Tôi hẹn gặp anh Tâm vào một buổi sáng của những ngày đầu năm mới. Bằng chất giọng ấm áp và nụ cười luôn thường trực trên môi, anh Tâm đã vui vẻ kể cho tôi nghe về những tháng ngày đã qua, cùng những dự định mà anh đang ấp ủ.
Vui vẻ, tự tin, luôn biết cách đối đầu và vượt qua nghịch cảnh là những nhận xét mà bạn bè, người thân dành để nói về Ngô Văn Tâm, thành viên Hội Người khuyết tật TP.Đà Lạt.
Tôi hẹn gặp anh Tâm vào một buổi sáng của những ngày đầu năm mới. Bằng chất giọng ấm áp và nụ cười luôn thường trực trên môi, anh Tâm đã vui vẻ kể cho tôi nghe về những tháng ngày đã qua, cùng những dự định mà anh đang ấp ủ.
Anh Ngô Văn Tâm đang tạo thế cho tùng |
Lọt lòng, Tâm vốn là một đứa trẻ kháu khỉnh, hay ăn, chóng lớn. Những tưởng, cuộc sống của cậu rồi cũng sẽ êm đềm trôi qua như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rồi, khi vừa lên 1 tuổi, sau một cơn sốt bại liệt, đôi chân Tâm cứ thế teo dần đi và không còn cảm giác. Hết tuổi ẵm, bồng, cuộc đời của anh lại bắt đầu gắn với chiếc xe lăn. Đến tuổi đi học, Tâm cũng được ba mẹ cho đến trường như những đứa trẻ khác. Đôi chân Tâm vốn không đi được, mà con đường từ nhà đến trường lại khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, một mình Tâm không thể nào đi bằng xe lăn, nên mọi người trong nhà, rồi bạn bè, anh chị em bà con trong xóm đã thay nhau cõng anh tới trường. Nhờ lòng tốt và tình thương của mọi người, Tâm cũng học được đến hết lớp 8. “Học tới đây thì trường chuyển đi xa, mặc dù rất muốn học tiếp nhưng vì điều kiện không cho phép nên tôi đành bỏ ngang việc học” - giọng anh vẫn đầy nuối tiếc.
16 tuổi, trong một lần được đoàn bác sĩ từ Sài Gòn lên khám, anh được giới thiệu về Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt tại TP.HCM. Tại đây, sau 4 tháng nằm điều trị, mổ, tập mang giày nẹp, Tâm dần tập tễnh tập đi với đôi nạng gỗ và gắn bó với nó cho đến tận bây giờ. Trở về nhà sau khi được chữa trị, Tâm dần tự tin hơn trên đôi chân “mới” của mình. Và khi sức khoẻ ngày một tiến triển tốt hơn, cũng là lúc anh loay hoay tìm cách làm ăn. “Với số vốn ít ỏi gia đình hỗ trợ lúc ban đầu, tôi quyết định nuôi gà và rủ rê mọi người trong gia đình cùng làm”- anh Tâm cho biết. Đó là vào năm 1991, ở thời điểm đó, anh và gia đình khởi nghiệp với 45 con gà. Cùng với thời gian, đàn gà cũng được tăng thêm theo cấp số nhân. “Từ 45 con gà lúc ban đầu, từ số tiền lãi thu được từ việc bán trứng, gà thịt, tôi lại gầy giống, mua thêm, cứ thế, đàn gà tăng dần theo thời gian, lên 100 con, 200 con, 500 con và đến năm 2003, đàn gà chúng tôi có lên đến 10.000 con”. Giữa lúc công việc đang ăn nên làm ra thì xảy ra dịch cúm gia cầm. “Năm 2004, khi nhà nước bắt tiêu huỷ gia cầm, gia đình tôi cũng phải tiêu huỷ gần 10.000 con, tiếc lắm mà không biết làm sau được” – anh Tâm ngậm ngùi cho biết.
Không đầu hàng số phận, sau khi chuyện làm ăn thất bát, trở về vạch xuất phát, Tâm lại mày mò tìm phương cách làm ăn khác. Vốn đam mê thú chơi hoa, cây cảnh nên anh quyết định chọn nghề trồng địa lan làm kế sinh nhai. Lúc đầu chỉ vài trăm chậu, dần dần học qua sách vở, bạn bè, số chậu địa lan mà anh có cũng dần tăng theo thời gian. Thời gian đầu, một vốn, một lời, có tiền, anh lại dùng để đầu tư nhà lưới, gầy thêm lan. “Giữa lúc công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió, thì lan gặp dịch bệnh, rồi nhà trồng lan không hợp cũng khiến lan chết dần”- anh Tâm thật thà chia sẻ. Lại thêm một lần nữa cuộc sống lại thử thách lòng kiên nhẫn của anh. Những tưởng lúc này, anh sẽ buông xuôi. Nhưng không, càng những lúc như thế, anh lại tự động viên mình phải cố gắng hơn nữa, bởi, anh tin, thành công sẽ chẳng bao giờ đến với những người thiếu lòng tin ở bản thân và tính kiên nhẫn. Thêm một lần nữa, anh lại chuyển nghề, từ trồng địa lan sang trồng bon sai. Và 2 năm trở lại đây, anh lại miệt mài tìm hiểu từ sách vở, đài báo hoặc qua những buổi hội thảo khuyến nông do phường tổ chức để học cách tạo thế cho tùng. “Trước, tôi chỉ trồng và bán cây thô, nhưng như thế chẳng có lời bao nhiêu, nên 2-3 năm trở lại đây, tôi đang học cách tạo thế cho tùng. Chẳng có việc gì là dễ dàng, nhưng tôi tin, bằng lòng kiên nhẫn của mình, tôi sẽ làm được” - anh Tâm tự tin cho biết.
Và có lẽ, sự tự tin của anh là không thừa, bởi trong cuộc sống, mọi người còn ưu ái gọi anh là Tâm “đa năng”, bởi không việc gì là anh không biết, từ chuyện sửa xe cho đến chuyện điện đóm trong nhà. Bất cứ lúc nào người thân, bạn bè hay anh chị em trong Hội cần tới đôi bàn tay khéo léo của mình là Tâm lại có mặt. Ngoài ra, anh cũng là một trong những thành viên tích cực, hết lòng vì các phong trào chung của Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt. “Trời còn cho sức khoẻ, chắc chắn, tôi sẽ cố gắng đến cùng”- anh Tâm nói.
Thy Vũ