi sẽ thành lập hợp tác xã vừa sản xuất vừa phát triển du lịch tham quan…”.
VĂN VIỆT