Theo chân trưởng thôn Lạc Thạnh Nguyễn Văn Trung (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), chúng tôi đến thăm gia đình chị Ngô Thị Lành trong những ngày đầu xuân. Trưởng thôn Nguyễn Văn Trung giới thiệu: “Chị Lành giờ là chủ sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo đầu tiên của thôn sau khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)”.
Theo chân trưởng thôn Lạc Thạnh Nguyễn Văn Trung (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), chúng tôi đến thăm gia đình chị Ngô Thị Lành trong những ngày đầu xuân. Trưởng thôn Nguyễn Văn Trung giới thiệu: “Chị Lành giờ là chủ sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo đầu tiên của thôn sau khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)”.
Chị Lành dọn dẹp sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo được đầu tư nhờ số tiền đi XKLĐ |
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, chị Lành phấn khởi “đây là thành quả sau 5 năm đi làm việc ở Đài Loan, gia đình tôi còn có một sân bóng đá mi ni sau nhà nữa”. Hơn 10 năm trước, chị Lành mạnh dạn đăng ký đi XKLĐ khi ở xã thông báo có đợt tuyển người giúp việc nhà tại Đài Loan. Vốn là thợ uốn tóc, còn chồng làm thợ nề nên gia đình chị vô cùng khó khăn khi nuôi hai đứa con nhỏ. Vậy là, chị dằn lòng để con ở nhà cho chồng chăm sóc, một mình khăn gói sang đất khách quê người mong sớm cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ chăm chỉ, chịu thương chịu khó vì tương lai, nên sau 5 năm dành dụm, chị đã có một khoản tiền gửi về để xây lại ngôi nhà vốn tạm bợ. Xa nhà, nhớ con, nhưng chị lại tiếp tục gia hạn hợp đồng để ở lại thêm mấy năm nữa kiếm thêm chút vốn về làm ăn và có tiền nuôi con ăn học. Từ giúp việc nhà, rồi bán hàng, công việc nào chị cũng chăm chỉ và sau gần 9 năm đi XKLĐ, chị trở về với một số vốn kha khá trong tay, số tiền mà trước đây có nằm mơ chị cũng không dám nghĩ. Chị liền đầu tư hơn 700 triệu đồng để làm sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, vừa tạo nguồn thu nhập cho gia đình, vừa góp phần cho phong trào thể dục thể thao trong thôn phát triển. Là sân bóng đầu tiên được đầu tư quy mô, bài bản nên thu hút nhiều thanh niên trong thôn tham gia. Trung bình mỗi ngày 4 trận, chị thu được hơn 1 triệu đồng, mỗi tháng sau khi trừ chi phí chị dư được khoảng 30 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình chị đã ổn định và khá giả, hai đứa con đứa cấp 2, đứa cấp 3 được đầu tư ăn học đầy đủ và dự định sẽ đi du học sau khi tốt nghiệp THPT. Giờ đây, có của ăn của để, chị Lành lại thường xuyên giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, chị sẵn sàng cho chị em trong thôn vay vốn làm ăn không lấy lãi. Những dịp thôn xóm có tổ chức giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, chị sẵn sàng cho mượn sân bóng đá cả ngày “để mọi người cùng rèn luyện sức khoẻ và góp phần làm cho phong trào của thôn thêm lớn mạnh”.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Trung cho biết, những năm gần đây, trong thôn Lạc Thạnh đã có nhiều người đi XKLĐ và có cuộc sống ổn định. Do được tuyên truyền về chính sách XKLĐ đến tận nhà nên bà con trong thôn đã hiểu và mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt là những người đã xuất cảnh nay trở về làm ăn có hiệu quả như chị Lành là bằng chứng thuyết phục những người trong thôn đăng ký tham gia XKLĐ. Chỉ tính riêng trong năm 2012, thôn Lạc Thạnh đã có 3 người đăng ký đi XKLĐ, đóng góp vào thành tích về XKLĐ của xã Tu Tra với gần 10 người, và là xã được đánh giá làm tốt về công tác XKLĐ trong năm qua.
Tuấn Hương